Đầu tư nhà máy điện, sao làm khó cho khu vực tư nhân?

Đầu tư nhà máy điện, sao làm khó cho khu vực tư nhân?

Nhiều rào cản về thủ tục và quy định hiện hành khiến dòng vốn tư nhân trong nước chưa đổ nhiều vào làm nhà máy điện có quy mô lớn.

Duyệt FS xong lại quay về điểm xuất phát

Theo ông Ngô Quốc Hội, Tổng giám đốc Công ty Nhiệt điện An Khánh, trình tự thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản và chính sách khi đầu tư nhà máy điện còn chồng chéo.

Cụ thể, mặc dù trong Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (Tổng sơ đồ 7) và sau đó được cập nhật bằng Tổng sơ đồ 7 điều chỉnh, khi phê duyệt có ghi tên các dự án điện cụ thể, có địa chỉ đặt nhà máy và chủ đầu tư thực hiện, nhưng khi triển khai trên thực tế, chủ đầu tư sẽ phải trải qua trình tự lập báo cáo đầu tư dự án (FS), thẩm định của các bộ, ngành và lại trình Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.

“Dù dự án đã được xác định trong Tổng sơ đồ 7, nhưng sau khi nhà đầu tư chạy từ điểm xuất phát đến bước phê duyệt FS, xong lại phải quay lại bước ban đầu là phê duyệt chủ trương đầu tư. Như vậy, tự nhiên bị mất thêm thời gian bình quân từ 6 - 8 tháng nữa”, ông Hội nói và bày tỏ mong muốn Bộ Công thương kiến nghị với Chính phủ cho phép các dự án đã được ghi cụ thể trong Tổng sơ đồ 7 được bỏ qua bước chấp thuận chủ trương đầu tư để đỡ tốn thời gian, ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án và nhà đầu tư.

Thừa nhận thực tế mà doanh nghiệp nêu ra, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho hay, đúng là các dự án đã được đưa vào trong Tổng sơ đồ điện thì không nhất thiết phải có nghiên cứu nữa để ra chủ trương đồng ý đầu tư.

“Bộ Công thương đã có kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này, cụ thể là trong cơ chế cho các dự án điện cấp bách cho bỏ qua bước lập FS để phê duyệt chủ trương. Tuy nhiên, hiện đang chờ quyết định cuối cùng”, ông Vượng nói.

Không chỉ bức xúc về việc mất thêm thời gian, nhiều nhà đầu tư còn cho rằng, đang có sự đối xử không công bằng giữa các dự án điện có vốn đầu tư trong nước khi làm nhà máy điện độc lập (IPP) với các dự án điện của nhà đầu tư nước ngoài triển khai theo hình thức xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT).

Cụ thể, các dự án BOT của nhà đầu tư nước ngoài được hưởng cơ chế ưu đãi chuyển đổi ngoại tệ, bảo lãnh mua bán điện, nhưng IPP trong nước lại không được ưu đãi đó. Các nhà đầu tư trong nước làm nhà máy điện IPP muốn chuyển đổi ngoại tệ để trả nợ vay thì phải trên cơ sở đăng ký nguồn vay qua Ngân hàng Nhà nước, tự cân đối và chịu rủi ro về tỷ giá.

Vay khó

Hiện, Dự án Nhiệt điện Bắc Giang mà Công ty cổ phần Nhiệt điện An Khánh được giao là chủ đầu tư có công suất 650 MW, ước tính cần hơn 1 tỷ USD để triển khai. Tuy nhiên, việc thu xếp vốn vay của các ngân hàng nội địa không dễ dàng.

Theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ cho vay của tổ chức tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng.

Vậy nên ngay ngân hàng có “máu mặt” như BIDV, vốn cho vay 1 dự án tối đa không quá 7.300 tỷ đồng, trong khi gói thầu EPC tối thiểu cũng cỡ 22.000 tỷ đồng.

Đang có sự đối xử không công bằng giữa các dự án điện có vốn đầu tư trong nước khi làm nhà máy điện độc lập (IPP) với các dự án điện của nhà đầu tư nước ngoài triển khai theo hình thức xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT).

Như vậy, có vay được tiền của ngân hàng trong nước thì cũng cần huy động sự góp mặt của không ít ngân hàng và điều này không dễ dàng.

“Tôi kiến nghị nên cho các ngân hàng thương mại trong nước nới rộng trần hạn mức cho vay, từ 15% hiện nay lên mức 25%, nếu không sẽ khó triển khai các dự án mới”, ông Hội nói.

Với thực tế nợ công của Việt Nam ở mức cao, nhà đầu tư không có cách nào ngoài đi vay thương mại quốc tế.

Các nhà đầu tư trong nước mong muốn được bảo lãnh về khả năng thanh toán tiền điện của EVN, nếu không thì tư nhân trong nước rất bế tắc khi đi vay vốn để đầu tư dự án điện.

Chia sẻ phản ánh của doanh nghiệp, ông Hoàng Quốc Vượng cho biết, có sự khác nhau về cơ chế cho dự án điện BOT và IPP là bởi doanh nghiệp tư nhân Việt Nam còn nhỏ. Quy mô một dự án 650 MW đã cần tới hơn 1 tỷ USD, nhưng số nhà đầu tư tư nhân trong nước đầu tư được 1 tỷ USD không nhiều. Chưa kể trên thực tế, với quy mô hiện tại khoảng 1.000 - 1.200 MW thì vốn cần là trên 2 tỷ USD. Vì thế phải huy động dòng vốn đầu tư nước ngoài và phải có chính sách ưu đãi để hút dòng vốn này, nên các IPP chưa được khuyến khích bằng BOT.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công thương cũng cho rằng, thời gian tới, đầu tư trong năng lượng không nóng như hiện tại và nhà đầu tư nội địa lớn mạnh hơn thì chính sách sẽ không có sự khác biệt nữa.

Tin bài liên quan