Đầu tư nguồn điện mới vẫn dừng lại trên giấy

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều chuyên gia ngành điện cho rằng, ngay cả khi Quy hoạch Điện VIII được thông qua, thì cũng cần có những cơ chế rất cụ thể mới mong hiện thực hóa được các dự án nguồn điện trên giấy.
(Ảnh chỉ mang tính minh họa)

(Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Dừng và chờ quy hoạch

Quy hoạch Điện VIII từng được đánh giá là quy hoạch ngành quốc gia đặc biệt quan trọng trong hệ thống quy hoạch ngành quốc gia. Dù đã ngấp nghé bước vào năm 2023, nhưng Quy hoạch Điện VIII cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới 2045 (hiện tại đã được nâng lên thành năm 2050 cho phù hợp với các cam kết tại COP 26 của Việt Nam) vẫn mới dừng lại ở mức độ tờ trình.

Trước Tờ trình 8129/TTr-BCT ngày 16/12/2022 gửi Hội đồng thẩm định về phê duyệt Đề án Quy hoạch Điện VIII, Bộ Công thương đã có Tờ trình số 7194/TTr-BCT ngày 11/11/2022 gửi Thủ tướng Chính phủ về Đề án này sau khi đã làm việc với các bên liên quan và tiến hành rà soát theo chỉ đạo của Chính phủ.

Tuy nhiên, trước đó, Bộ Công thương cũng đã có các tờ trình khác liên quan đến Quy hoạch Điện VIII, bao gồm Tờ trình 1682/TTr-BCT (ngày 26/3/2021); Tờ trình 6277/TTr-BCT (ngày 8/10/2021), Tờ trình 2279/TTr-BCT (ngày 29/4/2022), Tờ trình 4778/TTr-BCT (ngày 11/8/2022), Tờ trình 4967/TTr-BCT (ngày 18/8/2022), Tờ trình 5709/TTr-BCT (ngày 23/9/2022) và Tờ trình 6328/TTr-BCT (ngày 13/10/2022).

Theo Bộ Công thương, Đề án Quy hoạch Điện VIII đã tính toán tối ưu tổng thể và 5 khâu cụ thể có quan hệ chặt chẽ với nhau là nguồn điện - truyền tải điện - phân phối điện - sử dụng điện hiệu quả - giá điện. Đề án cũng không quên nhắc tới việc phát triển đồng bộ nguồn và lưới điện; hướng tới cân bằng nội vùng cao nhất, giảm truyền tải điện đi xa, giảm tổn thất điện năng; hạn chế tối đa việc xây dựng mới các đường dây truyền tải điện liên miền…

Định hướng là vậy, nhưng trên thực tế, do Quy hoạch Điện VIII chưa được phê duyệt, nên hàng loạt dự án truyền tải phải đứng im. Tháng 1/2022, Báo Đầu tư đã đưa tin về 50 dự án truyền tải điện cấp bách không có căn cứ triển khai vẫn đang “dài cổ” chờ quy hoạch điện. Tới nay, mọi chuyện vẫn chưa có gì thay đổi.

Để lên được danh sách 50 công trình truyền tải này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị tư vấn đã rà soát, tính toán để đáp ứng yêu cầu truyền tải công suất các nguồn điện đang được triển khai. Các lần báo cáo của EVN theo liệt kê là vào ngày 10/7/2020, ngày 1/12/2020, ngày 12/5/2021 và 23/11/2021…

“Thực tế thì có những dự án mang tính cấp bách của cấp bách và quy mô không nhỏ mà vẫn đứng yên vì không có trong Quy hoạch Điện VII điều chỉnh và Quy hoạch Điện VIII chưa duyệt, nên 50 dự án truyền tải kia cũng vẫn dừng lại trong đề xuất”, một chuyên gia cho biết tình hình.

Thực tế này cũng khiến nhiều chủ đầu tư mong muốn đầu tư vào các dự án điện mặt trời, gió hay điện khí LNG và điện gió ngoài khơi dù có tên trong Đề án Quy hoạch VIII vẫn lo lắng cho tương lai của mình. Đó là chưa kể tại nhiều khu vực, số lượng nhà đầu tư quan tâm tới các dự án cụ thể lớn hơn nhiều so với nhu cầu điện tại đó, nên càng làm cho sự ngóng trông và cạnh tranh trở nên căng thẳng hơn.

Giá điện quyết định tính khả thi

Trong khi Đề án Quy hoạch Điện VIII chưa được phê duyệt, thì có thực tế là EVN đang lỗ lớn trong năm 2022 do chi phí giá nhiên liệu đầu vào tăng mạnh, mà giá bán lẻ bình quân do Nhà nước quy định không thay đổi từ tháng 3/2019, với mức 1.864,44 đồng, chưa VAT.

Trước đó, giá mua điện theo Quyết định 11/2017/QĐ-TTg và Quyết định 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là 9,35 UScent/kWh với điện mặt trời và 8,5-9,8 UScent/kWh với điện gió đều cao hơn mức 1.864,44 đồng.

Vì vậy, chỉ riêng mua điện sạch, thì EVN đã gặp khó khăn về tài chính. Điều này khiến các dự án nguồn điện, nếu chưa có giá cứng được quy định như điện mặt trời và điện gió trước đây, mà đưa ra giá chào bán điện cao hơn 1.894,44 đồng, thì không dễ đàm phán được với EVN - nhất là trong hoàn cảnh thanh kiểm tra ráo riết như hiện nay.

Vì vậy, nhiều dự án điện lớn được chấp thuận chủ trương đầu tư, nhưng đã vài ba năm nay chưa thể ký được hợp đồng mua bán điện để chuyển sang bước xây dựng nhà máy. Có thể nhắc tới Dự án BOT nhiệt điện Nam Định 1 có giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2017, Dự án Điện khí LNG Bạc Liêu có giấy chứng nhận đầu tư đầu năm 2020, Dự án điện Nhơn Trạch 3&4 có quyết định đầu tư từ tháng 2/2019, hay các chuỗi dự án Khí - Điện Lô B, Khí - Điện Cá Voi Xanh đã có giá khí đầu vào được chốt từ năm 2017, nhưng giờ vẫn đang tắc giá bán điện.

Như vậy, cả chục dự án điện khí LNG khác đã có hoặc đã được bổ sung trong Quy hoạch Điện VII điều chỉnh dù rầm rộ khởi công hạ tầng trong vài năm qua, cũng khó hy vọng sẽ có lối thoát, chứ chưa nói tới các dự án mới được đưa ra trong Đề án Quy hoạch Điện VIII.

Đáng nói là, trong số 12 giải pháp được đưa ra để thực hiện Quy hoạch Điện VIII, thì giải pháp về giá điện lại đứng cuối cùng. Cụ thể, giá điện bình quân được dự báo (quy về USD năm 2020) sẽ tăng dần từ mức 7,9 UScent/kWh vào năm 2020 lên mức 8,2-9,0 UScent/kWh vào năm 2030, định hướng đến năm 2050 khoảng 10,2-10,5 UScent/kWh.

Với thực tế này, việc hiện thực hóa các dự án điện trên giấy chắc chắn còn xa vời, dù nhu cầu điện vẫn không ngừng tăng lên.

Nhiều nguyên tắc cơ bản trong quá trình xây dựng Đề án Quy hoạch Điện VIII đã được đặt ra và không có biến động qua các tờ trình. Cụ thể là đẩy mạnh phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời...) với giá thành hợp lý gắn với bảo đảm an toàn vận hành và tính kinh tế chung của hệ thống điện; ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để tiêu thụ tại chỗ hoặc xuất khẩu, không phát điện lên lưới điện quốc gia (đặc biệt là phục vụ sản xuất hydro, amoniac xanh…); khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, điện mặt trời tại các cơ sở sản xuất - kinh doanh theo phương thức tự sản xuất, tự tiêu dùng, không phát lên lưới điện quốc gia.

Tin bài liên quan