Không còn cổ đông lớn
Đầu tư LDG niêm yết ngày 12/8/2015, nhóm cổ đông Tập đoàn Đất Xanh sở hữu 41,5% vốn điều lệ (750 tỷ đồng). Hiện tại, vốn điều lệ của Công ty đã được tăng lên 2.569,7 tỷ đồng, nhưng nhóm cổ đông Đất Xanh không còn sở hữu cổ phiếu.
Ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đầu tư LDG cũng dần thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu từ 11,81% cuối năm 2020 xuống 7,23% cuối năm 2022 và trong 6 tháng đầu năm 2023 bán thêm 3,31% (còn 3,92%).
Ngày 15/8/2023, ông Hưng bán “chui” hơn 2,6 triệu cổ phiếu nên bị HOSE quyết định huỷ giao dịch, phạt hơn 520 triệu đồng và đình chỉ giao dịch 4 tháng.
Việc cổ đông lớn liên tục thoái vốn khiến Đầu tư LDG gặp khó khăn khi tổ chức đại hội cổ đông do không đủ tỷ lệ tối thiểu tham dự theo quy định (đại hội lần 2 năm 2023 chỉ có 16,26% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự). Năm 2022 và 2023, Công ty đều phải tổ chức đại hội lần 3 (không phụ thuộc vào tỷ lệ tham dự). Hiện doanh nghiệp không còn cổ đông lớn.
Phát hành cổ phiếu ESOP với giá 0 đồng
Từ khi niêm yết đến nay, Đầu tư LDG chưa một lần trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông, trong khi có 3 lần phát hành cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ, nhân viên (ESOP), với giá 0 đồng. Cụ thể, Công ty dùng lợi nhuận sau thuế để phát hành 258.000 cổ phiếu năm 2017, phát hành 1.865.000 cổ phiếu năm 2018, phát hành 1.961.000 cổ phiếu năm 2019.
Vừa qua, Đầu tư LDG thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu ESOP với giá 0 đồng lần thứ tư, khối lượng là 12.810.367 cổ phiếu, triển khai trong quý IV/2023 hoặc quý I/2024. Với việc cán bộ, nhân viên không cần nộp tiền để sở hữu cổ phiếu, Công ty sẽ phải chuyển 128,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối sang vốn điều lệ.
Trong khi đó, hoạt động kinh doanh của Đầu tư LDG đang lao dốc, lợi nhuận năm 2022 vỏn vẹn 4,2 tỷ đồng, giảm 97% so với năm 2021, còn 9 tháng đầu năm 2023 lỗ 209,3 tỷ đồng.
Tính đến 30/9/2023, Đầu tư LDG có gần 47 tỷ đồng tiền mặt, chiếm 0,62% tổng tài sản; tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn là 1.332 tỷ đồng, chiếm 17,5% tổng nguồn vốn.
Trước đó, trong báo cáo kiểm toán bán niên 2023, đơn vị kiểm toán cho biết, tại thời điểm 30/6/2023, Đầu tư LDG phát sinh các khoản nợ phải trả quá hạn bao gồm chậm thanh toán lãi trái phiếu của lô trái phiếu LDGH2123002 với số tiền 22,55 tỷ đồng, chậm thanh toán gốc và lãi vay ngân hàng với số tiền 33,96 tỷ đồng, ngoài ra còn có một số khoản nợ đến hạn hoặc sắp đến hạn.
Nhiều dự án sai phạm, chậm tiến độ kéo dài
Đầu tư LDG giới thiệu quỹ đất lớn và tiềm năng, nhưng pháp lý nhiều dự án không rõ ràng, các dự án chậm triển khai, tiềm lực tài chính hạn chế, nhất là khi lợi nhuận năm 2022 lao dốc, 9 tháng đầu năm 2023 lỗ lớn.
Tháng 9/2020, Đầu tư LDG công bố 5 dự án chiến lược, tổng vốn đầu tư khoảng 61.000 tỷ đồng và ký hợp hợp tác chiến lược toàn diện với Công ty Quản lý quỹ Đầu tư Sài Gòn.
Khi đó, Đầu tư LDG cho hay, tổng quỹ đất mà Công ty sở hữu là gần 1.000 ha, 4/5 dự án đã có đất sạch, gồm LDG Sky (Bình Dương) - vốn đầu tư 3.400 tỷ đồng, LDG River (TP.HCM) - vốn đầu tư 4.411 tỷ đồng, LDG Grand miền Trung (Đà Nẵng) - vốn đầu tư 5.924 tỷ đồng, LDG Grand miền Nam (Bà Rịa - Vũng Tàu) - vốn đầu tư 17.353 tỷ đồng. Dự án còn lại là Grand miền Bắc (Quảng Ninh), vốn đầu tư 30.000 tỷ đồng, đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý cuối cùng.
Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, Đầu tư LDG liên tục gặp vấn đề hồ sơ pháp lý không rõ ràng ở nhiều dự án. Chẳng hạn, tại Đồng Nai, Công ty triển khai các dự án Viva, Viva City, Suối Son, tiến độ đều chậm trễ nên bị cơ quan chức năng tiến hành thanh tra từ năm 2020 đến nay. Đáng chú ý, việc xây dựng trái phép gần 500 căn biệt thự, nhà liền kề tại dự án Khu dân cư Tân Thịnh dẫn tới Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Khánh Hưng vừa bị Cơ quan điều tra, Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố, bắt tạm giam. Tại TP.HCM, doanh nghiệp kinh doanh dự án High Intela và West Intela từ năm 2019, nhưng có vấn đề về tiền sử dụng đất nên dự án bị dừng, hiện chưa được khởi động trở lại.