Đầu tư hậu đại dịch: Nhiều cơ hội có thể đạt lợi suất 30-50%

Đầu tư hậu đại dịch: Nhiều cơ hội có thể đạt lợi suất 30-50%

(ĐTCK) Thời hậu đại dịch, dự kiến sẽ có 2 phân khúc được hưởng lợi và thời gian hưởng lợi cũng khác nhau, bao gồm nhóm “buộc phải cứu” và nhóm hưởng lợi lâu dài từ nhu cầu bùng phát và kéo dài.

Bối cảnh vĩ mô, chính trị và giao thương toàn cầu

Ông Huỳnh Minh Tuấn Giám đốc Môi giới Hội sở, CTCK Mirae Asset Việt Nam.

Quan sát TTCK Việt Nam cho thấy, dựa trên 2 kỳ vọng nền tảng là kiểm soát đại dịch và các gói kích cầu hỗn hợp, thị trường đã hình thành một sóng hồi rõ nét từ vùng đáy 650 điểm giữa tháng 3/2020 đến nay.

Ðà tăng vừa qua khiến định giá của thị trường phục hồi lên vùng P/E là 11,8 lần so với mức đáy quanh 10 lần được thiết lập trước đó.

Ðây là mức định giá hợp lý, nên sẽ có biên dao động hẹp lại với những triển vọng vĩ mô hậu đại dịch và các thiệt hại được thẩm thấu.

Vì vậy, vùng điểm số VN-Index sẽ nương theo dao động vào định giá tương đối này và sẽ kết thúc giai đoạn biến động siêu mạnh trước đó để chuyển sang một giai đoạn mới, xin gọi là “Thích nghi và Phân hoá”.

Bản chất của giai đoạn mới này phụ thuộc vào mức độ hiệu quả của chính sách kích cầu tổ hợp mà Chính phủ thi hành hậu đại dịch.

Sự tổ hợp luân chuyển và trọng yếu theo từng phân khúc ngành nghề, khu vực địa lý và chiến lược tổng thể về quốc gia.

Trên bình diện quốc tế, đại dịch xảy ra đã gần như làm mờ đi tất cả những vấn đề được quan tâm trước đó, như Chiến tranh thương mại hay việc Mỹ hướng nhiều hơn tới Ấn Ðộ và Ðông Nam Á.

Sau đại dịch, Trung Quốc có khả năng trở thành mục tiêu nhắm vào của hàng loạt nước lớn do virus bắt nguồn từ quốc gia này.

Những vụ khởi kiện, trừng phạt kinh tế dự báo sẽ diễn ra ở một mức độ nào đó nhằm thoả mãn lợi ích của bên khởi phát sự việc. Câu chuyện chiến tranh giá dầu tô thêm điểm cho “Thiên Nga Ðen” trăm năm có một này.

Ðại dịch là đợt khủng hoảng ngoại lai hơn là khủng hoảng nội tại. Hậu quả của đại dịch là làm đứt gãy cung - cầu nghiêm trọng, toàn phần từ các nền kinh tế lớn của thế giới và khu vực, chứ không riêng của quốc gia nào.

Nếu các quốc gia không nhanh chóng kiểm soát về mặt y tế, quản trị xã hội và hỗ trợ thanh khoản tài chính tức thời, một đợt khủng hoảng vỡ nợ tài chính là tất yếu sẽ xảy ra.

Tổng hoà tất cả các diễn biến hiện nay cho thấy, những chiến lược vể chính trị ngoại giao, tầm ảnh hưởng của các quốc gia hàng đầu thế giới sẽ thay đổi và điều chỉnh rất nhiều hậu đại dịch.

Giao thương toàn cầu sẽ phục hồi chậm chạp dưới sự lo ngại tổng thể từ các quốc gia và tập trung vào đường biển là chính. Ðây cũng là cơ hội cho nhóm ngành vận tải biển quốc tế và xuất nhập khẩu.

Cấu trúc dòng tiền và lực lượng tham dự của thị trường

Trên TTCK Việt Nam, khối ngoại tiếp tục đà bán ròng nhưng chúng tôi dự báo đà bán sẽ suy giảm về cường độ, vì đã đi qua thời điểm khối ngoại cần thu hồi lại tiền mặt nhất.

Bóc tách rõ hơn sẽ thấy, lực lượng bán ròng trọng yếu nhất ở đây tới từ các quỹ tương hỗ (tổ hợp quỹ điều hành bởi các nhà đầu tư cá nhân gộp lại), các quỹ mô phỏng chỉ số (quỹ thụ động). Hành động bán ròng mạnh của nhóm này tới từ việc đem tiền về “cấp cứu danh mục” tại chính quốc cũng như tăng trạng thái an toàn danh mục bằng tỷ lệ tiền mặt cao.

Nhóm quỹ ngoại có chiến lược đầu tư riêng biệt (chiến lược Alpha) như Dragon Capital, VinaCapital, Mekong Capital… gần như án binh bất động trong thời gian qua.

Lý do có thể vì mọi thứ đều không trở tay kịp, đẩy mạnh bán ròng lúc này chẳng khác gì “đổ thêm dầu vào lửa” và thúc đẩy những khoản lỗ bị hiện thực hóa.

Nhóm nhà đầu tư lớn và tổ chức trong nước cũng trong trạng thái suy kiệt dòng tiền, do dòng vốn từ ngân hàng sang cho vay chứng khoán rất nhỏ giọt.

Tuy nhiên, trong giai đoạn tới, với hiệu quả của gói kích cầu trực tiếp và quy mô lớn, các nhà đầu tư lớn, tổ chức trong nước, kể cả tổ chức tài chính trung gian, có cơ hội có thêm “máu” để bình ổn trạng thái danh mục và tiếp tục thực hiện các hoạt động tạo lập cổ phiếu.

Các hoạt động mua lại cổ phiếu quỹ của nhiều doanh nghiệp gần đây là một bước đi trước của việc doanh nghiệp nỗ lực bình ổn trạng thái giá của mình.

Ðặc biệt nhất và bất ngờ nhất chính là lượng tiền nhàn rỗi được đẩy mạnh vào thị trường từ giữa tháng 3, đã hấp thụ lượng hàng bán vì giải chấp, lượng hàng bán vì nhà đầu tư chủ động giảm margin xuống cùng với lượng bán lên tới gần 13.000 tỷ đồng của khối ngoại.

Lượng tiền này đến từ nhà đầu tư cá nhân thuần tuý.

Các hoạt động khảo sát hành vi được thực hiện chỉ ra rằng, chính độ lan rộng quá mạnh và đáng sợ của đại dịch cùng hiệu ứng rơi sâu và nhanh của thị trường đã kích thích lòng tham của nhóm nhà đầu tư cá nhân, hình thành nên một cuộc “giải cứu” vô tiền khoáng hậu như hiện tại.

Bối cảnh này hoàn toàn khác cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, vì thặng dư và tích luỹ của nhóm nhà đầu tư mới này vượt xa lúc đó.

Ðây là thặng dư từ công việc kinh doanh tích luỹ sau nhiều năm thuận lợi, thặng dư từ thị trường bất động sản bùng nổ và từ thu nhập tăng lên từ tăng trưởng tổng thể của nền kinh tế.

Vậy đầu tư gì ở giai đoạn 2 này?

Đầu tư hậu đại dịch: Nhiều cơ hội có thể đạt lợi suất 30-50% ảnh 2

Theo chúng tôi, sẽ có 2 phân khúc được hưởng lợi và thời gian hưởng lợi cũng khác nhau.

Phân khúc thứ nhất nằm ở các nhóm “buộc phải cứu” gồm ngân hàng, bất động sản, hàng không, năng lượng. Các ngành thâm dụng lao động như dệt may, giày da.

Ðặc trưng của nhóm ngành này là có ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể tới nền kinh tế bởi tỷ trọng, dư nợ và hệ số liên đới và thâm dụng nhân lực.

Ở kịch bản xấu nhất, nếu các doanh nghiệp trong những ngành trên không trụ vững được sau đại dịch, có thể gây đổ vỡ nền kinh tế và hình thành một cuộc khủng hoảng lần 2 sau năm 2008.

Vì vậy, hành động “giải cứu” được Chính phủ thực hiện thiên về bơm vốn hỗ trợ thanh khoản, thực thi chính sách có lợi cốt lõi và chính sách tài khoá trực tiếp vào nhóm này.

Mức độ hưởng lợi là ngắn hạn nhằm giải quyết bài toán tồn tại và bình ổn hơn là giải quyết bài toán dài hạn là cung cầu và rủi ro nợ xấu tích tụ.

Tuy nhiên, về thời điểm đầu tư, chúng tôi cho rằng, thị trường đã qua vùng mua tốt nhất kể từ đáy, có thể canh những phiên điều chỉnh và lựa chọn góc nhìn kỹ thuật. Kỳ vọng cho các cổ phiếu này tương đối ngắn hạn và nên đặc quanh vùng 10-15% là hợp lý.

Phân khúc thứ hai nằm ở các nhóm ngành thực sự được hưởng lợi lâu dài từ nhu cầu bùng phát và kéo dài của hậu đại dịch này như: thiết bị y tế, đồ bảo hộ, dược phẩm, nông lâm thuỷ hải sản và bất động sản khu công nghiệp.

Ðây là những nhóm ngành mà nhu cầu xác lập gia tăng mạnh mẽ, duy trì bền ít nhất 6 - 12 tháng tới và có thể tăng đột biến với những biến số mới.

Riêng nhóm nông lâm thuỷ hải sản, dự báo có thể sẽ gia tăng sức cầu mạnh mẽ từ phía Trung Quốc, do đây là quốc gia có dân số khổng lồ và sẽ kích hoạt lại kinh tế sau hơn 2 tháng phong toả của họ.

Ngành bất động sản khu công nghiệp sẽ tiếp tục chuỗi hút vốn đầu tư xây dựng nhà xưởng thời hậu đại dịch. Diễn biến này là  rõ ràng khi làn sóng “anti” và “move out” khỏi Trung Quốc sẽ diễn ra mạnh mẽ thời hậu dịch.

Thời điểm đầu tư thích hợp là khi tận dụng được cơ hội phân hoá của thị trường để gia tăng tích luỹ. Nhà đầu tư cũng cần tham khảo thêm điểm rơi về giá dưới góc nhìn kĩ thuật để có giá vốn thấp.

Sóng dài cho nhóm thứ hai này có thể kỳ vọng lên tới 30-50% lợi nhuận, nhờ khả năng dòng tiền hội tụ theo tâm lý và nhóm ngành.

Tin bài liên quan