Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII): Sẽ tạm dừng thu phí và miễn phí tại các trạm thu phí

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (Mã chứng khoán CII - sàn HOSE) thông báo sẽ tạm dừng thu phí và miễn phí tại các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ để hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19.
Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII): Sẽ tạm dừng thu phí và miễn phí tại các trạm thu phí

Theo đó, ngày 19/7, Tổng cục Đường bộ có văn bản về việc tạm dừng thu phí và miễn phí tại các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ để hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19. Trong đó, CII cho biết, có một số trạm thu phí do công ty quản lý, việc tạm dừng bắt đầu từ 0 giờ ngày 20/7 cho đến khi các địa phương không còn áp dụng Chỉ thị 16 của Chính phủ.

Mặc dù vậy, CII không công bố cụ thể nhưng trạm thu phí nào phải tạm dừng.

Theo Báo cáo thường niên năm 2021, CII đang có 4 dự án đang thu phí hoặc đang trong giai đoạn hoàn vốn gồm dự án BOT cầu Rạch Miễn, tỉnh Bến Tre; dự án mở rộng tuyến tránh QL1A đoạn qua thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận; dự án BOT đầu tư mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Ninh Thuận; và dự án DT 741 tỉnh Bình Dương.

Ngoài ra, các dự án đang thi công như:

Dự án Mở rộng Quốc lộ 60 được khởi công tháng 1/2016, dự kiến sẽ được tăng giá thu phí tại trạm Rạch Miễu từ ngày 1/7/2021.

Tại dự án Mở rộng Xa lộ Hà Nội, tổng vốn đầu tư 4.906 tỷ đồng, dự án chính thức thu phí từ ngày 1/4/2021.

Dự án Trung Lương – Mỹ Thuận, năm 2019 duyệt kế hoạch tổng đầu tư giai đoạn 1 là 12.668 tỷ đồng, dự kiến dự án sẽ hoàn thành cuối tháng 11/2021 và bắt đầu thu phí.

Ngoài ra, đặc thù các dự án BOT sử dụng nợ vay tương đối lớn, tính tới 31/3/2021, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 3% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 503,9 tỷ đồng lên 17.082,1 tỷ đồng và chiếm 57% tổng nguồn vốn.

Công ty có thuyết minh lịch trả nợ trong giai đoạn sắp tới: đối với các khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn, năm thứ nhất sẽ trả 677,9 tỷ đồng, năm thứ hai là 1.224 tỷ đồng, từ năm thứ ba đến năm thứ năm là 2.179,2 tỷ đồng, sau 5 năm là 3.512,5 tỷ đồng; đối với các khoản trái phiếu thường, lịch trả nợ trong năm thứ nhất là 1.361,3 tỷ đồng, năm thứ hai là 2.461 tỷ đồng, năm thứ ba đến năm thứ năm 5 là 2.243,9 tỷ đồng, sau 5 năm là 1.150 tỷ đồng.

Lợi nhuận quý I/2021 của CII giảm mạnh

Trước đó, trong quý I/2021, CII ghi nhận doanh thu đạt 963,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 48,1 tỷ đồng, lần lượt tăng 104,1% và giảm 82,5% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 38,9% về còn 32,6%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 70,9% so với cùng kỳ lên 314,1 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 67,3% về còn 188,1 tỷ đồng; chi phí lãi vay tăng 14,7% lên 261,9 tỷ đồng; lãi công ty liên doanh, liên kết là 18 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 10,7 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Lợi nhuận trong kỳ giảm tới 82,5% chủ yếu do hụt doanh thu tài chính và chi phí lãi vay tiếp tục là gánh nặng đối với doanh nghiệp khi liên tục huy động trái phiếu.

Cụ thể, trong quý đầu năm, CII đã không còn lãi chuyển nhượng các hợp đồng, trong khi năm trước lãi chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính ước cao hơn 400,7 tỷ đồng; chi phí lãi vay tăng 14,7% so với đầu năm lên 261,9 tỷ đồng.

Được biết, CII đặt kế hoạch năm 2021 đạt tổng doanh thu 6.700 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 615 tỷ đồng, tăng 14,3% so với thực hiện trong năm 2020. Như vậy, kết thúc quý đầu tiên, doanh nghiệp chỉ hoàn thành được 7,8% kế hoạch lợi nhuận.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/7, cổ phiếu CII tăng 250 đồng lên 15.850 đồng/cổ phiếu.

Tin bài liên quan