Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (CII) tiếp tục lên kế hoạch huy động 1.600 tỷ đồng trái phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (Mã chứng khoán: CII – sàn HOSE) tiếp tục lên kế hoạch phát hành trái phiếu.
Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (CII) tiếp tục lên kế hoạch huy động 1.600 tỷ đồng trái phiếu

Theo đó, doanh nghiệp vừa thông qua phương án phát hành 1.600 tỷ đồng trái phiếu kèm chứng quyền ra công chúng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp thông qua bộ hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu kèm chứng quyền ra công chúng để nộp Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK).

Mặc dù doanh nghiệp chưa công bố thời điểm cụ thể, tuy nhiên nếu UBCK cho phép, nhiều khả năng sẽ triển khai trong thời gian tới.

Mới đây, ngày 28/12/2020, CII vừa phát hành thành công 500 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 42 tháng, trả lãi 3 tháng 1 lần, lãi suất 4 kỳ tính lãi đầu tiên là 10,3%/năm. Mục đích đợt phát hành dùng để thanh toán 300 tỷ đồng trái phiếu được phát hành năm 2017; góp thêm vốn vào công ty con 200 tỷ đồng.

Trước đó, đầu tháng 11/2020, CII dự tính huy động huy động trái phiếu bằng phát hành quyền mua, tuy nhiên lượng trái phiếu không bán được lên tới tới 800 tỷ đồng, chiếm 67% lượng trái phiếu dự định phát hành. Doanh nghiệp chỉ huy động được 393,9 tỷ đồng.

Bài toàn dòng tiền âm chưa có lời giải

Trong 9 tháng đầu năm, CII ghi nhận doanh thu là 2.948,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 460,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 100,4% và giảm tới 38,4%. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 30,5% về chỉ còn 26,6%.

Được biết, năm 2020 doanh nghiệp đặt kế hoạch doanh thu là 5.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 808 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp mới chỉ hoàn thành được 35,3% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ.

Điểm đáng chú ý dòng tiền hoạt động kinh doanh chính trong 9 tháng đầu năm âm kỷ lục 1.484,8 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 523,5 tỷ đồng. Được biết, trong vòng 4 năm trở lại đây, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp âm và dương không đáng kể, trong đó âm lớn nhất là 608,3 tỷ đồng trong năm 2017. Như vậy, chỉ mới 9 tháng qua đi mà doanh nghiệp đã âm kỷ lục dòng tiền.

Ngoài ra, dòng tiền đầu tư cũng âm 766,7 tỷ đồng, để bù đắp dòng tiền hoạt động kinh doanh chính thâm hụt vốn và hoạt động đầu tư âm, doanh nghiệp đã phải huy động dòng tiền tài chính dương kỷ lục lên tới 2.157,4 tỷ đồng, đây chủ yếu là vay nợ tăng thêm.

Được biết, kể từ đầu năm tới nay, CII là doanh nghiệp liên tục tìm mọi cách phát hành trái phiếu để vay vốn, trong đó ngoài phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư, còn phát hành quyền mua trái phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Tính tới 30/09/2020, tổng tài sản của CII tăng 4,5% lên 30.570,2 tỷ đồng. Trong đó, phải thu ngắn hạn và dài hạn lên tới 8.418,8 tỷ đồng, chiếm 27,5% tổng tài sản.

Tốc độ tăng doanh thu và khoản phải thu của CII (Đơn vị: Tỷ VNĐ)

Tốc độ tăng doanh thu và khoản phải thu của CII (Đơn vị: Tỷ VNĐ)

Trong kỳ, nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng thêm 16,3% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 2.264,4 tỷ đồng lên 16.115,8 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ nợ vay ngắn hạn và dài hạn trên tổng vốn chủ sở hữu tiếp tục tăng mạnh từ 1,6 lần lên 1,9 lần. Tuy nhiên, trong năm 2016 tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của doanh nghiệp chỉ là 3.572,7 tỷ đồng, chiếm 83% tổng vốn chủ sơ hữu.

Như vậy, chỉ có gần 4 năm, tổng tỷ lệ nợ vay ngắn hạn và dài hạn/vốn chủ sở hữu đã tăng từ 83% lên 190%.

Được biết, lịch trả nợ của CII sẽ rất lớn trong vòng 1 - 2 năm tới, việc doanh nghiệp đưa ra kế hoạch huy động vốn từ phát hành trái phiếu, trong khi hoạt động kinh doanh âm kỷ lục là dấu hỏi tiền trả lãi cho nhà đầu tư.

Tin bài liên quan