Thành phần đầu tư hay đầu cơ chi phối thị trường, xét cho cùng đều xuất phát từ chính sách điều hành của cơ quan quản lý nhà nước.

Thành phần đầu tư hay đầu cơ chi phối thị trường, xét cho cùng đều xuất phát từ chính sách điều hành của cơ quan quản lý nhà nước.

Đầu tư, đầu cơ và việc điều hành TTCK

(ĐTCK-online) Các khái niệm về đầu tư hay đầu cơ nói chung, thường không được phân tích rõ ràng, khiến nhiều người nhầm lẫn. Việc chấm điểm tốt cho các nhà đầu tư và phê phán hoạt động đầu cơ là chuyện thường thấy. Trên bất kỳ thị trường nào, cả ở trong nước và trên thế giới, đều tồn tại các thành phần đầu tư và đầu cơ.

Thị trường hoạt động tốt là thị trường được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư; còn ngược lại, khi lực lượng đầu cơ làm khuynh đảo thị trường thì đó là một điều tồi tệ. Việc các thành phần đầu tư hay đầu cơ chi phối thị trường xét cho cùng, đều xuất phát từ chính sách điều hành của cơ quan quản lý nhà nước, và TTCK cũng không ngoại lệ.

 

Đầu tư trên TTCK

Đầu tư trên TTCK là hoạt động kinh doanh cổ phiếu dựa trên các chỉ tiêu cơ bản của nền kinh tế vĩ mô và tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết. Đã gọi là nhà đầu tư thì phải biết xác định "giá trị thực" của cổ phiếu theo một phương pháp cơ bản nào đó. Do nhiều nguyên nhân nên "giá trị thực" của cổ phiếu không cố định mà thường biến đổi theo thời gian. Thông thường, nhà đầu tư sẽ quyết định mua vào khi thị giá của cổ phiếu ở mức bằng hoặc thấp hơn một khoảng nào đó so với "giá trị thực" mà họ tính toán được. Các nhà đầu tư thường bán cổ phiếu ra trong hai trường hợp: khi hết thời hạn đầu tư như dự định ban đầu hoặc do thị trường biến động khiến thị giá cổ phiếu đã vượt qua "giá trị thực" một khoảng nào đó. Tuỳ theo tỷ lệ và thời gian nắm giữ cổ phiếu mà các thành phần đầu tư có đóng góp nhiều hay ít cho chiến lược phát triển lâu dài và  hoạt động sản xuất - kinh doanh trước mắt của doanh nghiệp. Chúng ta thường nghe nói rằng, ở Việt Nam có hiện tượng "đầu tư theo phong trào" hay "đầu tư theo bầy đàn". Theo tôi hiểu thì các cụm từ đó không đúng, không có "đầu tư theo phong trào" hay "đầu tư bầy đàn", mà chỉ có đầu cơ theo phong trào và đầu cơ bầy đàn mà thôi.

 

Đầu cơ trên TTCK

Đầu cơ trên TTCK là hoạt động kinh doanh cổ phiếu dựa theo các tín hiệu ngắn hạn của thị trường hoặc cố tình tạo ra biến động trên thị trường để trục lợi ngắn hạn. Nhà đầu cơ cổ phiếu không quan tâm nhiều đến các chỉ tiêu cơ bản của nền kinh tế vĩ mô và hoạt động của doanh nghiệp trong dài hạn mà chú tâm vào việc dự đoán xu hướng ngắn hạn của thị trường. Họ sẽ mua vào khi nhận định rằng, sẽ có thông tin tích cực giúp thị trường đi lên hoặc giá một loại cổ phiếu nào đó sẽ lên mạnh, không quan tâm nhiều đến thị giá đã cao hay thấp, đã vượt qua "giá trị thực" hay chưa. Các nhà đầu cơ sẽ phát lệnh bán cổ phiếu khi thị giá cổ phiếu đã tăng lên một mức dự định so với giá mua vào hoặc khi nhận thấy tình hình thị trường có xu hướng xấu đi, không cần biết là thị giá cổ phiếu hiện tại đang cao hay thấp. Các nhà đầu cơ thường được chia thành hai nhóm là đầu cơ theo phong trào và đầu cơ chuyên nghiệp, trong đó thành phần đầu cơ theo phong trào chiếm số đông. Các tay đầu cơ chuyên nghiệp thường là những "ông lớn" dày dạn kinh nghiệm, có tiềm lực tài chính mạnh. Tuỳ theo các thông tin tích cực hay tiêu cực trên thị trường mà họ đưa ra các lệnh mua bán áp đảo để cố tình tạo ra xu hướng và kéo theo các nhà đầu cơ phong trào vào cuộc chơi tạo ra một vòng xoáy theo hướng đi lên hoặc đi xuống, để dần thiết lập một mặt bằng giá mới theo hướng có lợi cho việc mua bán tiếp theo. Đầu cơ chuyên nghiệp có thao túng giá là một hoạt động cần phải được theo dõi và ngăn chặn kịp thời; nếu không, trong một vài trường hợp, nó có thể gây đổ vỡ thị trường.

Có vẻ như đầu tư dài hạn trên TTCK được coi trọng hơn, nhưng nếu chỉ trông chờ vào hình thức này thì số lượng rất hạn chế. Mặt khác, các nhà đầu tư ngắn hạn và đầu cơ cứ liên tục nối đuôi nhau tham gia thị trường, giống như chạy tiếp sức, cũng biến nhiều khoản đầu tư ngắn hạn thành khoản đầu tư dài hạn. Đầu tư ngắn hạn và đầu cơ còn tạo tính thanh khoản cho thị trường.

 

TTCK và hoạt động ngân hàng

Có nhiều điểm thú vị khi so sánh việc đầu tư qua kênh tín dụng ngân hàng và đầu tư trên TTCK. Chúng ta biết rằng, gửi tiết kiệm ngân hàng cũng có nhiều kỳ hạn như 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng, 1 năm...; trên TTCK cũng có các trường hợp đầu tư ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, tuỳ vào khả năng của mỗi đối tượng. Còn đầu cơ ở TTCK thì chẳng khác gì các khoản gửi ngân hàng theo hình thức không kỳ hạn. Nếu chúng ta cho rằng, tất cả các khoản tiền gửi tiết kiệm là hoàn toàn hợp lý thì các dạng đầu tư hay đầu cơ thông thường trên TTCK đều đáng hoan nghênh (trừ đầu cơ thao túng giá). Đối với hoạt động ngân hàng, do mức lãi suất các kỳ hạn tương đối ổn định nên các dòng tiền ra vào hợp lý hơn và có tính ổn định cao. Còn trên TTCK, do giá cả lên xuống mạnh nên dòng tiền ra vào cũng biến động mạnh hơn. Trong hệ thống ngân hàng và TTCK đều cần một khoản vốn dự trữ để tạo tính thanh khoản cho các nhà đầu tư ra vào thường xuyên, và hoàn toàn không phải là khoản dự trữ kém hiệu quả. Đầu tư bằng hình thức gửi tiết kiệm mang tính thụ động, còn tham gia vào TTCK là hoạt động đầu tư chủ động.

 

Điều hành TTCK

Khi TTCK được vận hành tốt sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia và hạn chế các thành phần đầu cơ, thậm chí nhiều nhà đầu cơ sẽ chuyển hướng sang đầu tư. TTCK hoạt động tốt khi thị giá của phần lớn các cổ phiếu không biến động quá lớn so với "giá trị thực" trung bình của nó. Như vậy, việc điều hành TTCK, ngoài việc hình thành khung pháp lý và giám sát việc thực thi luật của các thành viên thị trường, còn có hai việc chính.

Thứ nhất, phải xác định được đâu là mức giá hợp lý của cổ phiếu nói riêng và chỉ số VN-Index nói chung;

Thứ hai, các chính sách tác động đến cung cầu trên thị trường phải đảm bảo các chỉ số chứng khoán không biến động quá mạnh so với mức được coi là "chỉ số thực". Lý thuyết thì đơn giản nhưng thực hành không dễ chút nào, nó đòi hỏi UBCK có quyền lực đủ mạnh và quy tụ được các chuyên gia thực thụ trong nhiều lĩnh vực để phân tích và dự báo chính xác. Theo dõi sự biến động trong thời gian vừa qua của TTCK và các phản ứng của các cơ quan chức năng thì thấy khá rõ những bất cập trong điều hành thị trường…

Từ đầu năm 2007, Việt Nam gia nhập WTO và mức độ hội nhập của nền kinh tế ngày càng cao. Năm ngoái, kim ngạch xuất nhập khẩu lớn gấp 1,5 lần GDP, đầu tư trực tiếp nước ngoài khá cao, đầu tư gián tiếp chiếm 30% tổng vốn hoá TTCK. Tất cả các chỉ tiêu đó xác nhận Việt Nam là một nền kinh tế mở và có mối liên hệ mật thiết với thị trường quốc tế. Kinh tế thế giới biến động mạnh theo bất kỳ hướng nào cũng sẽ tác động cùng chiều tới Việt Nam , tất nhiên là với biên độ khác nhau. Điều này cũng gián tiếp xác nhận rằng, trong điều kiện bình thường thì các chỉ số chứng khoán của chúng ta cũng dao động cùng chiều với xu hướng chung của thế giới. Thiết nghĩ, sẽ không có gì sai, nếu chúng ta ấn định một cách tương đối sự biến động của các chỉ số chứng khoán của Việt Nam với các chỉ số chứng khoán chủ chốt trên thế giới, tất nhiên là với biên độ khác nhau phụ thuộc vào tình hình nội bộ của mỗi nước. Khi có sự ấn định ngầm như vậy từ phía các cơ quan chức năng và việc điều hành TTCK cũng theo hướng như vậy thì các thành phần đầu tư trên thị trường sẽ thay đổi hành vi đầu tư theo một xu hướng mới, có thể sẽ ổn định và bền vững hơn so với hiện nay.