Đầu tư công được xem là một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Dũng Minh.

Đầu tư công được xem là một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Dũng Minh.

Đầu tư công tạo động lực tăng trưởng kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các quy định mới cũng như việc nhiều dự án khởi công đầu năm được kỳ vọng sẽ thúc đẩy giải ngân, đồng thời nâng cao hiệu quả đầu tư công, tạo động lực tăng trưởng kinh tế.

Chấm dứt chạy đua xin giao vốn “để đấy”

Từ năm 2021, vốn đầu tư công phân bổ theo kế hoạch xin giao không được giải ngân hết sẽ bị khấu trừ vào kế hoạch trung hạn. Lý giải sự thay đổi trong chính sách phân giao đầu tư công, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, bắt đầu từ năm nay, Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 chỉ cho phép giải ngân trong 1 năm, nếu không giải ngân hết sẽ bị trừ vào kế hoạch trung hạn.

“Chẳng hạn, kế hoạch đầu tư công giao 5.000 tỷ đồng, trong đó, năm thứ nhất giao 1.000 tỳ đồng. Nếu thực tế năm đó chỉ thực hiện được 800 tỷ đồng thì sẽ bị hủy 200 tỷ đồng không giải ngân được. Như vậy, kế hoạch trung hạn 5.000 tỷ đồng sẽ chỉ còn 4.800 tỷ đồng, chứ không phải là để dành chuyển phần còn lại đó vào năm sau nữa”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương giải thích.

Với sự thay đổi cách thức phân bổ mang tính thị trường hơn này, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, các chủ dự án, người lập kế hoạch đầu tư công các bộ, ngành và các địa phương cần chủ động tính toán đúng hơn, sát hơn kế hoạch xin giao vốn, tránh tình trạng cứ xin phân bổ vốn về để đó đã, chưa giải ngân được thì… tính sau.

“Các đơn vị yêu cầu phân bổ vốn sớm mà không giải ngân được sẽ bị trừ vào kế hoạch trung hạn nên các cơ quan tham mưu phải tính toán hết sức thận trọng. Qua từng quý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ theo dõi, nhắc nhở; nếu chậm trễ thì đến cuối năm, cứ theo Luật mà trừ”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.

Bên cạnh đó, Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 khắc phục vấn đề “con gà - quả trứng” của Luật cũ là phải phê duyệt dự án trước rồi mới có kinh phí cho công tác chuẩn bị đầu tư bằng cách tách riêng phần chuẩn bị đầu tư, tránh tình trạng phải điều chỉnh dự án nâng vốn nhiều lần, gây khó khăn cho doanh nghiệp triển khai cũng như chủ đầu tư dự án.

Nhờ đó, các bộ, ngành, địa phương sẽ có kinh nghiệm hơn trong lựa chọn ưu tiên đầu tư cũng như phân kỳ đầu tư hợp lý, hài hoà giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội…

Những quy định mới về cách thức phân bổ vốn từ năm nay được Bộ Kế hoạch và Đầu tư kỳ vọng sẽ tháo gỡ các vướng mắc, hạn chế cho phía người được giao vốn là các bộ, ngành, địa phương và cơ quan quản lý nhà nước tại Luật cũ, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp, chủ dự án trực tiếp triển khai dự án, đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, việc không kéo dài giải ngân vốn, dây dưa trong 2 năm sẽ khắc phục tâm lý chủ quan, không thực sự tích cực triển khai dự án của chính các chủ đầu tư hay việc các bộ, ngành, địa phương không kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nội tại để đẩy nhanh triển khai giải ngân vốn cho các dự án. Việc này sẽ giúp nâng cao hiệu quả đầu tư công nói chung.

Đẩy mạnh giải ngân các dự án trọng điểm

Trên thực tế, tác động từ việc chuẩn bị thực hiện luật mới đã có tác dụng rõ rệt ngay từ 6 tháng cuối năm 2020, tỷ lệ giải ngân tăng mạnh, đưa năm 2020 trở thành năm kỷ lục của giải ngân vốn đầu công trong giai đoạn 2016 - 2020, tập trung vào các dự án trọng điểm quốc gia.

Năm 2020 trở thành năm kỷ lục của giải ngân vốn đầu công trong giai đoạn 2016 - 2020, tập trung vào các dự án trọng điểm quốc gia.

Chẳng hạn, báo cáo của các bộ, ngành cho thấy, tổng số vốn đã giải ngân của 11 dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông tính đến cuối tháng 12/2020 là 9.962.186/10.803,276 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2020 (bao gồm cả vốn năm 2019 chuyển sang), đạt 92,21%.

Trong đó, 3 dự án thành phần đang thực hiện theo hình thức đầu tư công gồm dự án Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, Cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu có giá trị giải ngân (bao gồm giải phóng mặt bằng và xây lắp) 2.644/2.808 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2020, đạt 94,18%.

5 dự án thành phần đang thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo) đã giải ngân cho giải phóng mặt bằng 3.025/3.176 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2020, đạt 95,25%.

3 dự án thành phần mới được Quốc hội chấp thuận chuyển đổi hình thức đầu tư PPP sang đầu tư công (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây) đã được giải ngân 4.293/4.820 tỷ đồng kế hoạch năm 2020, đạt 89,06%.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh, tiến độ giải ngân và thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông cơ bản đáp ứng kế hoạch đề ra.

Với dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, tính đến nay đã giải ngân được 907 tỷ đồng, đạt 97,3% kế hoạch.

Tuy nhiên, một số dự án trọng điểm khác có tiến độ giải ngân vẫn chậm. Đơn cử, dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 là 18.500 tỷ đồng và được bố trí vốn lũy kế từ 2018 - 2020 là 18.195,035 tỷ đồng, song đến nay mới giải ngân được 5.038,556 tỷ đồng, bằng 27,69% kế hoạch.

UBND tỉnh Đồng Nai báo cáo, dự án này có một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng, hiện địa phương đang nỗ lực tháo gỡ nhằm triển khai công tác bồi thường cho các hộ dân.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành, địa phương nỗ lực tháo gỡ các vướng mắc để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm quốc gia sẽ là yếu tố tích cực, tạo tác động lan tỏa góp phần thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Kỳ vọng tổng hòa các động lực thúc đẩy tăng trưởng

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, năm 2021 sẽ tiếp tục thực hiện các dự án chuyển tiếp. Với dự án mới triển khai, có 2 loại, những dự án đã chuẩn bị, được phê duyệt trước 31/12/2020 thì vẫn tiếp tục làm.

Các dự án chưa được phê duyệt sẽ đưa vào kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 cũng được chuẩn bị đầy đủ để trước ngày 31/5/2021 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình Chính phủ xem xét, trình Quốc hội khoá XV quyết định.

Cùng với đà giải ngân mạnh năm 2020, các quy định mới của Luật Đầu tư công kỳ vọng sẽ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư trọng điểm quốc gia, từ đó tạo tác động lan tỏa, thúc đẩy tăng trưởng các ngành và sự phục hồi chung của nền kinh tế.

“Kinh tế năm 2021 sẽ tiếp tục có nhiều yếu tố thuận lợi. Sản xuất - kinh doanh đang trên đà phục hồi rõ nét, minh chứng là sản xuất công nghiệp tăng trưởng trở lại với mức 2 con số; nông nghiệp duy trì ổn định và giá trị gia tăng cao; dịch vụ có thể tốt hơn, nhất là sự nở rộ của dịch vụ công nghệ số. Đặc biệt, xuất khẩu có thêm kỳ vọng vào hiệp định thương mại tự do mới với Anh ký ngày 29/11/2020, bên cạnh Hiệp định EVFTA và các hợp tác thương mại song phương, đa phương khác... Đây sẽ là những động lực tổng hòa kết hợp với gia tăng đầu tư công góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương chia sẻ.

Tin bài liên quan