Ngày 6/12/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền của Chính phủ đã có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình phân bổ, giải ngân vốn ngân sách nhà nước trong 11 tháng đầu năm và giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong tháng cuối năm. Theo đó, tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2022 là hơn 580.261 tỷ đồng.
Đến ngày 30/11/2022, tổng số vốn ngân sách nhà nước các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân là 550.400,63 tỷ đồng, đạt 94,9% kế hoạch được giao; số vốn 29.646 tỷ đồng chưa phân bổ chủ yếu là vốn cân đối ngân sách địa phương. Giá trị giải ngân vốn đầu tư công trong 11 tháng đạt gần 338.320 tỷ đồng, tương đương 58,33% kế hoạch cả năm.
Trước đó, ngày 10/11/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Công điện nêu rõ “để duy trì động lực phục hồi, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế cả năm 2022 khoảng 8%, các cấp, các ngành cần tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là động lực thúc đẩy tăng trưởng, là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành”.
Chính phủ đang ưu tiên nguồn lực cho đầu tư công, với kế hoạch giải ngân tới 790.000 tỷ đồng trong năm 2023.
Khi dư địa của chính sách tiền tệ cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế không còn nhiều, dư địa của chính sách tài khóa còn tương đối tốt nhờ những nỗ lực để đảm bảo cân đối tài chính ngân sách thời gian qua, Chính phủ đang ưu tiên nguồn lực cho đầu tư công, với kế hoạch giải ngân tới 790.000 tỷ đồng trong năm 2023.
Hạ tầng giao thông là một trong những trọng điểm của kế hoạch đầu tư công năm tới cũng như của giai đoạn 2021-2025. Mới đây, Bộ Giao thông - Vận tải đã có văn bản yêu cầu một số địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án thành phần thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Trước đó, Bộ Giao thông - Vận tải đã phê duyệt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 có tổng chiều dài gần 724 km, rút ngắn 50% thời gian chuẩn bị đầu tư dự án so với trước đây, kết thúc giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án và chuyển sang giai đoạn thực hiện dự án.
Hạ tầng khu bay dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành cũng được khởi công đồng bộ trong tháng 12/2022. Bên cạnh đó, các dự án cao tốc giai đoạn 1 tiếp tục được hoàn thành.
Chính sách thúc đẩy đầu tư công được đánh giá sẽ giúp hàng loạt doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán được hưởng lợi. Chẳng hạn, trong 8 tháng đầu năm 2022, CTCP Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) đã trúng hơn 10 gói thầu với tổng giá trị gần 1.500 tỷ đồng, chủ yếu đến từ tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo và một số dự án ven biển qua các địa phương.
Trong nhóm vật liệu xây dựng, Nhựa Bình Minh được nhận định có nhiều lợi thế hơn về nguyên liệu đầu vào từ công ty mẹ (Tập đoàn SCG Thái Lan) và hoạt động tại vùng kinh tế trọng điểm được đẩy mạnh đầu tư công.
Các doanh nghiệp sở hữu mỏ đá gần các dự án trọng điểm có trữ lượng lớn như Hóa An và Xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa (VLB), với cụm mỏ đá Tân Cang và Thiện Tân, Đồng Nai cũng hưởng lợi lớn. Đà tăng trưởng của Hóa An đã được thể hiện từ kết quả kinh doanh quý III/2022 với doanh thu đạt 92,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 19,1 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 37,4% và hơn 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái. KBSV nhận định lợi nhuận của Công ty từ quý IV/2022 sẽ có triển vọng khả quan.
Với doanh nghiệp ngành xi măng, đầu tư công được đánh giá là một động lực giúp cải thiện sức cầu xi măng trong nước trong bối cảnh xuất khẩu xi măng được dự báo tiếp tục kém khả quan. Cùng với đó, giá than (nhiên liệu chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí đầu vào của doanh nghiệp xi măng) giảm hơn 20% so với mức đỉnh thiết lập trong năm nay sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận của doanh nghiệp ngành này lên 3 - 4%.
Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam dự phóng, doanh thu của Xi măng Hà Tiên 1 trong 2 năm 2022, 2023 lần lượt đạt 9.342 tỷ đồng và 7.410 tỷ đồng; lợi nhuận lần lượt đạt 277,8 tỷ đồng (giảm hơn 24% so với năm 2021) và 423 tỷ đồng (tăng 52,3% so với cùng kỳ).
Trong nhóm thép, các doanh nghiệp như HPG, NKG được nhận định hưởng lợi từ đầu tư công, nhưng thực tế sản lượng tiêu thụ lớn của các doanh nghiệp ngành thép vẫn ở khu vực xây dựng nhà ở và xuất khẩu nên khi thị trường bất động sản trong nước còn trầm lắng và xuất khẩu khó khăn, hiệu quả kinh doanh của nhóm này chưa thể khởi sắc.