Đầu tư công: Sai phạm giăng đầy

Vi phạm các quy định về quản lý vốn đầu tư công tại các địa phương là khá trầm trọng khi có tới 240 tập thể, 197 cá nhân bị thanh tra các cấp kiến nghị xử lý kỷ luật.

Vi phạm các quy định về quản lý vốn đầu tư công tại các địa phương là khá trầm trọng

Vi phạm các quy định về quản lý vốn đầu tư công tại các địa phương là khá trầm trọng

Sai phạm giăng đầy

Như Báo Đầu tư đã đưa tin, Thanh tra Chính phủ vừa hoàn thành báo cáo tổng hợp kết quả thanh tra chuyên đề diện rộng về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ.

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, nếu như hạn chế lớn nhất trong công tác quản lý vốn tại 15 bộ, ngành chủ yếu là việc quản lý chi phí đầu tư không hiệu quả, dẫn tới đội vốn, kéo dài thời gian thi công, thì tại các địa phương, những sai sót, vi phạm trong lĩnh vực này khá đa dạng, với mức độ nghiêm trọng, phức tạp hơn rất nhiều.

Cụ thể, sai phạm phổ biến trong công tác quản lý vốn tại các địa phương chính là việc vi phạm các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh dự án. Tổng cộng có tới 789 dự án bị các đoàn thanh tra ghi nhận sai phạm về trình tự thủ tục với tổng số tiến là 280 tỷ đồng; sai phạm về lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư tại 272 dự án với số tiền vi phạm là 248 tỷ đồng; sai phạm về nợ đọng xây dựng cơ bản tại 1.527 dự án, với tổng số tiền 1.869 tỷ đồng.

Điều đáng báo động là có tới 2.324 dự án, công trình bị thanh tra “thổi còi” với các lỗi: thanh toán vượt khối lượng thực tế thi công, thanh toán sai so với dự toán thực tế được duyệt, ứng vốn, nhưng không thực hiện hợp đồng với số tiền là 791,6 tỷ đồng.

Tại các địa phương, các đoàn thanh tra đã kiến nghị xử lý về kinh tế tổng số tiền là 3.189,5 tỷ đồng, trong đó thu hồi về ngân sách nhà nước 123,6 tỷ đồng, giảm trừ giá trị thanh quyết toán 128,6 tỷ đồng và xử lý khác 2.937 tỷ đồng. Với những sai phạm này, đã có 240 tập thể, 197 cá nhân bị kiến nghị có hình thức xử lý kỷ luật; 1 vụ việc bị kiến nghị chuyển sang cơ quan điều tra.

Theo đánh giá của các chuyên gia, những sai phạm nêu trên là rất nghiêm trọng, nhưng vẫn chưa phản ánh hết những hạn chế trong công tác quản lý vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ tại các địa phương.

“Một số tỉnh, thành phố chỉ thanh tra các dự án có tổng mức đầu tư nhỏ do cấp sở, huyện phê duyệt, mà chưa tập trung thanh tra các dự án có tổng mức đầu tư lớn, mức điều chỉnh lớn do các bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phê duyệt như hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ”, ông Ngô Văn Khánh, Phó tổng thanh tra Chính phủ thừa nhận về hạn chế lớn nhất của đợt thanh tra này.

Nặng công nợ dây dưa

Ngoài công tác quản lý, hiệu quả sử dụng vốn, các đoàn thanh tra còn tập trung “soi” việc chấp hành các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Chỉ thị số 1792/CT - TTg ngày 15/10/2011 về tăng cường quản lý vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ; hai chỉ thị số 27CT – TTg ngày 10/10/2012 và số 14/CT – TTg ngày 28/6/2013 đều cùng nội dung khắc phục, xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản. 

Đây cũng là hạn chế nổi cộm nữa trong công tác quản lý vốn tại các địa phương, dù có tới 2 lần trong vòng 1 năm, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu không để xảy ra nợ đọng dây dưa kéo dài.

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho biết, còn tồn tại tình trạng dự án chưa bố trí vốn, nhưng vẫn tổ chức lựa chọn nhà thầu và để nhà thầu ứng vốn thi công, gây phát sinh nợ đọng. Tại tỉnh Bến Tre, có 14 dự án xuất hiện nợ đọng với số tiền 127 tỷ đồng; Kiên Giang có 31 dự án với số tiền là 31 tỷ đồng; Lào Cai có 58 dự án với số tiền là 193,6 tỷ đồng.

Một số tỉnh, thành phố chưa bố trí đủ vốn cho các dự án, công trình đã hoàn thành, bàn giao và dự án đang thi công dang dở, nhưng vẫn khởi công các công trình mới, dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản. Trong số này, Ninh Bình được điểm danh khi tính đến cuối năm 2011 còn 599 công trình, dự án đã hoàn thành hoặc thi công dang dở, với số vốn còn thiếu là 9.147 tỷ đồng, nhưng trong 2 năm tiếp theo vẫn quyết định phê duyệt 347 dự án mới với tổng mức đầu tư 6.943 tỷ đồng là nguyên nhân phát sinh nợ đọng.

Đặc biệt, đa số các công trình tại Bạc Liêu do UBND các huyện, thành phố quyết định đầu tư từ năm 2012 chưa hề được ghi vốn trong kế hoạch nhưng các chủ đầu tư vẫn tiến hành triển khai. “Việc bố trí vốn như vậy vừa trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vừa gây ra những gánh nặng cho các nhà thầu khi một lượng lớn vốn bị đọng lại, không được thanh toán trong thời gian dài”, một chuyên gia xây dựng đánh giá.

Liên quan đến tồn tại này, Thanh tra Chính phủ đề nghị Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, tỉnh, thành phố tập trung thanh toán dứt điểm nợ đọng xây dựng đến năm 2015, xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn 2016 - 2020 theo quy định tại Chỉ thị số 23/CT - TTg ngày 5/8/2014 về triển khai Luật Đầu tư công.

Tin bài liên quan