Nhiều dự án hạ tầng lớn được triển khai
Theo một số nguồn tin trên thị trường, tới đây, việc tham gia đấu thầu xây dựng dự án sân bay Long Thành sẽ có sự tham gia của “hệ sinh thái” là nhóm công ty liên quan đến Newtecons do ông Nguyễn Bá Dương sáng lập, bên cạnh liên doanh nhà thầu với sự dẫn dắt của Coteccons và Hòa Bình.
Đầu tư công là lĩnh vực các nhà thầu xây dựng dân dụng, nhà cao tầng muốn tham gia từ lâu, nhưng thủ tục, rủi ro thực hiện quy trình thanh toán của các dự án sử dụng ngân sách nhà nước khiến các nhà thầu này e ngại và thường lựa chọn thị trường tư nhân hơn là thị trường đầu tư công. Tuy nhiên, ở thời điểm này, đầu tư công là lựa chọn khả dĩ nhất để tạo công ăn việc làm, mang lại nguồn thu trong bối cảnh đầu tư tư nhân đang chậm lại và cạnh tranh gay gắt.
Sân bay Long Thành do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam làm chủ đầu tư là dự án nhiều nhà thầu xây lắp mong muốn tiếp cận bởi quy mô lớn, cơ chế đấu thầu rõ ràng và giá thầu phù hợp với năng lực của nhà thầu nội.
Những tháng đầu năm, trên thị trường chứng khoán, những doanh nghiệp có thế mạnh trong lĩnh vực cầu đường đã được hưởng lợi từ chính sách thúc đẩy giải ngân đâu tư công của Chính phủ. Từ cuối năm 2022 đến nay, các cổ phiếu FCN, VCG, C4G và LCG ghi nhận mức tăng vượt trội so với mặt bằng chung, đạt khoảng 50%. Nổi bật gần đây là phiên giao dịch đầu tháng 3/2023, nhóm cổ phiếu đầu tư công đã “dậy sóng” khi nhiều cổ phiếu tăng kịch biên độ như FCN, HHV, LCG...
Công tác giải ngân đầu tư công đang được giám sát chặt chẽ, nên việc lựa chọn các nhà thầu xây lắp sẽ rất kỹ lưỡng. Theo đó, chỉ những doanh nghiệp có hồ sơ năng lực thi công tốt, mức độ hoàn thành theo tiến độ cao… mới có thể có cơ hội nhận được các gói thầu lớn trong giai đoạn tiếp theo. Trong 25 gói thầu các dự án cao tốc đã chọn được nhà thầu, một số doanh nghiệp hạ tầng trên sàn chứng khoán cũng trúng các gọi thầu có giá trị cao là VCG, LCG, HHV, C4G.
Cụ thể, CTCP Lizen (mã LCG) phát đi thông báo dẫn đầu liên danh các nhà thầu ký kết hợp đồng gói thầu XL01, dự án thành phần đoạn Vân Phong - Nha Trang. Liên danh CTCP Tập đoàn Cienco4 (mã C4G) - Tổng công ty 36 - CTCP Đầu tư xây dựng Trường Sơn – CTCP 471 cũng công bố trúng gói thầu XL01 thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Bùng - Vạn Ninh.
Tương tự, liên danh mà CTCP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (mã HHV) tham gia thông tin đã trúng 2 gói thầu còn lại của cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 với tổng giá trị lên đến 11.000 tỷ đồng. Trước đó, gói thầu đầu tiên giá trị hơn 3.800 tỷ đồng cũng đã thuộc về tay liên danh nhà thầu do HHV đứng đầu gồm CTCP Tập đoàn Đèo Cả - HHV - Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Dacinco.
Các doanh nghiệp hạ tầng ghi nhận giá trị trúng thầu lớn. Nguồn: Mirae Asset tổng hợp. |
Ngoài ra, 12 dự án thành phần đầu tiên tại cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 với tổng giá trị 52.280 tỷ đồng đã chính thức được khởi công từ ngày 1/1/2023. Bên cạnh đó, 13 gói thầu còn lại tại cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2, đường Vành đai 3 (TP.HCM) và Vành đai 4 (Hà Nội) theo kế hoạch sẽ dần thi công trong nửa đầu năm 2023.
Những dự án này được kỳ vọng sẽ tạo “cú huých” mạnh mẽ cho kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xây lắp hạ tầng trong năm 2023. Các doanh nghiệp trúng thầu lớn dù ghi nhận tăng trưởng tích cực về lợi nhuận sau thuế trong năm 2022, nhưng dòng tiền hoạt động kinh doanh lại suy giảm mạnh so với năm 2021.
Theo ông Định Quang Hinh, chuyên viên phân tích, Công ty Chứng khoán VNDirect, lĩnh vực đầu tư công sẽ cải thiện tích cực trong năm 2023 nhờ 2 yếu tố: Một là sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ và hai là giá nguyên liệu đầu vào có xu hướng giảm từ giữa năm 2022.
Do đó, VNDirect kỳ vọng kết quả kinh doanh của những doanh nghiệp được hưởng lợi từ đầu tư công như xây dựng hạ tầng hay vật liệu xây dựng có thể cải thiện kể từ năm 2023 nhờ khối lượng công việc, doanh thu cũng như biên lợi nhuận gộp gia tăng.
Thách thức vẫn là tiến độ giải ngân
Năm 2023, dự kiến số vốn đầu tư công tăng hơn 130.000 tỷ đồng so với năm 2022. Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 được Quốc hội quyết nghị là hơn 711.684 tỷ đồng. Như vậy, nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công sẽ nặng nề hơn, với yêu cầu cao hơn, chất lượng và hiệu quả hơn, đòi hỏi phải có sự quyết liệt vào cuộc ngay từ những ngày đầu năm, phấn đấu giải ngân đầu tư công năm 2023 đạt ít nhất 95% kế hoạch.
Tỷ lệ giải ngân đầu công giai đoạn từ 2015 đến nay. Nguồn: Bộ Tài chính. |
Mặt khác, theo số liệu thống kê từ năm 2017 đến nay, tỷ lệ giải ngân đầu tư công luôn ở mức thấp, ngoại trừ giai đoạn 2020-2021 được đẩy mạnh do ảnh hưởng của Covid-19. Đơn cử, tại Hà Nội, tính đến hết ngày 31/1/2023, còn 145 dự án chưa giải ngân hết kế hoạch vốn với tổng kế hoạch chưa giải ngân hết là 3.704,6 tỷ đồng (chiếm 25,2% kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản dự án cấp thành phố).
Theo đại diện sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, nguyên nhân chính là do công tác bố trí vốn đối ứng của cấp huyện cho các dự án này còn chậm, dẫn đến việc triển khai các công tác chuẩn bị thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp huyện như phê duyệt thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán, giải phóng mặt bằng, khởi công dự án… bị chậm theo.
Tương tự, tại TP.HCM, trong năm 2022 được giao 54.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, nhưng đến ngày 31/1/2023 mới giải ngân được 71,3%. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, nguyên nhân chính khiến tỷ lệ giải ngân vốn không đạt kế hoạch là bởi bất cập trong thủ tục thực hiện dự án, giải phóng mặt bằng chậm, giá vật liệu xây dựng tăng.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định, thời gian gần đây, giải ngân đầu tư công của Việt Nam đã được cải thiện so với trước, đó là bởi tình hình năm 2022 khá đặc biệt khi cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine khiến giá các nguyên vật liệu xây dựng như sắt, thép, xi măng..., thiết bị máy móc, xăng dầu… cùng tăng mạnh, gây khó khăn cho cả nhà thầu lẫn chủ đầu tư trong việc thực hiện dự án đầu tư công do không đủ nguồn lực để thực hiện cũng như không kịp chỉnh sửa dự toán.
Sang năm 2023, ông Thịnh cho rằng, vẫn còn khó khăn nhất định trong việc giải ngân đầu tư công. Thứ nhất, lượng vốn cho đầu tư công của năm nay rất lớn, tăng hơn 130.000 tỷ đồng so với năm 2022, nên cần phải xem xét, tính toán kỹ lưỡng để cân đối nhu cầu về lực lượng thi công, nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, nhiên liệu… cho phù hợp.
Thứ hai, cũng có thể gọi là khó khăn cơ bản trong đầu tư công, đó là giải phóng mặt bằng. Các dự án đầu tư công trọng điểm như tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các tuyến đường cao tốc kết nối Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ... có đặc điểm là đi qua nhiều địa phương nên yêu cầu về giải phóng mặt bằng tương đối phức tạp. Việc này cần phải được thực hiện rốt ráo và có sự phối hợp giữa chính quyền các địa phương cũng như các chủ đầu tư thì mới có thể đáp ứng được.
Thứ ba, một số địa phương xảy ra tình trạng thiếu nguyên vật liệu, nhiên liệu… để thi công, chẳng hạn khu vực phía Nam đang thiếu trầm trọng đất để đắp nền. Do đó, các địa phương cần xem xét, phối kết hợp để đảm bảo nguồn lực thực hiện khối lượng đầu tư công lớn này.
Thêm nữa, khi khối lượng công việc, máy móc, thiết bị, nhân công… đều tăng lên, cũng cần xem xét tăng định mức vốn vay, cân đối giải ngân một cách linh hoạt cho các doanh nghiệp xây lắp cũng như các chủ thầu xây dựng, từ đó giúp chủ đầu tư có vốn thực hiện nhanh chóng các dự án, hoàn thành kế hoạch giải ngân đầu tư công của năm 2023.
Để giải ngân đạt tiến độ hay hoàn thành ở tỷ lệ cao còn là thách thức với các nhà thầu tham gia đầu tư công. Do đó, có lý do để kỳ vọng nhưng nhà đầu tư không nên kỳ vọng quá cao vào cổ phiếu ngành này bởi những điều kiện giải ngân đầu tư công không dễ giải quyết trong ngắn hạn.