Thưa ông, bàn về tái cơ cấu nền kinh tế, kể cả nhìn lại giai đoạn 2011-2015 cũng như 5 năm tới, luôn có câu hỏi, nguồn lực ở đâu để thực hiện. Là một trong những người tham gia xây dựng Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, ông nghĩ thế nào về câu hỏi này?
Tôi nghe nhiều câu hỏi này và câu trả lời thường là huy động nguồn lực. Giải pháp huy động mọi nguồn lực liên tục được tính đến. Tôi có cảm giác như lúc nào chúng ta cũng đang ở trạng thái huy động và huy động. Xét về huy đông nguồn lực, chúng ta đã làm rất tốt, nhưng nhìn vào các con số thống kê, như huy động thu qua ngân sách chi ngân sách, tốc độ tăng nợ công, tăng tín dụng thuộc nhóm cao nhất so với nhiều nước trong khu vực, thì khả năng huy động đã tới hạn.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)
Cùng với đó là hiệu quả sử dụng nguồn lực còn chưa cao, nhất là nguồn đầu tư nhà nước. Theo tôi, cần phải sắp xếp lại tư duy về việc này. Đã đến lúc phải nói nhiều đến phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực hiện có, chứ không thể tập trung huy động mãi được.
Các nguồn lực hiện có ông nhắc tới là gì, thưa ông?
Tôi muốn nhấn mạnh tới nguồn lực lớn và đang tiếp tục gia tăng nằm trong khu vực nhà nước. Con số sổ sách đang được đưa ra là 148 tỷ USD tổng tài sản của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, nhưng thực tế còn nhiều, vì chưa tính tới giá trị sử dụng đất, các nguồn tài nguyên và các lợi thế khác. Ví dụ, nếu cộng thêm tài sản của các doanh nghiệp có vốn chi phối của nhà nước, thì con số này đã lên tới 275 tỷ USD, tính cả giá trị tài sản của các tổ chức sự nghiệp thì sẽ thêm khoảng 50 tỷ USD...
Ta đang có nguồn lực lớn nằm trong khu vực nhà nước, nhưng đáng tiếc là hiệu quả thấp dần, có thể nhìn thấy ở các chỉ số năng suất lao động, năng suất tài sản thấp hơn các khu vực ngoài nhà nước. Nếu lấy các ví dụ cụ thể, thì có ngay các dự án đầu tư có vốn nhà nước thua lỗ tiền tỷ hay các dự án đội vốn vài chục lần, như Dự án sơ xợi Đình Vũ, Thép Thái Nguyên; Dự án Cải tạo hệ thống thoát nước khu vực quốc lộ 13 - Ung Văn Khiêm (TP.HCM) đội vốn 442% ...
Cách thức đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ đang trực tiếp làm suy giảm năng lực cạnh tranh, hao mòn nguồn lực và thịnh vượng quốc gia. Khu vực kinh tế tư nhân cũng vì sự chen lấn của khu vực kinh tế nhà nước mà mất đà và mất đi sự máu lửa.
Lâu nay, chúng ta vẫn nói là huy động tối đa các nguồn lực, nhưng chỉ khi sử dụng hiệu quả nguồn lực nhà nước, thì các dòng chảy nguồn lực khác mới được khơi thông, để từ đó đổ vào nền kinh tế.
Vậy cách thức sử dụng hiệu quả nguồn lực đặt trong yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 nên hiểu thế nào, thưa ông?
Tôi đề xuất đặt trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn này là phân bố lại nguồn lực. Nghĩa là thay đổi cách thức phân bổ, từ hành chính xin - cho sang theo cơ chế thị trường.
Phân bổ nguồn lực hành chính xin - cho đang tạo nên sự sai lệch trong phân bổ nguồn lực, làm cho nguồn lực kém hiệu quả, lãng phí và thất bại. Hơn thế, khi hiệu quả vốn thấp, có xu hướng giảm, thì thường sẽ gây thêm bệnh “nghiện đầu tư”. Hệ quả là sẽ đến lúc phá vỡ các cân đối lớn và bất ổn kinh tế vĩ mô, làm giảm lòng tin vào chính sách, người dân không sẵn sàng bỏ thêm vốn vào các kênh đầu tư... Trong bối cảnh đó, nếu muốn huy động thêm cũng khó hoặc giá sẽ ngày càng cao.
Vì vậy, cần phải thiết lập các thị trường các nhân tố sản xuất, để có thị trường về đất đai, thị trường tài chính hoàn thiện, thay thế hành chính xin - cho trong phân bố nguồn lực.
Hai là, tái cơ cấu giai đoạn này nên bao gồm cả khu vực nhà nước, chứ không chỉ là doanh nghiệp nhà nước. Trong mục tiêu tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, có lẽ nội dung quan trọng không phải là cổ phần hóa, thoái vốn, mà là tái cơ cấu danh mục tài sản đầu tư của Nhà nước. Nhà nước sẽ rút khỏi kinh doanh để đưa vốn đầu tư vào hạ tầng, làm các nhiệm vụ khác đúng chức năng của Nhà nước...
Ba là tái cơ cấu ngân hàng phải đặt trọng tâm là xử lý nhanh và dứt điểm nợ xấu, phải tách khỏi việc trừng trị các tổ chức gây ra nợ xấu, không phải khoan dung các tổ chức tín dụng yếu kém, mà là giảm đi các tổn thất nền kinh tế phải gánh chịu và để nền kinh tế vận hành bình thường. Chỉ khi đó mới có thể tái cơ cấu các nguồn lực được.