Thống nhất hóa các văn bản quy phạm về đầu tư công là một nhu cầu rất cấp thiết

Thống nhất hóa các văn bản quy phạm về đầu tư công là một nhu cầu rất cấp thiết

Đầu tư công, cần chốt chặn pháp lý thống nhất

(ĐTCK) Những phát hiện vừa được công bố mới đây tại Báo cáo tham vấn cộng đồng góp ý cho Dự thảo Luật Đầu tư công do một nhóm các tổ chức phát triển phối hợp với Oxfam tại Việt Nam thực hiện dưới sự hỗ trợ của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đã đặt ra câu hỏi lớn về sự minh bạch, công khai và trên hết là tính hiệu quả của hoạt động đầu tư công.

Điều này cho thấy tính cấp thiết của một “chốt chặn” pháp lý thống nhất điều chỉnh hoạt động đầu tư này.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, cán bộ điều phối chương trình cấp cao của Oxfam, bằng phương pháp tiếp cận trực tiếp thông qua tham vấn cộng đồng và lấy ý kiến chuyên gia, tiến hành với 8 trường hợp dự án đầu tư công điển hình về xây dựng hệ thống kênh mương, làm đường, xây dựng cơ sở hạ tầng tại 4 địa phương là Hòa Bình, Nam Định, Quảng Trị và Bà Rịa - Vũng Tàu, nhóm nghiên cứu đã thu thập được nhiều minh chứng về sự kém hiệu quả, lãng phí tại hầu hết các dự án này.

“Sự kém hiệu quả thể hiện ở chỗ các dự án đầu tư công chưa thực sự sát với nhu cầu của người dân ở cấp thụ hưởng, cá biệt có những dự án mà kết quả thực hiện không đưa được vào cuộc sống; hiệu quả giám sát đầu tư công của cộng đồng vẫn còn hình thức, đặc biệt là đối với các chương trình, dự án đầu tư công sử dụng 100% vốn ngân sách nhà nước”, bà Hương cho biết.

Cụ thể, theo phát hiện từ kết quả báo cáo tham vấn, người dân thiếu các thông tin về người hay cơ quan chịu trách nhiệm giải trình về các công trình đầu tư công tại địa phương. Nguyên nhân do không địa phương nào cung cấp các thông tin về địa chỉ mà người dân có thể đến để tìm hiểu thêm thông tin, cũng như đưa ra các ý kiến phản hồi liên quan đến các công trình, dự án đầu tư công. Không chỉ có vậy, theo nhóm khảo sát, công trình đầu tư công, đặc biệt các công trình sử dụng 100% ngân sách nhà nước đều không có sự tham gia của người dân trong quá trình lựa chọn ưu tiên đầu tư, ra quyết định đầu tư công, thiết kế và giám sát thực hiện công trình, dự án.

Theo bà Hương, quá trình tham vấn cũng ghi nhận những phản ứng không hài lòng,  thậm chí mất lòng tin của người dân vào các cấp chính quyền địa phương khi các quyết định đầu tư công và việc sử dụng tiền ngân sách dành cho các công trình đầu tư công không hiệu quả.

Đánh giá nguyên nhân dẫn tới thực trạng này, bà Đỗ Bích Thủy, Tư vấn cấp cao Trung tâm năng lực Cộng đồng (Cecem), một trong những tổ chức tham gia dự án cho rằng, có nguyên nhân thuộc về tổ chức thực hiện, song những hạn chế về cơ chế, chính sách đóng vai trò quyết định. Theo phân tích của bà Thủy, việc thực hiện công khai, minh bạch trong đầu tư công mặc dù đã được quy định, song còn nằm trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, hiệu lực pháp luật chưa cao, dẫn đến quá trình áp dụng còn thiếu nhất quán.

Bên cạnh đó, một lý do nữa cũng được bà Thủy nêu ra là hiện Nhà nước vẫn thiếu các quy định về trách nhiệm giải trình của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư công, đặc biệt là về nội dung, hình thức giải trình và trình tự, thủ tục giải trình trong phê duyệt chủ trương, các chương trình, dự án đầu tư công; lập, thẩm định, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công. Điều này dẫn tới việc không xác định được trách nhiệm cuối cùng thuộc về ai. 

Trên cơ sở thực trạng này, nhóm công tác đã đưa ra 8 khuyến nghị chính nhằm khắc phục tình trạng thiếu minh bạch và công khai trong hoạt động đầu tư công, cũng như góp phần bổ sung hoàn thiện Dự thảo Luật Đầu tư công đang trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp này.

Theo bà Nguyễn Ngọc Lan, Phó Giám đốc Trung tâm hành động phát triển vì cộng đồng, đại diện cho nhóm công tác, các khuyến nghị này tập trung vào việc nâng cao vai trò tham gia và giám sát của người dân, cộng đồng và chính quyền địa phương thông qua thực hiện công khai, minh bạch trong các dự án đầu tư công.

Bên cạnh đó, bà Lan cũng cho rằng, cần quy định về trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong các cơ quan, đơn vị nhà nước trong các dự án đầu tư công. Đồng thời, bổ sung quy định cụ thể về hành vi vi phạm chế độ công khai, minh bạch theo các quy định pháp luật, các hành vi bị cấm, cũng như các chế tài xử lý các hành vi này trong Luật Đầu tư công.             

Tin bài liên quan