Đầu tư cổ phiếu bất động sản là nhìn vào triển vọng dài hạn

Đầu tư cổ phiếu bất động sản là nhìn vào triển vọng dài hạn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không có mức tăng ấn tượng và ít tạo “sóng” trên thị trường, cổ phiếu bất động sản thường khiến giới đầu tư hoài nghi về khả năng sinh lời trong ngắn hạn. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến nghị, nên nhìn về tiềm năng dài hạn của nhóm cổ phiếu này do chu kỳ kinh tế đặc thù của ngành.

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 31,4 điểm, tương đương 2,4% lên 1.351,85 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 21% lên 102.714 tỷ đồng, khối lượng tăng 25,7% lên 3.249 triệu cổ phiếu.

HNX-Index cũng tăng 10,61 điểm, tương đương 3,37% lên 325,46 điểm. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 53,6% lên 16.704 tỷ đồng, khối lượng tăng 50,2% lên 668 triệu cổ phiếu.

Tuần từ ngày 2/8 đến 6/8, nhóm cổ phiếu vận tải biển và kho bãi vẫn giữ được đà tăng mạnh từ tuần trước khi tăng 3,47% và tập trung ở một số mã nổi bật như VOS (+28,06%), HAH (+17,78%), MVN (+93,85%), VNA (+42,05%),..

Đặc biệt, đà tăng trong tuần được dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu bất động sản ở rổ VN30 với bộ đôi VIC và VHM đã kéo gần 11 điểm cho VN-Index; trong đó, VIC đóng góp 6,8 điểm và VHM 4,2 điểm. NVL và BCM cũng đóng góp thêm lần lượt 1,4 điểm và 0,9 điểm.

Ngoài nhóm cổ phiếu bất động sản lớn đều tăng tốt như VIC (+5,69%), VHM (+5,19 %), NVL (+3,36%), đặc biệt đà tăng mạnh trong tuần đã xuất hiện ở các cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ.

Đà tăng trong nhóm cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ

Mã chứng khoán

Giá đóng cửa ngày 30/7 (VNĐ)

Giá đóng cửa ngày 6/8 (VNĐ)

Chênh lệch (%)

TDH

6.570

7.550

14,92

DIG

25.600

29.050

13,48

NTL

29.100

31.600

8,59

SZC

40.950

44.300

8,18

LDG

5.910

6.380

7,95

HDG

53.300

57.200

7,32

DXG

21.550

23.100

7,19

VIC

107.200

113.300

5,69

IJC

25.200

26.500

5,16

VHM

108.300

113.920

5,19

NVL

104.000

107.500

3,36

Bật tăng mạnh mẽ nhất là mã TDH của CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức với mức tăng 14,92% cho cả tuần giao dịch. Sau những phiên đầu tuần tăng nhẹ, đến hai phiên cuối tuần, TDH tăng kịch trần đã giúp cổ phiếu này tăng từ 6.570 đồng/CP lên 7.550 đồng/CP.

Trong nửa đầu năm 2021, Thuduc House dính vào vụ lùm xùm truy thu thuế với số tiền lên tới 400 tỷ đồng. Doanh nghiệp này đã phải liên tục bán vốn nhằm gia tăng nguồn thu. Kết quả, tính đến cuối quý II, TDH không còn lỗ lũy kế, thay vào đó là khoản lãi gần 18 tỷ đồng. Tuy nhiên, dòng tiền kinh doanh của TDH lại âm 577 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ âm hơn 115 tỷ đồng.

Mã DIG của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng có phiên đầu tuần không thực sự thuận lợi khi giảm 1,20%. Tuy nhiên, trong những phiên tiếp theo, cổ phiếu liên tục duy trì được sắc xanh với mức tăng cả tuần là 13,48%. Thanh khoản luôn ở mức cao với trung bình đạt hơn 12 triệu đơn vị/phiên.

Trong quý II vừa qua, DIG ghi nhận doanh thu thuần gần 616 tỷ đồng và lãi ròng gần 53 tỷ đồng, tăng 10% so cùng kỳ. DIG cho biết nguyên nhân là doanh thu Công ty mẹ tăng. Cụ thể, doanh thu mảng bất động sản chủ yếu từ chuyển nhượng căn hộ dự án Gateway Vũng Tàu, chuyển nhượng căn hộ dự án CSJ và chuyển nhượng quyền sử dụng đất dự án Nam Vĩnh Yên.

Mã SZC của CTCP Sonadezi Châu Đức cũng ghi nhận tăng 8,18% trong tuần qua. Không chỉ tăng trưởng trên sàn chứng khoán, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bất động sản này cũng cho thấy tiềm năng đầu tư. Nửa đầu năm nay, SZC mang về hơn 189 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 51% so cùng kỳ. Với kết quả này, SZC đã vượt 7% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Tương tự, cổ phiếu NTL của CTCP Phát triển Đô thị Từ Liêm tăng 8,59% cho cả tuần giao dịch. Trong quý II, Công ty lãi 51,4 tỷ đồng, tăng 21% do ghi nhận doanh thu một số căn biệt thự tại dự án khu đô thị mới Bắc Quốc lộ 32. Hiện tại, NTL còn hơn 1.174 tỷ đồng chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang tại một số dự án như dự án Dịch Vọng, dự án khu 23ha Bãi Muối (Hạ Long) và dự án khu đô thị mới Bắc Quốc lộ 32.

Khả năng duy trì đà tăng liên tục trong cả tuần đã giúp cổ phiếu LDG của CTCP Đầu tư LDG tăng 7,95%, giá cổ phiếu theo đó tăng từ 5.910 đồng/CP lên 6.380 đồng/CP. Mới đây, Công ty đã công bố phương án phát hành riêng lẻ 7.000 trái phiếu đợt 1 và 2 năm 2021 nhằm tăng quy mô vốn hoạt động doanh nghiệp, tổng giá trị chào bán là 700 tỷ đồng.

Ngay sau đó, LDG tiếp tục thông qua kế hoạch chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại CTCP Đầu tư Xây dựng Đại Thịnh Phát (ĐTP), tương ứng 14,99 triệu cổ phiếu (99,95% vốn điều lệ) với giá chuyển nhượng không thấp hơn 149,92 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong quý II vừa qua, lãi ròng doanh nghiệp đạt vỏn vẹn 1 tỷ đồng, giảm 58,3%, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính tiếp tục âm 416,4 tỷ đồng.

Dù mã HDG của CTCP Tập đoàn Hà Đô đang leo dốc tương đối tích cực với 7,32%, tuy nhiên, tình hình kinh doanh vừa qua của Hà Đô không thực sự thuận lợi. Cụ thể, doanh thu thuần trong quý 2/2021 ghi nhận 478 tỷ đồng, giảm 75% so cùng kỳ chủ yếu do tình hình doanh thu kinh doanh bất động sản sụt giảm. Kết quả, HDG báo lãi ròng quý II/2021 ở mức 33 tỷ đồng, giảm đến 93%.

Là cổ phiếu từng gây nhiều tranh cãi, DXG của CTCP Tập đoàn Đất Xanh cũng tăng đến 7,19% trong tuần giao dịch. Thông tin tích cực mới nhất về DXG là cổ phiếu này được ra khỏi diện cảnh báo của HOSE từ ngày 6/8. Lý do là Đất Xanh có lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ 6 tháng đầu năm 2021 là 830,01 tỷ đồng và lợi nhuận chưa phân phối tại ngày 30/6/2021 là 3.181,7 tỷ đồng.

IJC của CTCP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật cũng thuộc nhóm cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ được chú ý khi tăng 5,16%. IJC được đánh giá cao nhờ sở hữu quỹ đất sạch dồi dào lên tới hàng triệu m2 gần các khu công nghiệp tại Bình Dương. Nổi bật là dự án IJC Vĩnh Tân nằm gần cụm công nghiệp VSIP, dự án biệt thự cao cấp Sunflower, dự án Khu đô thị IJC Mỹ Phước 3… Quý II vừa qua, IJC cũng báo lãi 177 tỷ đồng, gấp 4,4 lần cùng kỳ.

Đầu tư cổ phiếu bất động sản là đầu tư dài hạn

Thực tế, dòng cổ phiếu bất động chiếm tới 21,39% vốn hóa thị trường chứng khoán và chỉ đứng sau nhóm cổ phiếu ngân hàng. Do đó, các chuyên gia đánh giá mức độ tác động của hai nhóm cổ phiếu này sẽ nắm quyền chi phối cả thị trường.

“Dù trong thời kỳ khó khăn chung của nền kinh tế, chỉ cần ngân hàng và bất động sản hoạt động tốt, thị trường chứng khoán cũng sẽ tốt theo, tuy nhiên hàng trăm doanh nghiệp khác lại trong tình trạng liêu xiêu”, Chuyên gia Kinh tế Nguyễn Thanh Bình chia sẻ.

Trong các room chứng khoán, cổ phiếu bất động sản luôn hút được sự quan tâm của đông đảo nhà đầu tư và các chứng sỹ vẫn thường “mách nước” nhau ôm dòng cổ phiếu này. Nhiều mã tiềm năng nhưng vẫn nằm trong nhóm vừa và nhỏ, đủ sức cho các nhà đầu tư cá nhân ít vốn muốn chen chân.

Nhà đầu tư Phạm Mạnh cho rằng, đầu tư cổ phiếu bất động sản cần tính đến triển vọng lâu dài, vì ngành này không tăng đột biến như nhiều ngành khác trên thị trường, nhưng khả năng tăng trưởng tương đối chắc chắn và an toàn cho nhà đầu tư dài hạn.

Ông Vũ Ngọc Quang, Chuyên gia Phân tích Cổ phiếu của SSI Research cũng khẳng định, việc tác động giá cổ phiếu bất động sản sẽ mang tính chất lâu dài.

“Do tính chất chu kỳ nên nhóm ngành này tăng chậm hơn so với các ngành khác”, ông Quang cho biết.

Kể cả trong thời điểm thị trường chứng khoán thăng hoa và vượt ngưỡng 1.400 điểm, nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn tỏ ra yếu thế khi không có nhiều mã đột phá. Theo thống kê của SSI Research, tính đến ngày 31/7, cổ phiếu bất động sản chỉ tăng tầm 30%, trong khi mức tăng của cổ phiếu thép là 57%, chứng khoán hơn 70% và ngân hàng xấp xỉ 34%.

Ông Hoàng Văn Thọ, chuyên gia Phân tích ngành Bất động sản, CTCP Quản lý Quỹ Dragon Capital thông tin rằng trong 6 tháng đầu năm, thị trường không chứng kiến đợt sóng nào của bất động sản và sự tăng trưởng trong ngành trở nên phân hóa rõ nét. Cụ thể, các mã hưởng lợi từ các quỹ ETF hay có câu chuyện riêng như tăng vốn, ghi nhận lợi nhuận sau thời gian dài tích lũy,... sẽ được chú ý nhiều hơn.

Đặc biệt, các chuyên gia nhận định dịch bệnh Covid-19 quay trở lại, giáng thẳng xuống nhiều khu công nghiệp trọng nghiệp phía Nam, khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng “đóng băng” mọi hoạt động, các dự án bị đình trệ. Điều này sẽ được thể hiện rõ nhất trong kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp tới đây.

Do đó, sẽ rất khó để cổ phiếu nhóm bất động sản, đặc biệt là bất động sản khu công nghiệp có thể tạo sóng trên thị trường. Tuy nhiên, về mặt lâu dài, đây vẫn sẽ là kênh tăng trưởng ổn định vì dịch bệnh chỉ là yếu tố ngắn hạn và thời kỳ khó khăn sẽ qua đi khi các nước kiểm soát được tình hình.

Ông Thọ cũng nhìn nhận, môi trường lãi suất thấp cũng là sự hậu thuẫn vững chắc cho doanh nghiệp bất động sản. Trong suốt 10 năm gần đây, chỉ cần lãi suất được đảm bảo ổn định cũng đã giúp doanh nghiệp tăng trưởng tốt. Vậy nên, lãi suất thấp như hiện nay sẽ mang đến sự tích cực cho cổ phiếu nhóm bất động sản trong dài hạn.

Tin bài liên quan