Diễn đàn kinh doanh 2023: Đổi mới mô hình tăng trưởng.
Đầu tư hiệu quả hơn
Tại Diễn đàn kinh doanh 2023: Đổi mới mô hình tăng trưởng do Forbes Việt Nam tổ chức chiều 17/8, các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam cần xác định hướng đầu tư tập trung, hiệu quả, không dàn trải sao cho đem lại hiệu quả cao nhất với số vốn thấp nhất có thể.
Ông Lê Hồng Việt, Tổng giám đốc FPT Smart Cloud chia sẻ, FPT đã đổi mới đầu tư và hoạt động hiệu quả nên kết quả kinh doanh 6 tháng đạt mức tăng trưởng tốt trong bối cảnh biến động không ngừng với lợi nhuận tăng 19% và doanh số tăng 25%.
Theo ông Việt, là công ty công nghệ nên FPT Smart Cloud làm việc với đa dạng doanh nghiệp. Điều nhận thấy thay đổi rõ rệt nhất của các doanh nghiệp trong thời gian qua trước biến động và tác động của kinh tế là thu gọn đầu tư, tập trung vào hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp và tìm các đối tác hiệu quả.
Trong khi đó, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Ngân hàng MB cho biết 6 tháng đầu năm nay với MB khó khăn lớn nhất là lãi suất đầu vào tăng cao tới 2% điểm trong khi lãi suất cho vay tăng chậm. Nợ xấu cũng tăng nhanh từ 0,8% lên 2,8%...
Theo ông Thái, hiện bối cảnh nền kinh tế khó khăn, khách hàng, doanh nghiệp có khả năng chống chịu thấp đi, song vẫn phải đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh khiến nợ xấu và chi phí rủi ro tăng mạnh.
Trong bối cảnh này, các ngân hàng buộc phải giảm nhanh chi phí vận hành, thận trọng hơn khi quyết định cho vay, đồng thời đầu tư có hiệu quả vào công nghệ, chuyển đổi số để tăng năng suất.
Ông Lưu Trung Thái cũng chia sẻ, suốt 5 năm qua, MB không tăng về quy mô chi nhánh và số lượng nhân viên, nhưng lợi nhuận vẫn tăng từ 18 – 25% nhờ việc đầu tư chuyển đổi số đúng và hiệu quả.
Tăng trưởng theo chiều sâu
Bên cạnh việc xác định đúng hướng đầu tư, các chuyên gia cũng cho rằng nền kinh tế Việt Nam cần chuyển đổi từ cách thức tăng trưởng theo chiều rộng dựa vào vốn, lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên thiên nhiên tầm quốc gia... sang tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu với hàm lượng chất xám cao.
Bà Dorsati Madani, chuyên gia Kinh tế cao cấp, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết, hai động lực tăng trưởng mạnh mẽ nhất cho Việt Nam hiện nay là xuất khẩu và đầu tư.
Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam nổi bật ở nhiều lĩnh vực điện tử, dệt may, giày dép, nông sản, đồ gỗ… Việc thu hút vốn FDI vẫn đang chủ yếu dựa trên ưu đãi thuế và lao động giá rẻ, ít tạo ra sản phẩm có hàm lượng chất xám cao.
Tuy nhiên, với xu hướng thay đổi chuỗi cung ứng do thương chiến Mỹ - Trung và hậu đại dịch COVID-19, Việt Nam tiếp tục mở ra nhiều cơ hội trong việc thu hút đầu tư.
Phân tích xu hướng phát triển hiện nay về mặt công nghệ, ông Nguyễn An Nguyên, CEO Trusting Social cho biết kỷ nguyên của AI (trí tuệ nhân tạo) đang tới, và AI không chỉ có sự tác động mạnh mẽ tới đời sống xã hội mà còn mở ra một xu thế mới trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Nguyên, công nghệ, Internet,… sẽ là những công cụ thúc đẩy sự phát triển của xã hội trong tương lai.
Chính vì vậy, doanh nghiệp cần phải nhanh chóng thích ứng với kỷ nguyên số này, lựa chọn mô hình chuyển đổi số nhanh chóng, phù hợp thì mới có thể phát triển mạnh mẽ. Với quá trình chuyển đổi số, doanh nghiệp cần ứng dụng từng bước nhưng phải mang tính hệ thống mới mang lại lợi ích thiết thực trong vận hành nội bộ, cũng như trải nghiệm cho đối tác, khách hàng...
Đồng tình, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch TBS Group cho rằng nếu một doanh nghiệp không nghĩ tới quá trình chuyển đổi số, quản trị số, doanh nghiệp đó sẽ khó mà tiếp tục tồn tại.
Theo ông Thuấn, trong giai đoạn Covid-19 khi các doanh nghiệp quốc tế bị hạn chế tại Việt Nam, chuỗi cung ứng bị đứt đoạn, cũng là một cơ hội để các doanh nghiệp trong nước tiếp cận với các đối tác lớn mà trước đó ít có cơ hội tiếp xúc.
Đồng thời, đây cũng là lúc để các doanh nghiệp Việt Nam thiết kế, xây dựng các trung tâm nghiên cứu, R&D gọn nhẹ, tích hợp để phát triển, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, nhanh chóng phát triển năng lực quản trị, đầu tư công nghệ, chuyển đổi số.
Bà Dorsati Madani cho biết WB đã dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm nay ở mức 4.7% và đạt 5.5% trong năm 2024. Dự báo về hồi phục nhập khẩu từ Mỹ và EU vào cuối năm 2023 đã có hồi phục mức nhẹ, là cơ hội cho xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, dù Việt Nam đã ký hàng loạt các FTA nhưng có tới 40% doanh nghiệp chưa nắm bắt được các cơ hội cũng như những thách thức từ bên ngoài với các quy định của thị trường nhập khẩu về sản phẩm xanh và sản xuất xanh.
Chuyên gia của WB nhận định, để Việt Nam giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định và bền vững trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng xanh và gắn nhãn cho các sản phẩm đó. Đầu tư cho giáo dục đào tạo nguồn nhân lực và đầu tư cho công nghệ.