Đầu tư chứng khoán phái sinh: Mục tiêu không phải là tiền

Đầu tư chứng khoán phái sinh: Mục tiêu không phải là tiền

(ĐTCK) Một số nhà đầu tư sau thời gian lướt sóng chứng khoán phái sinh trong phiên thất bại đã bắt đầu chuyển sang nắm giữ vị thế dài hạn hơn, đồng thời thay đổi mục tiêu đầu tư. 

“Trước và trong quá trình đầu tư, tôi đọc sách và tham dự nhiều hội thảo về thị trường phái sinh, cũng như tham khảo báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán, tích lũy được không ít kiến thức, kinh nghiệm, nhưng rào cản tâm lý khiến chiến lược lướt sóng thất bại”, một nhà đầu tư chia sẻ lý do anh chuyển sang nắm giữ vị thế hợp đồng tương lai dài hạn hơn.

“Nếu bạn hiểu đám đông đang làm gì, bạn sẽ thu lợi từ những dao động cảm xúc của họ, thay vì bị nhấn chìm trong thủy triều cảm xúc của đám đông”, nhà đầu tư nói và cho biết, một cuốn sách về đầu tư chứng khoán của Alexander Elder đã viết như vậy.

“Tôi lướt sóng thất bại vì không hiểu tâm lý đám đông, diễn biến giá thường xuyên không như dự đoán. Bên cạnh đó, quyết định mua - bán thường bị cảm xúc chi phối, khiến thời điểm cắt lỗ, chốt lời không hợp lý. Hệ quả, khoản lãi thì ít, khoản lỗ thì nhiều”, nhà đầu tư nói và nhận xét: “Sách viết rất đúng. Hầu hết mọi người, thành công hay thất bại trong cuộc sống tùy thuộc vào khả năng vận dụng lý trí, chứ không phải hành động theo cảm xúc. Nếu cảm thấy quá phấn khích khi chiến thắng và bi quan khi thua lỗ là nhà đầu tư đang phó mặc số phận vào chuyển động của thị trường. Cần tiến hành giao dịch một cách tĩnh tâm và có trách nhiệm”.

Một nhà đầu tư khác cho hay, cơ chế giao dịch đối ứng liên tục, ghi nhận lãi, lỗ ngay lập tức của sàn phái sinh có sức hấp dẫn rất lớn, nhưng giờ đây anh cố kiềm chế để không bị “nghiện” giao dịch. Bởi lẽ, giao dịch quá nhiều lần trong phiên rất khó chế ngự được cảm xúc, dễ dẫn đến quyết định mua - bán vội vàng, không hợp lý, nhất là khi nhà đầu tư mong muốn lãi nhanh, lãi nhiều, hoặc muốn nhanh chóng gỡ lại các khoản thua lỗ.

“Tôi đã có nhiều lần giao dịch không hợp lý, đang lãi chuyển thành lỗ, đang lỗ ít chuyển thành lỗ nhiều vì mở vị thế cả mua và bán liên tục do thay đổi nhận định về xu hướng thị trường theo các diễn biến tăng giảm của chỉ số. Nếu không ham lướt sóng mà kiên định với dự báo bán đầu thì có lẽ tôi đã có lãi”, nhà đầu tư chia sẻ.

Chuyên gia phân tích kỹ thuật tại một công ty chứng khoán thành viên giao dịch phái sinh cho hay, các mẫu hình đồ thị thể hiện tâm lý đám đông, các chỉ báo theo sau xu hướng giúp xác định xu hướng tiếp theo của thị trường, trong khi các chỉ báo dao động cho biết khi nào xu hướng sẽ đảo chiều.

Nhà đầu tư nên thường xuyên liên hệ với nhân viên môi giới hoặc phân tích để nhận được các khuyến nghị giao dịch. Đặc biệt, nhà đầu tư phải xác định, mục tiêu không phải là tiền, mà là giao dịch thật tốt. Cần tập trung giao dịch hợp lý và phát triển kỹ năng đến mức không bị tác động bởi cảm xúc cá nhân. Giao dịch hợp lý, tiền sẽ tự động chảy vào tài khoản như một hệ quả tất yếu.

“Lưu ý, không phải lúc nào các chỉ báo kỹ thuật cũng đúng. Đôi khi, các dao động giá trong phiên rất bất thường. Nguyên nhân là do sự thay đổi tâm lý bất ngờ của nhiều nhà đầu tư, nhưng cũng có thể là do một bộ phận nhà đầu tư lớn sử dụng hệ thống giao dịch tự động. Các hệ thống này nếu bị kích hoạt đồng thời sẽ đưa ra một loạt lệnh mua - bán liên tiếp, khiến giá biến động nhanh và mạnh, thậm chí ngược chiều diễn biến của chỉ số cơ sở, nhất là khi kết hợp với tâm lý tham lam hay sợ hãi của đông đảo nhà đầu tư khác”, vị chuyên gia phân tích kỹ thuật nói.

“Thời gian gần đây, vòng quay đầu tư, tức mức độ lướt sóng của các nhà đầu tư giảm so với trước, thể hiện ở tỷ trọng khối lượng hợp đồng mở (OI) so với khối lượng giao dịch mỗi phiên tăng lên”, vị chuyên cho biết.   

Tin bài liên quan