Đầu tư chứng khoán: Đam mê là không chờ đợi

Đầu tư chứng khoán: Đam mê là không chờ đợi

(ĐTCK) Đam mê lớn với chứng khoán, trưởng thành thông qua hoạt động của các câu lạc bộ, cuộc thi chứng khoán dành cho sinh viên, một lớp nhà đầu tư, người hành nghề chứng khoán mới có kiến thức, tư duy vững vàng đang dần hình thành trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Chứng khoán sau giảng đường đại học

“Suốt 2 năm qua, em đã gặp và tiếp xúc với rất nhiều bạn đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Họ có thể là giáo viên, bác sĩ, kỹ sư, luật sư hay những bà nội trợ… nhưng điểm chung là đều thua lỗ khi đầu tư chứng khoán. Em luôn muốn giúp đỡ những người bạn của mình và tin rằng, để làm được chỉ có một cách là hiểu biết đầy đủ về thị trường, doanh nghiệp, các ngành kinh tế…”, Trương Quang Huân, sinh viên năm cuối Đại học Ngoại thương chia sẻ tại đêm chung kết một cuộc thi chứng khoán vào tháng 11/2015.

Với kiến thức tốt và lợi thế của việc tham gia thực sự vào thị trường, Trương Quang Huân là quán quân của cuộc thi này và sau đó tiếp tục về nhì tại một cuộc thi khác về chứng khoán vào tháng 5/2016. Những trải nghiệm này giúp em nhanh chóng được tuyển dụng vào một công ty chứng khoán thuộc top đầu trên thị trường.

Thị trường chứng khoán không phải là canh bạc để các bạn gặt hái thành công trong ngắn hạn. Nếu các bạn nhắm tới lợi nhuận trong 1 đến 2 tháng thì sẽ bị trả giá trong 1 đến 2 ngày.

- Ông Khổng Phan Đức, 
Tổng giám đốc VietinbankSc.

Câu chuyện của Huân không hiếm gặp tại các cuộc thi chứng khoán do trường đại học khối ngành kinh tế tổ chức những năm qua. Những cuộc thi chứng khoán cho sinh viên đã vượt ra khuôn khổ của sân chơi phong trào mà trở thành cơ hội trải nghiệm, cọ xát đáng quý cho sinh viên “mê” chứng khoán, giúp các em trưởng thành và tiếp cận gần hơn với nghề nghiệp mình lựa chọn.

Trên địa bàn Hà Nội, mỗi năm có 4 cuộc thi chứng khoán lớn. Cuộc thi có quy mô lớn nhất đã trải qua 7 mùa, thu hút hơn 5.000 thí sinh tham dự mỗi năm, chất lượng thí sinh ngày càng cải thiện và đối tượng tham gia mở rộng ra các trường ngoài khối ngành kinh tế.

Mỗi cuộc thi đều có nét đặc trưng riêng, tuy nhiên, các mô típ này đều cân bằng được yếu tố kiến thức và trải nghiệm thực tế.

Ngoài việc trải qua bài kiểm tra với bộ câu hỏi lý thuyết, các thí sinh xuất sắc có cơ hội trải nghiệm đầu tư thật trên thị trường chứng khoán, bên cạnh đó là thuyết trình bảo vệ danh mục đầu tư trước hội đồng giám khảo là các chuyên gia hàng đầu từ Ủy ban Chứng khoán, sở giao dịch và các công ty chứng khoán.

Hàng năm, chính các công ty chứng khoán cũng không ngần ngại bỏ tiền tài trợ cho các cuộc thi này nhằm nâng cao sức ảnh hưởng và tìm kiếm những nhân tố xuất sắc cho bộ máy của mình.

Nhiều công ty chứng khoán như SSI, VNDS, MBS, VCBS,... đã không chỉ tài trợ mà còn tạo môi trường cho các sinh viên trải nghiệm và từ đó, giúp chính mình "săn" các nhân sự triển vọng.

Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) Vũ Quang Đông chia sẻ, VCBS luôn đồng hành với các bạn sinh viên có khát vọng nghề nghiệp trên thị trường, giúp các bạn “mài sắc” công cụ, trước khi bước vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ông Đông cho biết, qua các cuộc thi, VCBS đã tuyển được 8 nhân sự chất lượng trong vài năm trở lại đây. Với VCBS cũng như nhiều nhà tuyển dụng khác, những sinh viên có nền tảng kiến thức vững, có khả năng phân tích, khả năng thuyết trình, đặt các câu hỏi thông minh để hiểu sâu về doanh nghiệp,... là những lựa chọn tốt đối với việc tuyển dụng.

Top 5 thí sinh xuất sắc nhất cuộc thi I-Invest 2016 

Đam mê là không chờ đợi

Không hiếm các sinh viên có khát vọng dấn thân vào ngành chứng khoán đã tham gia đầu tư ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.

Bạn trẻ Phương Hà kể lại: "Những cổ phiếu đầu tiên của em được mua vào ngày 9/5/2014, một ngày sau phiên giảm điểm kỷ lục kể từ sau khủng hoảng cho tới thời điểm 2016 hiện nay. Lúc đó em bắt đầu mua HQC và FLC và bị lỗ ngay trong 2 phiên sau đó, nhưng thật may là sau hai phiên, giá cổ phiếu đã tăng mạnh trở lại, sau một đợt giảm giá dài ngày. Sau này em nhận ra thị trường chứng khoán có nhiều điều phức tạp, không thuần túy như suy nghĩ ban đầu, nhưng đó vẫn là những kỷ niệm về thời gian đầu tham gia thị trường".

Hành trang mà các bạn trẻ chuẩn bị cho mình ngoài những kiến thức và thời gian nghiên cứu là việc mạnh dạn học hỏi từ những người đi trước.

Học hỏi từ những anh chị, nhà đầu tư có kinh nghiệm trên thị trường thông qua các mối quan hệ có được khi tham gia câu lạc bộ chứng khoán của trường, chủ động tìm kiếm trên facebook những chuyên gia lớn trong ngành và nhắn tin hỏi một cách rất tự nhiên.

"Không phải ai cũng trả lời em, nhưng có một số anh chị rất nhiệt tình trả lời các câu hỏi ngây thơ của em hồi đó. Trong số đó có trưởng phòng của một số công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, admin của các diễn đàn về chứng khoán lớn trên facebook…”, Hà cho biết.

Cũng có duyên với chứng khoán, Nguyễn Duy Đạt, sinh năm 1995 - Quán quân I-Invest 2016 bị cuốn hút bởi chứng khoán từ những năm còn học phổ thông.

“Em thường xuyên theo dõi Bản tin tài chính trong giờ ăn trưa. Lúc đó em nghĩ rằng, đầu tư chứng khoán chẳng cần làm gì, chỉ cần ở nhà, mua vào, bán ra là có lãi”. Đến với chứng khoán dưới góc nhìn “ngây thơ”, tuy nhiên như Duy Đạt chia sẻ, đó là cái duyên giúp Đạt quyết tâm thi vào trường Đại học Kinh tế quốc dân, chuyên ngành chứng khoán.

“Sau này khi nghiên cứu về chứng khoán, em biết suy nghĩ đó là không đúng, nhưng đồng thời, em nhận ra mình có niềm đam mê thực sự với việc nghiên cứu các công ty, các ngành và việc đầu tư chứng khoán. Em cũng xác định sẽ gắn bó với lĩnh vực này. Với chứng khoán, mục tiêu đầu tiên mà mọi người đều nghĩ đến đó là kiếm tiền. Nhưng em nghĩ đó chỉ là mục tiêu trong tương lai, vì khi chưa có đủ kinh nghiệm và kiến thức, việc tạo được lợi nhuận trong đầu tư là không hề đơn giản”, Duy Đạt nói.

Bắt đầu đầu tư thực tế trên sàn chứng khoán khi học năm nhất đại học, Đạt chia sẻ mục đích ban đầu không phải là kiếm tiền, vì số tiền bỏ vào rất nhỏ, mà là để học, để tích lũy kiến thức. “Tất nhiên, khi đã có kinh nghiệm, kiến thức, tìm kiếm lợi nhuận là mục tiêu của mọi nhà đầu tư. Khi tham gia rồi, những biến động của thị trường, cảm giác được mất càng cuốn hút em nhiều hơn.” Đạt cho biết thêm.

Nhân lực cho chặng đường mới

20 năm tạo dựng ngành, những thế hệ đầu tiên đã và sắp đến tuổi nghỉ hưu, nhường chỗ cho một lớp nhân sự mới.

Từ những viên gạch nền - sinh viên các trường kinh tế - nếu thắp lên một ngọn lửa đam mê tìm hiểu về thị trường chứng khoán, thị trường tài chính để có cơ hội nghề nghiệp rộng mở, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ sớm lấp khoảng trống về lớp nhà đầu tư, người hành nghề chứng khoán có kiến thức, có “công cụ” sắc bén trên thương trường.

Chứng kiến các bạn trẻ chia sẻ khát vọng, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn ví von, tuổi của các sinh viên cũng đúng bằng tuổi 20 của ngành chứng khoán, một ngành đang rất cần những bạn trẻ có tri thức, đam mê và khả năng sáng tạo để nối tiếp thế hệ đi trước, xây dựng thị trường vững bước trong hội nhập.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã xác lập được vị thế trong nền kinh tế, tuy nhiên, quy mô còn nhỏ, nhiều cấu phần thị trường chưa hoàn thiện… Đây là không gian rất rộng cho các bạn trẻ tiếp bước.

Cũng dành lời khuyên cho lớp trẻ, ông Khổng Phan Đức - Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBankSc) cho rằng, các sinh viên ngày hôm nay sẽ là nguồn lực của xã hội trong tương lai. Do đó, các bạn trẻ ngày nay cần được trang bị kiến thức và tư duy về thị trường chứng khoán một cách chính thống để tránh việc nhìn và hành xử với thị trường chứng khoán như một canh bạc.

“Với thị trường chứng khoán, nếu đầu tư một cách chính thống và đi theo phân tích cơ bản thì tất cả những sai lầm trong ngắn hạn sẽ được sửa sai trong trung và dài hạn. Thị trường chứng khoán không phải là canh bạc để các bạn gặt hái thành công trong ngắn hạn. Nếu các bạn nhắm tới lợi nhuận trong 1 đến 2 tháng thì sẽ bị trả giá trong 1 đến 2 ngày”, ông Đức nói.

Tin bài liên quan