IFC là nhà đầu tư tiên phong trong phát triển năng lượng mặt trời tại Việt Nam

IFC là nhà đầu tư tiên phong trong phát triển năng lượng mặt trời tại Việt Nam

Đầu tư cho phát triển bền vững không quá tốn kém

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là nhấn mạnh của ông Alfonso Garcia Mora, Phó chủ tịch Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) khu vực châu Á - Thái Bình Dương liên quan đến việc Việt Nam chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng kinh tế carbon thấp do khu vực tư nhân dẫn đầu và các cơ hội kinh doanh mà sự chuyển dịch này có thể tạo ra.

Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu và thiên tai, cho nên giảm thiểu tác động của những yếu tố này thông qua việc đưa phát thải ròng carbon về không là một trong những ưu tiên hàng đầu. Theo ông, Việt Nam cần phải làm gì để mục tiêu trở thành hiện thực?

Tôi cho rằng, Thủ tướng Việt Nam đã đưa ra cam kết lịch sử tại Hội nghị Khí hậu toàn cầu COP26 (tại Glasgow, Vương quốc Anh tháng 11/2021), bởi trước đó cộng đồng quốc tế không tin rằng một nước đang phát triển như Việt Nam sẽ cam kết một mục tiêu quan trọng như vậy. Một số quốc gia khác cũng đã làm điều tương tự, nhưng điều quan trọng là châu Á - Thái Bình Dương đã tiến thêm một bước tại COP26.

Ông Alfonso Garcia Mora, Phó chủ tịch Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Ông Alfonso Garcia Mora, Phó chủ tịch Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Do vậy, động thái đó đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam không phải chịu trách nhiệm về lượng phát thải khí nhà kính (KNK - GHG) đáng kể trên toàn cầu do lượng phát thải KNK của Việt Nam chỉ chiếm 0,8%. Tuy nhiên, mức phát thải này là đáng báo động nếu nhìn từ góc độ nguồn phát thải carbon: 50% tổng lượng điện được sản xuất từ nguồn phát thải carbon cao là than và ngành năng lượng chiếm 65% tổng lượng phát thải KNK ở Việt Nam.

Việt Nam sẽ có khoảng 30 năm để thực hiện những cam kết như trên và tôi nghĩ rằng, điều đó có thể đạt được. Hai năm trước, tôi đã từng nói không, nhưng hôm nay, tôi có thể nói có, bởi tại Glasgow, có một cam kết rõ ràng là cần thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân và tất cả các quốc gia trên thế giới đều hướng tới cùng một mục tiêu. Đây là một sự khác biệt rất lớn so với hội nghị ở Paris cách đây 7 năm, khi có những bất đồng giữa các nền kinh tế lớn trong G7 và G20.

Với Việt Nam, điều quan trọng nhất là một kế hoạch toàn diện, trong đó Chính phủ thực hiện các cải cách chính sách và xây dựng hành lang pháp lý cần thiết để tạo động lực cho khu vực tư nhân tham gia đầu tư để giảm lượng khí thải carbon. Nếu hai vế của phương trình không khớp nhau, chúng ta sẽ không thể thu hẹp khoảng cách, song tôi cho rằng, Việt Nam đang có đầy đủ điều kiện để biến điều đó thành hiện thực.

Vậy với khu vực tư nhân, đâu là thách thức khi vừa phát triển bền vững, vừa đảm bảo lợi nhuận cao, đặc biệt là với các ngành thâm dụng tài nguyên?

Tôi cho rằng, kiếm tiền và phát triển bền vững không loại trừ lẫn nhau. Trên thực tế, các khoản đầu tư hướng đến phát triển bền vững sẽ sinh ra lợi nhuận, ít nhất là trong trung hạn. Với khu vực tư nhân, có 2 vấn đề cần giải quyết.

Một là giảm lượng phát thải, Việt Nam cần thay đổi cơ cấu năng lượng để giảm phát thải KNK, quá trình này cần thời gian và trong giai đoạn chuyển đổi, cần có cam kết và lộ trình rõ ràng. Sẽ có một bộ phận người lao động cần được đào tạo lại, các nhà máy cần phải di chuyển và nhiều sự đánh đổi khác mà các công ty cần tính tới. Đó cũng là lý do tại sao các nhà hoạch định chính sách phải đưa ra một kế hoạch hành động rõ ràng để giảm thiểu các phát sinh không mong muốn.

Hai là chi phí, vì cần phải đầu tư trong giai đoạn chuyển đổi này. Tuy nhiên, một lần nữa, tôi nhấn mạnh rằng, đầu tư cho phát triển bền vững không quá tốn kém. Một sự khác biệt lớn giữa hiện tại và 10 năm trước là người tiêu dùng và nhà đầu tư đều muốn tài sản bền vững và thân thiện với môi trường. Từ góc độ kinh tế, việc đánh thuế khoản đầu tư xanh thậm chí còn có thể mang lại lợi nhuận. Vì vậy, sự thay đổi này có thể mang lại cơ hội kinh doanh nếu được khai thác phù hợp.

Ngoài những yếu tố trên, cần có những hành động nào nữa để tạo ra các động lực cho sự tham gia của khu vực tư nhân?

Việc thay đổi cơ cấu năng lượng là điều bắt buộc và Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng cho điều đó. Việt Nam có đầy đủ 3 nguồn năng lượng tái tạo, bao gồm gió, mặt trời và thủy điện, nên điều còn lại là khuyến khích và tạo điều kiện cho các khoản đầu tư cần thiết. Do đó, cần có một khung chính sách công phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế để các nhà đầu tư có thể tin tưởng rằng, đây là thị trường mà họ sẽ nhận được các hỗ trợ pháp lý và quy định giống như ở bất kỳ quốc gia G20 nào.

Đã có sự trao đổi và hiểu biết ban đầu giữa khu vực nhà nước và tư nhân, nhưng còn nhiều việc phải làm. Với những khó khăn về vốn, kỹ năng, công nghệ và sự phụ thuộc quá nhiều vào than, khu vực tư nhân cần có nhiều sự chuẩn bị để dịch chuyển sang một cơ cấu năng lượng sạch.

Cam kết xanh của Việt Nam sẽ được thực hiện gần như đồng thời với cam kết trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Như tôi đã nói, điều này là có thể đạt được và nó mang lại cơ hội. Một nghiên cứu của chúng tôi ước tính, đến năm 2030, tổng đầu tư cho các cơ hội kinh doanh thân thiện với môi trường ở Việt Nam có thể lên đến 750 tỷ USD.

Để đạt được mục tiêu kép này, Chính phủ cần tạo ra các biện pháp khuyến khích và thực hiện theo 3 chính sách.

Thứ nhất, khuyến khích người dùng chuyển sang sử dụng năng lượng sạch và các nhà sản xuất chuyển sang sản xuất năng lượng tái tạo. Điều này có nghĩa là không có trợ cấp cho việc sản xuất than, đồng thời khuyến khích cạnh tranh trong lĩnh vực truyền tải điện và tiếp cận năng lượng sạch.

Thứ hai, đào tạo lại kỹ năng cho người lao động. Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, bởi để có thể nâng cao năng suất lên một mức mới đòi hỏi phải đào tạo lại kỹ năng cho một bộ phận đáng kể dân số.

Thứ ba, tạo cơ chế khuyến khích áp dụng các công nghệ đòi hỏi suất đầu tư cao.

Điều đó nói lên rằng, sự chuyển đổi cơ cấu năng lượng của quốc gia không thể được thực hiện chỉ dựa vào khu vực công, bởi vốn đầu tư là rất lớn. Mặc dù Chính phủ có thể dùng can thiệp bằng các chính sách thuế và giá bán để giúp việc sản xuất năng lượng tái tạo trở nên hấp dẫn và nâng cao trình độ người lao động, nhưng việc huy động khu vực tư nhân tham gia vào quá trình dịch chuyển cơ cấu năng lượng sẽ hiệu quả hơn nhiều.

Hơn nữa, điều quan trọng là phải có sự tham gia của khu vực tài chính. Nếu các ngân hàng công bố lượng phát thải KNK trên bảng cân đối kế toán của các doanh nghiệp vay vốn và phát hành trái phiếu xanh hoặc công cụ tài chính thân thiện với khí hậu, thì tiền gửi trong lĩnh vực ngân hàng sẽ được hướng đến đầu tư vào các sản phẩm xanh và tác động lên nền kinh tế xanh sẽ tăng lên gấp bội.

Vậy IFC sẽ hỗ trợ Việt Nam như thế nào trong tiến trình này?

Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực sẽ quyết định các cam kết về biến đổi khí hậu toàn cầu thành công hay thất bại. Tại IFC, chúng tôi đã cam kết rằng, 85% danh mục đầu tư đến năm 2023 và toàn bộ danh mục đầu tư đến năm 2025 sẽ gắn với khí hậu, phù hợp với các mục tiêu của hội nghị biến đổi khí hậu Paris, có nghĩa là khí hậu là cốt lõi trong mọi việc chúng tôi làm. Do đó, năng lượng tái tạo và xanh hóa ngành tài chính là những cam kết chiến lược của chúng tôi trong khu vực nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng ở các nước còn phụ thuộc nhiều vào than như Việt Nam.

IFC là nhà đầu tư tiên phong trong phát triển năng lượng mặt trời tại Việt Nam, hỗ trợ nhà máy điện mặt trời nối lưới tư nhân đầu tiên của cả nước - nhà máy điện mặt trời Phong Điền của Công ty cổ phần Điện Gia Lai. Năm 2021, IFC đã cung cấp gói tài chính trị giá 57 triệu USD để hỗ trợ phát triển 2 dự án điện gió ở miền Trung. Chúng tôi cũng đang hỗ trợ 4 ngân hàng Việt Nam mở rộng danh mục tài trợ khí hậu lên mức 1,2 tỷ USD vào năm 2025, tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo, công trình xanh và sử dụng hiệu quả tài nguyên.

Các mục tiêu chiến lược khác là số hóa và chuyển đổi các chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu mà chúng tôi nhận thấy cũng sẽ tạo ra những hiệu ứng xanh đáng kể.

Tin bài liên quan