Đầu tư cho nông nghiệp: Trở về với ngành nghề lõi

Đầu tư cho nông nghiệp: Trở về với ngành nghề lõi

(ĐTCK) Một trong những định hướng lớn của Chính phủ gần đây là khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp. Đây là chủ trương nhận được sự đồng thuận và ủng hộ cao của cả cộng đồng doanh nghiệp và giới chuyên gia kinh tế, nhưng đòi hỏi sự quyết tâm và quan tâm rất lớn của các nhà quản lý.

Tỷ trọng đầu tư cho nông nghiệp trong tổng đầu tư đã liên tục giảm trong suốt 30 năm qua. Tỷ trọng quá thấp so với những đóng góp, tầm quan trọng và tiềm năng của lĩnh vực nông nghiệp trong tổng thể nền kinh tế. Chẳng hạn, đầu tư cho nông nghiệp chỉ chiếm 5,8% trong giai đoạn 2008-2013 (cụ thể chỉ còn 4,7% năm 2013).

Nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp chiếm tỷ trọng thấp, lại phân bổ không hợp lý, quản lý chưa hiệu quả là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp tới tăng trưởng của ngành. Vốn ngân sách theo Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn, tập trung nhiều nhất cho thủy lợi (75,6%), chủ yếu là các công trình tưới tiêu lớn cho vùng trọng điểm lúa ở hai vùng đồng bằng chính.

Tỷ trọng đầu tư cho khoa học – công nghệ (KHCN) và đào tạo nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp còn rất hạn chế (tương ứng 0,8% và 1,5%). Đầu tư công cho KHCN ở Việt Nam chỉ đạt 0,1% GDP, chỉ bằng 1/4 so với Philippines và Indonesia và 1/7 so với Malaysia. Đối với các quốc gia khác thì tỷ lệ này là 1% GDP ở Úc; 1,3% GDP ở Canada; 0,7% GDP ở Mỹ, tức là gấp hàng chục lần so với Việt Nam.

Kết cấu đầu tư chủ yếu mới tập trung vào khâu trực tiếp sản xuất chứ chưa có nhiều ở khâu bảo vệ sản xuất, sau thu hoạch và thương mại. Đầu tư sản xuất vẫn tập trung vào các sản phẩm có tập quán và điều kiện sẵn có chứ chưa chú ý đến các sản phẩm có khả năng thị trường và có lợi thế.

Tiếp sức bằng tín dụng

Một vấn đề nhiều doanh nghiệp kêu khó là tín dụng đang từng bước được gỡ khó. Trên thực tế, Chính phủ đã triển khai rất nhiều chương trình tín dụng và định hướng chính sách tập trung vào việc tăng cường sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và xóa đói giảm nghèo.

Đơn cử, Chính phủ ban hành Quyết định 497/2009/QĐ-TTg về hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn, hay Quyết định 2213/2009/QĐ-TTg ngày, hỗ trợ tín dụng sản xuất và mua sắm lớn cho nông dân, phục vụ sản xuất theo định hướng công nghiệp hóa nông nghiệp.

Hai quyết định này cơ bản đáp ứng các mục tiêu: hỗ trợ đúng đối tượng vay là các chủ thể tham gia sản xuất và hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Kết quả trong tổng dư nợ cho vay, đối tượng hộ gia đình và cá nhân chiếm 95%, cho vay mua máy móc, thiết bị cơ khí, phương tiện phục vụ sản xuất, chế biến nông nghiệp chiếm 85%.

Tuy nhiên kết quả thực hiện được còn thấp. Theo số liệu điều tra tiếp cận nguồn lực hộ nông thôn Việt Nam giai đoạn 2006-2012, quy mô cho vay nông thôn chỉ chiếm 13,6% tổng dư nợ cho vay; mặc dù có tới 50% số hộ nông dân có vay nợ và 60% trong đó có nguồn tín dụng từ ngân hàng.

Sau khi chính sách khuyến khích tín dụng ra đời theo Nghị định 41/NĐ-CP, dư nợ tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn tăng trở lại mức 20-22% trong năm 2011-2012. Tính đến tháng 11/2013, tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 17% so với cùng kỳ năm trước. Dòng vốn tín dụng đặc biệt tập trung vào các lĩnh vực như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Từ năm 2014, chúng ta đã triển khai chính sách tín dụng theo hướng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên. Trước hết là triển khai thí điểm các chương trình, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp như mô hình cánh đồng mẫu lớn; mô hình chuỗi sản xuất liên kết các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu; mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa người sản xuất - chế biến - tiêu thụ theo hợp đồng… 

Bên cạnh đó là cho vay tạm trữ lúa gạo vụ đông - xuân; tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra;... Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng nông nghiệp, đang có những dấu hiệu tích cực.

Tại nhiều cuộc họp gần đây, các doanh nghiệp đều có chung kiến nghị, trong điều kiện nguồn vốn không quá thiếu, ngân hàng có thể huy động được nhiều nguồn trong xã hội, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, bảo lãnh và ưu đãi tín dụng, thực thi chính sách hiệu quả mới thúc đẩy được sản xuất nông nghiệp quy mô lớn và bền vững, thực sự trở thành đòn bẩy cho sự phát triển của nông nghiệp nông thôn.

Tăng lượng và chất doanh nghiệp

Một điều tra của Bộ NN&PTNT cho thấy, số doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ có hơn 13.000 doanh nghiệp trên tổng số khoảng hơn 400.000 doanh nghiệp cả nước, chiếm trên dưới 3%, là con số rất khiêm tốn. Trong số này chủ yếu là doanh nghiệp thuộc dịch vụ nông nghiệp chiếm 46%, chế biến nông sản 42,27%. Ba nhóm hoạt động quan trọng có tỷ trọng rất thấp là trồng trọt chỉ có 910 doanh nghiệp  (6,84%), chăn nuôi 470 doanh nghiệp (3,53%), nghiên cứu phát triển giống có 187 doanh nghiệp (1,4%).

Về quy mô, theo xếp loại tiêu chí vốn chỉ có 4,6% doanh nghiệp quy mô lớn, vừa là 12,6%, nhỏ là 11,7% và siêu nhỏ tới 71,1%. Doanh nghiệp lớn và vừa chủ yếu ở lĩnh vực chế biến, thiếu vắng trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, đặc biệt là doanh nghiệp  sản xuất công nghệ cao.

Bức tranh trên cho thấy doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam có quy mô hết sức nhỏ cần được chú trọng hỗ trợ để có sức cạnh tranh đối với doanh nghiệp liên doanh, tập đoàn sản xuất kinh doanh lớn nước ngoài đã và đang được mời gọi đầu tư vào Việt Nam.

Việc xây dựng cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ thúc đẩy phát triển số lượng, chất lượng, bảo đảm cơ cấu hợp lý doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cần được ưu tiên và được xem là điểm cốt lõi trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiện nay. Đặc biệt cần cụ thể hóa hợp lý những nội dung quy định trong Luật đầu tư (sửa đổi) và Luật doanh nghiệp (sửa đổi) liên quan đến chính sách ưu đãi hợp lý đối với nhóm đối tượng này.

Giải quyết đồng bộ hệ thống chính sách mang tính đột phá cho sản xuất nông nghiệp, bao gồm cả nguồn lực đầu tư và thực thi nó một cách có hiệu quả sẽ góp phần từng bước thúc đẩy, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

Tin bài liên quan