TSKH. Nghiêm Vũ Khải

TSKH. Nghiêm Vũ Khải

Đầu tư cho khoa học công nghệ vẫn quá ít

Theo dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 vừa được Quốc hội thông qua, chi cho khoa học công nghệ (KHCN) sẽ tăng 8% so với năm 2017. Tuy nhiên, theo TSKH. Nghiêm Vũ Khải, Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đầu tư cho KHCN vẫn quá ít.

Năm nào, ngân sách nhà nước cũng dành 2% tổng chi cho KHCN. Điều này cho thấy, Quốc hội, Chính phủ hết sức quan tâm đến lĩnh vực được coi là quốc sách hàng đầu, thưa ông?

Từ năm 2001 đến nay, Nhà nước chủ trương chi cho KHCN 2% tổng chi ngân sách hằng năm, nhưng thực tế chưa năm nào đạt 2%, mà thông thường chỉ đạt 1,5 - 1,7% tổng chi. Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 vừa được Quốc hội thông qua đã quyết định tăng chi cho KHCN 8% so với năm 2017, nhưng chi cho KHCN vẫn chưa đạt 2% tổng chi ngân sách.

Xét về tỷ lệ tương đối so với tổng chi, mặc dù chưa đạt được 2%, nhưng đây cũng là mức chi khá cao so với nhiều nước trên thế giới. Nhưng về giá trị tuyệt đối, nguồn tài chính mà Nhà nước chi cho KHCN có thể nói là không đáng kể so với nhiều nước trên thế giới, vì tổng chi ngân sách hằng năm của Việt Nam nhỏ.

Nhưng đó mới chỉ là đầu tư của Nhà nước, thưa ông, đầu tư cho KHCN chủ yếu là khu vực ngoài nhà nước?

Ở các nước trên thế giới, đầu tư cho KHCN chủ yếu là khu vực doanh nghiệp, chứ không phải nhà nước. Việt Nam cũng có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho KHCN, nhằm đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là của doanh nghiệp cho đầu tư phát triển KHCN theo Chiến lược Phát triển KHCN giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, ngoại trừ một số doanh nghiệp lớn, đặc biệt doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, còn tuyệt đại đa số doanh nghiệp không quan tâm nhiều lắm đến đầu tư cho lĩnh vực này. Vì thế, tổng mức đầu tư toàn xã hội cho KHCN hiện chưa đến 1% GDP, trong khi đó, Nghị quyết 20/NQ-TW đặt ra phải đầu tư cho KHCN tối thiểu 1,5% GDP vào năm 2015 và 2% vào năm 2020.

Với thực trạng trên, chắc chắn còn rất lâu, chúng ta mới theo kịp các nước, bởi hầu hết các nước có nền kinh tế phát triển hơn đều chi cho lĩnh vực này tương đương 3-4% GDP. Quy mô nền kinh tế đã nhỏ, tỷ lệ chi cho KHCN so với GDP lại thấp, nên tổng số chi cho KHCN của Việt Nam quá nhỏ. Chưa kể, đầu tư cho KHCN ở Việt Nam có thể nói là… chẳng giống ai.

Chi cho KHCN “chẳng giống ai” nghĩa là thế nào, thưa ông?

Chi cho KHCN ở Việt Nam không khác gì chi ngân sách cho các lĩnh vực khác, không đầu tư trọng tâm, trọng điểm. Cụ thể, 38% tổng chi được chia cho các địa phương, hơn 40% chia cho các bộ, ngành và chỉ có khoảng 20% chi cho Bộ Khoa học và Công nghệ - cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ; sở hữu trí tuệ…

Chi ngân sách theo kiểu “hoa thơm mỗi người hưởng một tý” dẫn đến rất nhiều địa phương không chi hết tiền, năm nào cũng kết dư, nhiều địa phương do chi không hết nên sử dụng tiền chi cho KHCN vào các nhiệm vụ chi khác. Ngược lại, các trung tâm nghiên cứu, viện nghiên cứu không có tiền để đầu tư, nên chỉ đầu tư nửa vời, “không đến đầu đến đũa”, không ra sản phẩm cuối cùng để có thể chuyển giao trên thị trường, đưa các phát minh, sáng chế vào ứng dụng trong cuộc sống.

Theo quy định, doanh nghiệp được trích tối đa 10% lợi nhuận trước thuế vào quỹ phát triển KHCN, tức là Nhà nước rất khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho KHCN. Vậy vì sao doanh nghiệp không mặn mà đầu tư cho KHCN?

Ở các nước phát triển, đến vũ khí tối tân, khí tài hiện đại nhà nước đều không làm mà tổ chức đấu thầu để doanh nghiệp làm. Còn ở Việt Nam, khi Nhà nước “ôm” hết mọi việc, doanh nghiệp dù đầu tư vào nghiên cứu ra công nghệ mới, thiết bị mới cũng rất khó bán, thị trường đầu ra rất hạn chế, vì Nhà nước là nhà đầu tư lớn nhất, không phải là khách hàng tiêu thụ sản phẩm mới, công nghệ mới. Một khi sản phẩm khó tiêu thụ, đầu ra hạn hẹp, thì không doanh nghiệp nào muốn đầu tư.

Thậm chí, Luật Khoa học, công nghệ năm 2013 quy định, các dự án đầu tư, chương trình phát triển kinh tế - xã hội sử dụng ngân sách nhà nước phải lập hạng mục chi cho ứng dụng nghiên cứu và phát triển làm căn cứ khoa học trong quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và giải quyết những vấn đề KHCN phát sinh trong quá trình thực hiện; dự án đầu tư chương trình phát triển kinh tế - xã hội không phân biệt nguồn vốn phải được thẩm định về cơ sở khoa học, trình độ công nghệ. Rất tiếc là thực hiện các dự án đầu tư trị giá hàng chục ngàn tỷ đồng, có khi lên tới cả trăm ngàn tỷ đồng, doanh nghiệp cũng quên luôn việc chi cho KHCN.

Thưa ông, hệ quả của việc chưa đầu tư xứng đáng để phát triển KHCN là gì?

Đứng trước nguy cơ tụt hậu về KHCN, Chiến lược Phát triển KHCN giai đoạn 2011 - 2020 đặt mục tiêu đưa KHCN thực sự trở thành động lực then chốt, đáp ứng các yêu cầu cơ bản của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Mục tiêu rất cao, nhưng với cách thức đầu tư cho KHCN như hiện nay, chúng ta ngày càng tụt hậu xa hơn so với thế giới.

Nếu không tập trung đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KHCN; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, gắn nhiệm vụ phát triển KHCN với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, các ngành, thì tôi lo ngại, khó có thể thực hiện được mục tiêu đến năm 2020.

Đó là KHCN góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và tái cấu trúc nền kinh tế, giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 45% GDP; giá trị giao dịch của thị trường KHCN tăng trung bình 15 - 17%/năm.

Tin bài liên quan