Hiện tại, cơ hội xuất hiện ở một số cổ phiếu, chứ không phải toàn thị trường, dù định giá P/E của VN-Index giảm về mức thấp.

Hiện tại, cơ hội xuất hiện ở một số cổ phiếu, chứ không phải toàn thị trường, dù định giá P/E của VN-Index giảm về mức thấp.

Đầu tư cần nhìn “lõi” doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong thời kỳ bão giá đầu vào, định giá P/E thấp không có nhiều ý nghĩa trong việc lựa chọn cổ phiếu, mà chất lượng doanh nghiệp mới là điều cốt yếu.

P/E cần tính trên lợi nhuận dự phóng

Hệ số định giá P/E của thị trường chứng khoán gần đây giảm xuống quanh mức 12 lần, được ví như thời điểm “mười năm có một” để nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội tích sản.

Trong báo cáo chiến lược mới công bố, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam đánh giá, thị trường chứng khoán Việt Nam hấp dẫn so nhiều thị trường trong khu vực bởi P/E thấp, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) cao, triển vọng tăng trưởng GDP và lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) cao...

Đồng quan điểm, Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital Việt Nam cho rằng, mức định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam hấp dẫn hàng đầu khu vực, trong khi đà phục hồi đang diễn ra ở hầu hết lĩnh vực, mang lại triển vọng lợi nhuận khả quan cho các doanh nghiệp.

Những nhận định tích cực như vậy đã góp phần ổn định tâm lý cho không ít nhà đầu tư sau đợt thị trường điều chỉnh sâu, có thể tích lũy dần cổ phiếu vào danh mục, nhất là các mã có P/E thấp.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, Chuyên gia cao cấp Chiến lược đầu tư Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI, nhà đầu tư có thể coi P/E là một chỉ số để theo dõi, nhưng đây đơn giản chỉ là một chỉ báo.

“Nếu lọc được những cổ phiếu tiềm năng chỉ bằng chỉ số P/E thì chúng ta đâu cần phải phân tích đầu tư quá nhiều cho đau đầu”, ông Tâm nhấn mạnh.

Trường hợp sử dụng chỉ số P/E để lọc và lựa chọn cơ hội, ông Tâm khuyến nghị, nhà đầu tư nên dùng P/E dự phóng (F/E forward), tức P/E tương lai, thay vì P/E hiện tại.

Bởi lẽ, thị trường chứng khoán và giá cổ phiếu có xu hướng phản ánh tương lai, do đó, nếu có khả năng phân tích và dự báo, nhà đầu tư nên dự báo mức tăng trưởng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) năm 2022, 2023 và tính P/E của các năm đó.

Tương tự, ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc Đầu tư Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội nhìn nhận, VN-Index gần đây dao động dưới ngưỡng 1.200 điểm, giảm khoảng 23% so với đầu tháng 4/2022, giúp P/E giảm về mức thấp, nhưng chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư. Điều này thể hiện ở giá trị giao dịch thấp, chỉ loanh quanh mức 10.000 tỷ đồng/phiên trên sàn HOSE.

Trong đợt giảm điểm 3 tháng vừa qua, có nhiều cổ phiếu giảm từ đỉnh với mức giảm trên 50%, thậm chí một số mã giảm hơn 80%, cho thấy lực bán tháo diễn ra mạnh dù không theo một trào lưu rõ ràng nào. Ngược lại, có không ít cổ phiếu duy trì ở vùng giá cao, mức điều chỉnh không đáng kể, nhất là nhóm phân bón, hóa chất, cảng biển…

“Vì thế, để đánh giá cơ hội, nhà đầu tư nên đánh giá từng cổ phiếu. Cơ hội xuất hiện ở một số cổ phiếu, chứ không phải toàn thị trường, cho dù nhiều chuyên gia đánh giá mức P/E thấp”, ông Bình nói.

Vị chuyên gia này nhận xét, chỉ số P/E được sử dụng phổ biến từ trước đến nay, nhưng thế nào là đắt hay rẻ tùy thuộc vào từng giai đoạn cụ thể và không phải lúc nào cũng được đánh giá một cách chính xác. Nói cách khác, mức độ đắt, rẻ hay hợp lý của P/E có biên độ rộng. Đầu năm 2022, P/E ở mức 18 - 20 lần nhưng đa số ý kiến cho rằng mức định giá vẫn còn rẻ.

Chất lượng doanh nghiệp là trên hết

Không thể phủ nhận P/E là một chỉ số tham khảo, phản ánh mức định giá toàn thị trường nói chung, các ngành và doanh nghiệp nói riêng, giúp nhà đầu tư có thêm cơ sở để đưa ra quyết định giao dịch hợp lý.

Tuy nhiên, trong thời kỳ giá đầu vào neo cao, tác động mạnh đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, dẫn tới nguy cơ sụt giảm lợi nhuận, thì P/E hiện tại tuy rẻ so với trước nhưng giá cổ phiếu vẫn có thể giảm sâu, bởi bên mua yêu cầu một mức P/E thấp hơn.

Vì thế, nhiều chuyên gia khuyến nghị, nhà đầu tư cần đặt chất lượng của doanh nghiệp lên hàng đầu khi lựa chọn đầu tư, tập trung vào những doanh nghiệp giá trị, tăng trưởng, có cổ tức tốt.

Lạm phát cao sẽ tác động mạnh đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, dẫn tới nguy cơ sụt giảm lợi nhuận.

Ông Bình phân tích, lạm phát cao về cơ bản ảnh hưởng đến người tiêu dùng và khiến nhu cầu giảm, doanh nghiệp vì thế bán hàng kém hơn, hoặc giảm sản xuất, hoặc giảm giá bán. Hiện tại, lạm phát ở Mỹ và EU đang rất cao, nhu cầu tiêu dùng có khả năng suy giảm, dẫn tới nhóm doanh nghiệp xuất khẩu vào các thị trường đó chịu nhiều áp lực.

Không chỉ lạm phát, một vấn đề trầm trọng hơn đi kèm là nguy cơ suy thoái ở nền kinh tế lớn nhất thế giới. Mới đây, các chuyên gia kinh tế của Bank of America dự báo, kinh tế Mỹ có thể xảy ra một cuộc suy thoái nhẹ vào cuối năm 2022, khi tăng trưởng GDP thực tế đang giảm.

Vừa lạm phát cao, vừa suy thoái kinh tế, ông Bình nhìn nhận, người dân Mỹ sẽ chịu tác động hai đầu, thu nhập kém đi, thậm chí mất thu nhập do doanh nghiệp giảm sản xuất, đóng cửa, còn chi phí tiêu dùng có xu hướng tăng cao bởi lạm phát.

Với góc nhìn đó, tổng cầu thế giới có khả năng sẽ chững lại từ nay đến cuối năm, trong khi hơn 9.100 tỷ USD hàng tồn kho đang cần được tiêu thụ. Người dân hầu như sẽ chỉ chi tiêu các mặt hàng thiết yếu, cắt giảm mạnh những sản phẩm xa xỉ.

Nhu cầu giảm dẫn tới giá bán sản phẩm sẽ giảm, nhưng giá nguyên vật liệu cũng giảm nên xét theo hai chiều, doanh nghiệp vừa có lợi, vừa bất lợi. Thực tế, thời gian gần đây, giá bông, than cốc, quặng sắt… đã hạ nhiệt, có lợi cho doanh nghiệp sản xuất, nhưng bất lợi là giá bán buộc phải điều chỉnh giảm để tăng khả năng cạnh tranh.

Theo đó, các doanh nghiệp nhỏ, không tự chủ được nguyên liệu và sản xuất, cộng thêm lãi vay cao sẽ có nguy cơ thua thiệt lớn nhất. Thị phần của những doanh nghiệp này sẽ dần rơi vào tay những doanh nghiệp lớn hơn.

“Tôi khó bóc tách được ngành nào hưởng lợi trong bối cảnh hiện tại, có lẽ nhà đầu tư nên quan tâm tới từng doanh nghiệp sẽ tốt hơn. Doanh nghiệp lớn, tình hình tài chính lành mạnh, thị phần lớn sẽ có lợi thế. Trong ngắn hạn, doanh nghiệp có thể chịu thua thiệt, nhưng dài hạn là cả bầu trời của họ”, ông Bình nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Tâm khuyến nghị, đối với nhà đầu tư ngắn hạn, chiến thuật hợp lý là kết hợp phân tích cơ bản với phân tích kỹ thuật để lọc ra cổ phiếu của doanh nghiệp khoẻ và tránh xa những cổ phiếu yếu. Đối với nhà đầu tư dài hạn, chỉ số P/E rất quan trọng vì mang yếu tố phân tích cơ bản, nhưng cần kết hợp các yếu tố khác để tìm kiếm những cơ hội tiềm năng như chu kỳ kinh doanh thuận lợi, khả năng duy trì đà tăng trưởng.

Trong bối cảnh thế giới đối mặt với lạm phát cao và nguy cơ suy thoái kinh tế, qua đó ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam, nhà đầu tư được các chuyên gia khuyến nghị giữ tỷ trọng tiền mặt ở mức cao, ưu tiên giải ngân vào các cổ phiếu đầu ngành của một số ngành nghề dự kiến có câu chuyện tăng trưởng trong nửa cuối năm 2022 như bảo hiểm, đây là nhóm được hưởng lợi trong môi trường lạm phát. Bên cạnh đó là nhóm ngành nghề thiết yếu như điện, nước, hay nhóm liên quan đến tăng cường giải ngân đầu tư công như xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng.

Tin bài liên quan