Mua bất động sản, đổi thẻ xanh
Nhiều quốc gia đang thực hiện hình thức bán thường trú nhân (còn gọi là thẻ xanh) cho công dân ngoại quốc để nhận về một khoản đầu tư nhất định, mức này không cố định và mỗi nước có một mức khác nhau. Chẳng hạn, Cộng hòa Síp là 300.000 euro, Malta là 570.000 euro, Bồ Đào Nha là 500.000 euro, Bỉ là 350.000 euro, Hungari là 300.000 euro (mua trái phiếu chính phủ), Hy Lạp là 250.000 euro…
Theo đó, khi đầu tư một hay nhiều bất động sản vào các quốc gia này, nhà đầu tư sẽ được cấp thẻ xanh, được quyền cư trú dài hạn và dễ dàng di chuyển sang các nước trong khối.
Chẳng hạn, mua một bất động sản trị giá khoảng 300.000 euro tại Síp, nhà đầu tư sẽ được cấp thẻ xanh, được tự do đi lại các nước trong cộng đồng chung châu Âu như một công dân châu Âu bình thường. Quy trình để được cấp thẻ xanh tại Síp cũng khá đơn giản.
Sau khi đạt được thỏa thuận mua bán bất động sản, trải qua quá trình làm việc với luật sư (tất nhiên, tất cả các quy trình này đều được thực hiện dưới sự dắt mối của các công ty tư vấn trong nước), thực hiện đầy đủ các chứng minh về tài chính, chủ đầu tư sẽ được ký kết hợp đồng mua bất động sản và nhanh chóng được cấp thẻ xanh, sau từ 2 - 3 tháng.
Để được mua bất động sản ở Síp, nhà đầu tư phải mở một tài khoản tiết kiệm tại Síp với số tiền tối thiểu là 30.000 euro, duy trì trong 5 năm, chứng minh có mức thu nhập tối thiểu 400.000 euro/năm ngoài Síp. Số tiền 30.000 euro này được hiểu là một dạng cam kết gắn bó lâu dài, chứ không phải là số tiền đầu tư. Sau đó, nhà đầu tư thực hiện các giao dịch chuyển tiền cho chủ đầu tư sở tại để sở hữu bất động sản.
Trong chương trình bán thường trú nhân tại Síp, bất động sản rao bán là các bất động sản đã hoàn thiện và phải là giao dịch lần đầu (tức chưa được sang tay, mua bán trước đó). Theo lý giải của các công ty tư vấn đầu tư, Chính phủ Síp đưa ra điều kiện trên để tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
Hỏi về nhu cầu mua bất động sản tại Síp để đầu tư, giám đốc tư vấn của một công ty chuyên môi giới đầu tư bất động sản ở nước ngoài cho biết, khả năng đầu tư sinh lời với bất động sản ở Síp là không khả thi do thị trường không thực sự phát triển. Mặt khác, do thuế sử dụng đất rất cao, nên người dân sở tại thích thuê nhà hơn là mua nhà.
Thẻ xanh chỉ để lưu trú, đi lại
Hiện nay, có không ít nhà đầu tư lầm tưởng rằng, bỏ ra mấy trăm ngàn euro mua bất động sản để nhận thẻ xanh là sẽ được hưởng các quyền lợi như một công dân của nước đó, nhưng thực tế không phải vậy.
Trong số nhiều quốc gia bán thường trú nhân, có những nước người được cấp thẻ xanh có quyền, lợi ích gần như công dân nội địa, nhưng cũng có những nước thường trú nhân lại chịu nhiều hạn chế, nó chỉ giấy thông hành để nhà đầu tư ra vào nước đó và trong khối, còn lại đều bị hạn chế, thậm chí không được phép làm việc tại nước đó.
Để duy trì thường trú nhân, chủ đầu tư phải duy trì tài khoản tiết kiệm và sở hữu bất động sản trong 5 năm, nếu vi phạm sẽ bị thu hồi thẻ xanh. Như vậy, với số tiền 300.000 euro, nhà đầu tư chỉ để mua tấm thẻ ra vào châu Âu (như với các nước trên).
Ngoài ra, theo các quy định về giao dịch ngoại hối của Việt Nam, việc chuyển một lượng tiền lớn ra nước ngoài với mục đích mua bất động sản là không được phép. Tuy nhiên, nhà đầu tư và các công ty tư vấn thường tìm cách lách quy định này, trong đó phổ biến nhất là hình thức tạo lập một hợp đồng với nội dung tư vấn dịch vụ.
Tuy nhiên, việc không trùng khớp giữa nội dung hợp đồng (tư vấn dịch vụ) và đầu tư (mua bất động sản), nhà đầu tư dễ mất vốn khi có tranh chấp. Do đó, trước khi quyết định bỏ tiền mua thẻ xanh, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về các quyền, lợi ích của thẻ xanh ở các nước.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com