Đầu tư bất động sản: Nhà đầu tư ham lợi dễ “trắng tay”

0:00 / 0:00
0:00
Bất động sản là kênh đầu tư được nhiều người quan tâm, nhưng kênh đầu tư này luôn tiềm ẩn cả cơ hội lẫn rủi ro. Nhà đầu tư không tỉnh táo, ham lợi sẽ dễ trắng tay.
Đánh vào tâm lý ham lợi, Công ty Alibaba đã lừa đảo hàng ngàn người mua những dự án “ma”.

Đánh vào tâm lý ham lợi, Công ty Alibaba đã lừa đảo hàng ngàn người mua những dự án “ma”.

Đánh vào tâm lý ham lợi

Tòa án Nhân dân TP.HCM đang xét xử Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba) và 22 đồng phạm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền. Đây được xem là vụ án kỷ lục trong lịch sử tố tụng khi số lượng bị hại trong vụ án lên tới hơn 4.000 người, phân bố đều ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước và tất cả các quận huyện của TP.HCM.

Ngay trong ngày đầu xét xử đã có nhiều khách hàng là nạn nhân của Công ty Alibaba đến tòa án từ rất sớm. Ông Đào Văn C. (58 tuổi, ngụ TP. Thủ Đức) là một trong số hơn 4.000 nạn nhân cho biết, cuối năm 2018, ông được một nhân viên môi giới của Công ty Alibaba tới bắt chuyện. Sau khi giới thiệu bản thân, nhân viên này bắt đầu giới thiệu về Công ty Alibaba và các dự án đang triển khai, mời chào ông mua đất nền.

Là người khá thận trọng, ông khéo léo từ chối. Thế nhưng, nhân viên này vẫn một mực xin bằng được số điện thoại của ông với lý do sau này có dự án tốt hơn sẽ thông báo. Để không bị làm phiền, ông đành cho số điện thoại để qua chuyện. Thế là, chỉ mấy hôm sau, nhân viên đó cùng vài người khác nữa tìm được tới tận nhà ông để tư vấn.

“Họ mang theo sơ đồ phân lô dự án để giới thiệu. Lúc đó ở nhà tôi còn có mấy anh chị em tới chơi”, ông C. nhớ lại và cho biết thêm, anh chị em của ông gồm 5 người, đều đã có gia đình riêng, kinh tế không mấy khá giả, còn phải ở nhà thuê. Thế nhưng, sau khi nghe các nhân viên này tư vấn thì một người em của ông đã quyết định mua một lô đất tại dự án của Công ty Alibaba ở Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo lời tư vấn lúc đó của các nhân viên, khi đầu tư vào dự án thì Công ty Alibaba cam kết mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng, hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền. Ngoài ra, còn có hình thức thuê lại đất với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng.

Cứ thế, các anh chị em khác của ông cũng lần lượt gom góp tiền bạc, vay mượn đủ đường rồi nhờ ông đứng tên mua đất. Tổng cộng, mấy anh em của ông mua 8 lô, đã đóng đủ 95% với số tiền gần 8 tỷ đồng.

Đến năm 2019, Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba và các nhân viên lần lượt bị bắt. Công an kết luận Công ty Alibaba lừa đảo, các dự án đều là dự án “ma”. Lúc này, ông và mấy anh em như chết đứng.

“Ly tán hết rồi, bỏ nhà, bỏ cửa đi hết rồi, có 2 người thì ly hôn luôn rồi. Mấy anh em cũng không trách tôi, nhưng họ tự trách mình, rồi số xui rủi dính vào vụ lừa đảo này. Giờ tôi chỉ mong cơ quan chức năng xử sao cho hợp tình, hợp lý, nếu được thì cứ giao đất đó cho người dân, chứ chúng tôi khổ quá”, ông C. than thở.

Bài học xương máu cho nhà đầu tư

Trên thực tế, tại thị trường bất động sản phía Nam, việc công ty kinh doanh bất động sản tự ý phân lô bán nền, quảng cáo và mua bán dự án “ma” không phải mới xảy ra tại Công ty Alibaba. Mà trước đó đã có nhiều trường hợp tương tự.

Việc nhiều người “sập bẫy” các Dự án “ma” còn có nguyên nhân từ cơ quan quản lý nhà nước đã buông lỏng quản lý, mặc cho các đối tượng lừa đảo ngang nhiên san đất, quây rào để quảng bá Dự án phân lô bán nền không có thật.

Theo các chuyên gia trong ngành, đây là hồi chuông cảnh báo về thực trạng người dân thiếu hiểu biết pháp luật, hám lợi nhuận cao, dễ dàng bị đối tượng lừa đảo dụ dỗ, chiếm đoạt tiền. Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, đây là bài học cho các nhà đầu tư, làm gì cũng phải tuân thủ pháp luật. Truyền thông đã nói rất nhiều về mua bán nhà đất phải theo luật, đằng này người dân cứ ham rẻ, ham lợi xông vào mua. Tình trạng này đang diễn ra khá phổ biến.

Bên cạnh đó, việc nhiều người “sập bẫy” các dự án "ma" còn có nguyên nhân từ cơ quan quản lý nhà nước, ngay từ đầu đã buông lỏng quản lý, thanh kiểm tra để cho các đối tượng lừa đảo ngang nhiên san đất, quây rào để quảng bá dự án phân lô bán nền không có thật, lừa đảo khách hàng dễ dàng.

Do đó, vụ án siêu lừa đảo Alibaba là bài học xương máu cho những nhà đầu tư. Trước khi quyết định xuống tiền đầu tư một dự án bất động sản nào thì nhà đầu tư cần phải tìm hiểu về các thông tin dự án một cách kỹ càng từ chủ đầu tư, đến quy hoạch, xây dựng và các loại giấy tờ pháp lý liên quan khác. Tránh vì ham rẻ, hay mua theo số đông mà tự mang họa vào thân.

Luật sư Trần Văn Duẩn, Trưởng văn phòng luật Thanh Niên cho biết, đối với những trường hợp như trên thì trước mắt thiệt hại lớn nhất của khách hàng ở đây là không biết đến bao giờ mới lấy được tiền, mà có lấy lại được tiền thì cũng rất gian truân. Chính vì vậy, khi khách hàng có kế hoạch mua đất thuộc các dự án đất nền, cần phải tham vấn luật sư về thông tin dự án, kiểm tra hồ sơ pháp lý của dự án trước khi đặt bút ký mua đất, tránh trường hợp “tiền mất, tật mang”.

“Khi tham gia giao dịch mua đất nền, về hình thức giao dịch, khách hàng nên công chứng, chứng thực hợp đồng mua bán. Lúc này, công chứng viên, các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ công chứng, chứng thực, bằng thẩm quyền của mình sẽ kiểm tra dự án khách hàng định mua có đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất hay không”, luật sư Trần Văn Duẩn nói.

Tin bài liên quan