Với con mắt phân tích khách quan thì sự tự tin của các DN hoàn toàn có cơ sở. Nhìn vào thị trường bất động sản cách đây gần hai năm sau khi Nghị định 181 quy định cấm phân lô bán nền ra đời, có thể nhận định rằng, nếu các DN niêm yết không trở thành nhà đầu tư phát triển bất động sản như xu hướng đang diễn ra thì không loại DN nào làm việc này tốt hơn.
Trước khi Nghị định 181 ra đời, thị trường mua bán đất nền, đất dự án, đất nông nghiệp ở các thành phố lớn rất sôi động nhưng các sản phẩm bất động sản là nhà trên đất hầu như chưa hình thành. Ngoài một vài công ty có vốn đầu tư nước ngoài như Liên doanh Phú Mỹ Hưng có tiềm lực tài chính mạnh, được coi là nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp thì hầu hết các DN trong nước chủ yếu có chức năng giải phóng mặt bằng, lập dự án và phân lô bán nền. Những cái tên như Him Lam, Vạn Phát Hưng, Nam Long chỉ nổi lên gần đây sau khi thực hiện dự án lớn bằng nguồn vốn tự có, không bị phụ thuộc vào tiến độ góp vốn của khách hàng như các DN khác. Còn lại, đa số DN đầu tư bất động sản đều bị vướng vào quy định cấm phân lô bán nền dẫn đến đình trệ dự án hoặc không thực hiện dự án đúng tiến độ cam kết. Trong lúc nhà đầu tư thứ cấp quay lưng với thị trường đất, nguồn vốn vay ngân hàng cũng đã cạn, hy vọng sự khởi sắc trở lại của thị trường bất động sản lúc này được trông chờ vào các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh và các nhà đầu tư này đã được Chính phủ “bật đèn xanh” bằng quy định cho phép mua bán dự án bất động sản.
Nhưng việc nhà đầu tư nước ngoài mua lại dự án bất động sản không hề đơn giản. Bằng chứng là sàn giao dịch dự án bất động sản của Ngân hàng ACB được mở ra nhưng chưa ghi nhận được một giao dịch dự án nào giữa các chủ đầu tư. Khi các chủ đầu tư bất động sản đang bế tắc thì cũng là lúc các DN niêm yết có khả năng huy động nguồn vốn lớn từ thị trường chứng khoán. Có vốn trong tay, DN niêm yết tham gia đầu tư phát triển dự án bất động sản là tất yếu.
Ông Đỗ Văn Trắc, Chủ tịch HĐQT Công ty Sacom cho rằng, nếu không đầu tư bất động sản vào thời điểm này sẽ lỡ cơ hội. Không dễ tìm ra những khu đất có vị trí đẹp để đầu tư trong một vài năm tới, khi mà khu đất nào cũng có chủ.
Nhìn ra các thành phố lớn trong khu vực, mật độ toà nhà cao tầng ở TP. HCM hay Hà Nội còn rất thấp. Mặc dù các công ty nghiên cứu thị trường dự báo, sau 5 năm nữa nhu cầu văn phòng không còn sốt như hiện nay nhưng họ cũng không thể lường trước được tốc độ phát triển DN ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, tỷ lệ DN trên đầu người dân còn rất thấp so với các nước trong khu vực. Nhu cầu nhà ở đã quá rõ ràng. Đây mới là thời kỳ phát triển của các dự án chung cư đơn lẻ. Nhưng trong 5 năm tới sẽ hình thành các dự án khu đô thị lớn mà chủ đầu tư chính là các DN đang niêm yết hiện nay như Tân Tạo, Kinh Đô hay các DN chuẩn bị niêm yết như Hoà Phát…
Nếu nhìn vào cơ hội thu lợi nhuận từ thị trường bất động sản hiện nay thì việc các công ty niêm yết với lợi thế về khả năng thu hút vốn lớn không tham gia vào thị trường này mới là câu hỏi lớn. Còn việc doanh nghiệp niêm yết đầu tư trái nghề sang bất động sản nhằm đa dạng lĩnh vực đầu tư, phân tán rủi ro là hướng đi hợp lý.
Theo các chuyên gia, không nên lo ngại về xu thế DN niêm yết chuyển sang đầu tư kinh doanh bất động sản, bởi xu thế này sẽ hình thành các DN phát triển bất động sản chuyên nghiệp và ngược lại, các DN bất động sản nếu lên niêm yết sẽ thúc đẩy tính chuyên nghiệp cũng như sự lớn mạnh của chính những DN này.
Hiện thị trường bất động sản vẫn còn nhiều cơ hội hấp dẫn nên sẽ không quá lời khi nói rằng “cờ đến tay ai, người ấy phất” và thực tế, nhiều DN có đất nhưng chưa có vốn đầu tư đang chuẩn bị phương án huy động vốn để “phất cờ”.