Những dấu ấn từ nhà đầu tư "xứ sương mù"
Ðầu tháng 11/2017, Tổng công ty Ðầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) công bố giá khởi điểm chào bán cạnh tranh 3,33% vốn cổ phần (tương ứng 48,4 triệu cổ phiếu) của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - mã VNM) là 150.000 đồng/cổ phiếu, tương đương mức giá thị trường cổ phiếu VNM thời điểm đó.
Sau đợt bán vốn đầu tiên cuối năm 2016, chỉ 60% số cổ phần đăng ký được chào bán thành công và cũng chỉ có đối tác duy nhất quan tâm là nhóm cổ đông Fraser and Neave (F&N) - cổ đông ngoại lớn nhất của Vinamilk khi đó, kịch bản chào bán lần 2 của SCIC được dự báo sẽ không có nhiều khác biệt.
Tuy nhiên, kết quả thực tế đã gây bất ngờ cho thị trường khi xuất hiện một tổ chức ngoại đã đặt mua gần hết lượng cổ phiếu chào bán với mức giá lên đến 186.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 24% so với giá khởi điểm. Không phải F&N, tổ chức tạo nên đột biến trong câu chuyện bán vốn tại Vinamilk là Platium Victory Pte. Ltd, một quỹ đầu tư do Jarrdine Cycle & Carriage (JC&C) - thành viên của Tập đoàn Jardine Matheson đến từ Vương quốc Anh sở hữu 100% vốn.
FTA sau khi Anh rời khỏi EU sẽ là “cú huých” mạnh mẽ trong mở rộng hợp tác thương mại, đầu tư giữa 2 nước...
Thành lập từ năm 1832, Jardine Matheson có lịch sử gần 200 năm hoạt động, với mạng lưới công ty con, công ty liên doanh, liên kết, chi nhánh tại hàng chục quốc gia. Riêng tại Việt Nam, Tập đoàn đã tham gia đầu tư trên 20 năm với danh mục đầu tư, kinh doanh đa dạng, từ thực phẩm, bán lẻ, sản xuất công nghiệp đến bất động sản.
Trên thị trường chứng khoán, ngoài khoản đầu tư vào Vinamilk (tỷ lệ sở hữu đến nay đã được nâng lên 10,6% vốn, Jardine Matheson còn là cổ đông tại nhiều doanh nghiệp lớn khác như CTCP Ô tô Trường Hải (THACO) với sở hữu 25,1% vốn, CTCP Cơ điện lạnh (mã REE) với 24,9% vốn... Riêng tại REE, Platium Victory Pte. Ltd liên tục tìm cách mua thêm cổ phần, dù “room” cho nhà đầu tư nước ngoài tại đây hiện đã kín.
Giá trị đầu tư của Jardines Matheson tại Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục gia tăng khi trong cuộc gặp với Phó thủ tướng Vương Ðình Huệ đầu năm 2018, ông Henry Keswick, Chủ tịch Tập đoàn khi đó (đã nghỉ hưu cuối năm 2018 và được thay thế bởi ông Ben Keswick - hiện giữ vị trí Chủ tịch HÐQT kiêm Giám đốc điều hành) đã bày tỏ sự quan tâm tới hoạt động cổ phần hoá, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước và mong muốn được tham gia sâu, rộng hơn vào lĩnh vực này.
Sự tham gia của Jardines Matheson nói riêng và các tập đoàn đa quốc gia nói chung được kỳ vọng sẽ đem lại kết quả tích cực trong câu chuyện thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cũng như hiệu quả của các doanh nghiệp sẽ được cải thiện sau cổ phần hóa nhờ sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp lớn này.
Những năm qua, cùng với sự phát triển của nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng, ngày càng nhiều doanh nghiệp từ nước Anh tìm kiếm cơ hội, hợp tác đầu tư tại Việt Nam trong đa dạng lĩnh vực, từ tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, dầu khí đến giáo dục đào tạo…
Chẳng hạn, trong lĩnh vực dầu khí, Bristish Petroleum (BP) là một trong những tập đoàn sớm đầu tư vào Việt Nam sau khi mua 35% cổ phần của dự án Khai thác khí đốt Nam Côn vào năm 1989, sau đó đầu tư vào nhiều dự án khác như dự án Ðường ống khí đốt Nam Côn Sơn, Nhà máy điện Phú Mỹ 3…
Trong lĩnh vực giáo dục, Apollo English là trung tâm đào tạo tiếng Anh 100% vốn nước ngoài đầu tiên được thành lập tại Việt Nam từ năm 1995, đến nay đã có 40 trung tâm đào tạo tại 9 tỉnh, thành phố lớn trên cả nước.
Với lĩnh vực ngân hàng, Standard Chartered, một trong những tập đoàn tài chính - ngân hàng lớn nhất nước Anh với quy mô doanh thu 15,3 tỷ USD (năm 2018) thông qua Standard Chartered APR Limited và Standard Chartered Bank Limited đã đầu tư vào Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB, mã ACB) từ năm 2005 bằng việc mua 8,56% cổ phần ngân hàng này, sau đó nâng dần tỷ lệ sở hữu lên 15,63% và trở thành cổ đông lớn nhất tại đây, trước khi tiến hành thoái vốn trong năm 2018.
Cũng trong lĩnh vực ngân hàng, Ngân hàng HSBC cũng đã tham gia đầu tư vào Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank - mã TCB) sau khi mua thành công 10% vốn điều lệ của ngân hàng này năm 2005 và từng bước nâng sở hữu lên 20% vào năm 2008. Sự góp vốn và tham gia quản trị, điều hành từ HSBC được đánh giá là một trong những nguyên nhân quan trọng giúp Techcombank có nền tảng phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn 2005-2011, vượt qua được giai đoạn khó khăn sau đó của ngành ngân hàng Việt Nam.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp từ Vương quốc Anh vào Việt Nam trong 3,5 năm qua.
Trong lĩnh vực đầu tư tài chính, Dragon Capital là một trong những quỹ đầu tư sớm nhất vào Việt Nam từ năm 1994, quy mô tài sản quản lý đã lên đến 3 tỷ USD tính đến cuối năm 2018 và đang là một trong những nhóm quỹ lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, hiện diện đầu tư vào hàng loạt doanh nghiệp vốn hóa lớn, đầu ngành trên thị trường như VNM, PNJ, HPG, MWG, ACB, FPT, GAS…
Trong số này, chỉ riêng quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) đã có quy mô tài sản ròng lên đến 1,41 tỷ USD (tính đến ngày 17/6/2019). Chứng chỉ quỹ VEIL đã niêm yết trên Sàn chứng khoán Luân Ðôn từ tháng 7/2016 và được kỳ vọng trở thành một kênh huy động vốn nổi bật đối với các nguồn vốn tư các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và từ nước Anh nói riêng quan tâm tới thị trường chứng khoán Việt Nam.
Triển vọng tăng thu hút dòng vốn đầu tư từ nước Anh
Các doanh nghiệp Anh bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ những năm 1988, 1989 với các lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí, sau đó mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác như tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, công nghiệp chế biến - chế tạo…
Trong hơn 30 năm qua, nhiều tập đoàn, công ty lớn của Anh như Bristish Petroleum, Premier (dầu khí); HSBC, Standard Chattered, Dragon Capital, Jardines Matbeson (tài chính - ngân hàng - bảo hiểm); Vodafone (viễn thông); Apollo (giáo dục đào tạo)… đã từng bước đầu tư vào Việt Nam. Ðặc biệt, sau khi Việt Nam và Vương quốc Anh thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2010, hợp tác thương mại, đầu tư giữa 2 nước liên tục tăng nhanh cả về số lượng và giá trị.
Về hoạt động thương mại, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Anh đạt 6,7 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Anh 5,8 tỷ USD, tăng hơn 3 lần so với năm 2010. Ngược lại, giá trị nhập khẩu từ Anh vào Việt Nam đạt hơn 0,9 tỷ USD.
Về hoạt động đầu tư, số liệu thống kê của Cục Ðầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư) cho biết, lũy kế đến 20/5/2019, Anh đứng thứ 15/126 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 365 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 3,61 tỷ USD.
Riêng 5 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư từ Anh vào Việt Nam đạt 161,36 triệu USD, tương đương 68,9% mức thực hiện cả năm 2018. Trong đó, vốn đăng ký vào các dự án đầu tư mới đạt 31,5 triệu USD, đăng ký tăng vốn cho các dự án đạt 66,14 triệu USD. Ðáng chú ý, hoạt động góp vốn, mua cổ phần tăng đột biến với 23 lượt giao dịch, tổng giá trị 63,72 triệu USD, gấp 4,4 lần thực hiện cả năm 2018.
Dù kết quả này chưa tính đến doanh nghiệp Anh có công ty con, chi nhánh đặt tại quốc gia, vùng lãnh thổ bên ngoài như Singapore, Hồng Kông… đầu tư, góp vốn tại Việt Nam, song rõ ràng, con số trên vẫn khá nhỏ so với tiềm năng khi chiếm chưa đến 1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 2.830 tỷ USD năm 2018, theo thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Anh hiện là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới (sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Ðức) và thứ 3 châu Âu.
Về phía Việt Nam, chúng ta là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới với quy mô GDP đạt 240 tỷ USD trong năm 2018, giá trị thương mại khoảng 470 tỷ USD và thu hút dòng vốn đầu tư đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 35,46 tỷ USD.
Nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng nhanh. Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ duy trì ở mức 6,5-6,6% trong giai đoạn 2019-2021, khá gần với dự báo ở mức 6,7% của Fitch Ratings về tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2019-2020.
Sự bứt phá về tăng trưởng kinh tế, môi trường đầu tư không ngừng được cải thiện, chi phí đầu tư cạnh tranh, hạ tầng giao thông được nâng cấp… cùng kinh nghiệm và quan hệ hợp tác lâu năm giữa các tập đoàn, doanh nghiệp 2 nước sẽ là điều kiện thuận lợi để thu hút dòng vốn đầu tư từ Vương quốc Anh tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác tại Việt Nam..
Ðặc biệt, 2 nước đang kỳ vọng có thể sớm tiến hành đàm phán ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) sau khi Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU). Nếu thực hiện được điều này, đây sẽ là “cú huých” mạnh mẽ trong mở rộng hợp tác thương mại, đầu tư giữa 2 nước trên nhiều lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực, ngành nghề mà doanh nghiệp Anh có thế mạnh như giáo dục, tài chính, công nghệ thông tin…, tương đồng với nhu cầu của nền kinh tế Việt Nam và những ưu tiên phát triển mà Chính phủ Việt Nam đang hướng tới.