Bình Định khởi công dự án điện mặt trời trên 6.000 tỷ đồng
Dự án Nhà máy năng lượng mặt trời Phù Mỹ có quy mô lớn nhất tỉnh Bình Định được đầu tư hơn 6.200 tỷ đồng, trên diện tích 380 ha với công suất 330 MW chính thức được khởi công.
Dự án Nhà máy năng lượng mặt trời Phù Mỹ có quy mô lớn nhất tỉnh Bình Định được đầu tư hơn 6.200 tỷ đồng
Ngày 29/5, tại địa bàn xã Mỹ An và Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, Công ty CP Phát triển Tầm nhìn Năng lượng sạch – Công ty thành viên trực thuộc Tập đoàn Bamboo Capital (BCG) đã tổ chức lễ khởi công dự án Nhà máy năng lượng mặt trời Phù Mỹ với công suất 330 MW.
Dự án Nhà máy Năng lượng mặt trời Phù Mỹ được chia thành 3 nhà máy với công suất lần lượt là: 120 MW, 110 MW và 100 MW. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2020, ước tính sẽ đạt sản lượng điện khoảng 520 triệu kWh mỗi năm, đồng thời giúp giảm phát thải khoảng 146.000 tấn CO2.
Ông Phạm Minh Tuấn, Tổng giám đốc BCG Energy kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch cho biết, BCG Energy không ngừng tập trung nghiên cứu và triển khai các dự án năng lượng tái tạo để tạo nguồn cung thay thế. Trong đó, BCG Energy đã làm việc chặt chẽ với các đối tác hàng đầu trên thế giới trong ngành năng lượng mặt trời về giải pháp công nghệ, phương án xây dựng, giải pháp môi trường, cũng như phân tích và nghiên cứu nhu cầu năng lượng của địa phương, từ đó mạnh dạn lập đề xuất đầu tư nhà máy năng lượng tái tạo với công suất lớn như Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ.
Trong bối cảnh năng lượng khan hiếm như hiện nay, việc một nhà máy năng lượng tái tạo với công suất lớn như Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ đi vào hoạt động, hòa vào lưới điện quốc gia sẽ tạo ra nguồn điện ổn định cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế đất nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phan Cao Thắng, cho biết địa phương sẽ tạo điều kiện tốt nhất để dự án được triển khai và đi vào hoạt động thuận lợi. Bên cạnh đó, ông Thắng cũng chỉ đạo huyện Phù Mỹ cùng các sở, ban, ngành liên quan phối hợp với nhà đầu tư để hoàn tất các thủ tục cần thiết đối với việc xây dựng nhà máy và đường dây tải điện để điện từ nhà máy hoà vào lưới điện quốc gia trước ngày 31/12/2020.
Quảng Trị “khơi thông” lĩnh vực đầu tư đô thị
Công ty Cổ phần đầu tư Hacom Holdings đề xuất nghiên cứu đầu tư 3 dự án đô thị và biệt thự cao cấp tại Quảng Trị mang tính đột phá, tạo động lực phát triển cho địa phương.
Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đang được 'khơi thông' với những dự án về nghỉ dưỡng tầm cở nghìn tỷ, tạo nên một diện mạo mới cho vùng đất này. Trong ảnh là dự án AE Resort Cửa Tùng, với tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng của Tập đoàn AE đầu tư vào Quảng Trị.
Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, UBND tỉnh đã có báo cáo ý tưởng quy hoạch và nghiên cứu đầu tư một số dự án trên địa bàn để Ban Thường vụ tỉnh cho ý kiến chỉ đạo tổ chức thực hiện các bước tiếp theo.
Theo ông Đồng, có 3 nội dung mà UBND tỉnh đề nghị Thường vụ xem xét, gồm: Khu đô thị Thương mại dịch vụ Nam Đông Hà được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 227/QĐ-UBND ngày 21/1/2020 với tổng diện tích là 14,10 ha, được kêu gọi đầu tư theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án xây dựng và phát triển khu đô thị thương mại dịch vụ.
Đối với dự án khu công viên cây xanh khác để tạo nên cảnh quan cho thành phố Đông Hà đang được Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh tiếp tục nghiên cứu, lập quy hoạch, lập dự án để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nên nếu thực hiện được sẽ hình thành khu đô thị thương mại dịch vụ đồng bộ hiện đại đầu tiên trên địa bàn tỉnh.
Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đang được 'khơi thông' với những dự án về nghỉ dưỡng tầm cở nghìn tỷ, tạo nên một diện mạo mới cho vùng đất này. Trong ảnh là dự án AE Resort Cửa Tùng, với tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng của Tập đoàn AE đầu tư vào Quảng Trị.
Thứ 3 là cụm dự án do Công ty Cổ phần đầu tư Hacom Holdings báo cáo đề xuất nghiên cứu đầu tư 3 dự án gồm: Dự án khu phức hợp dịch vụ, phụ trợ thuộc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị với phạm vi nghiên cứu 723 ha; Dự án khu du lịch, dịch vụ sinh thái hồ Khe Mây, thành phố Đông Hà có phạm vi nghiên cứu 135 ha và Dự án khu đô thị mới phía Đông thành phố Đông Hà có phạm vi nghiên cứu khoảng 400 ha.
Được biết, cụm dự án của Hacom Holdings sau khi được Quảng Trị nhất trí chủ trương sẽ được đầu tư khoảng 2.620 tỷ đồng và được triển khai giai đoạn 1 từ năm 2020 đến năm 2025 và giai đoạn 2 từ năm 2025 đến năm 2030.
Công ty Cổ phần đầu tư Hacom Holdings đã đề xuất nghiên cứu đầu tư 3 dự án trên vào Quảng Trị từ năm 2019. Tại buổi làm việc với Thường vụ tỉnh Quảng Trị mới đây, đại diện Công ty Cổ phần đầu tư Hacom Holdings cho biết, nếu Quảng Trị thống nhất chủ trương thì phía công ty sẽ nghiên cứu đầu tư 3 dự án trên, nhà đầu tư đã đề xuất nhiều ý tưởng mới trong các phương án quy hoạch, đặc biệt là ý tưởng đề xuất khu phức hợp dịch vụ phụ trợ tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng cho biết, địa phương rất hài lòng về sự lựa chọn của nhà đầu tư xem Quảng Trị là điểm đến. Tuy nhiên, sau khi nghe các ý kiến đề xuất, Bí thư Quảng Trị cho rằng mỗi dự án đề xuất trên cần phải có sự xem xét kỹ lưỡng.
Trong đó, đối với dự án khu phức hợp dịch vụ phụ trợ tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, nhà đầu tư cần tiếp cận quy hoạch tỷ lệ 1/500 để thực hiện với mục tiêu đồ án tạo ra quần thể du lịch ven biển, du lịch sinh thái cùng với việc hình thành khu công nghiệp đa ngành, khu dịch vụ tổng hợp.
Về dự án khu đô thị mới phía Đông TP. Đông Hà kết hợp với nghiên cứu dự án khu du lịch, dịch vụ sinh thái hồ Khe Mây, TP. Đông Hà, ông Hùng yêu cầu nhà đầu tư cần tính toán kỹ để không ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp, an toàn hồ đập và cảnh quan sinh thái trong khu vực này.
Phó chủ tịch Thường trực Hà Sỹ Đồng cũng yêu cầu nhà đầu tư cần điều chỉnh quy hoạch theo hướng kế thừa, tôn trọng lịch sử, tạo sự hài hoà trong quá trình thực hiện. UBND tỉnh đánh giá cao tâm huyết của nhà đầu tư với những ý tưởng quy hoạch phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh và có những điểm nhấn độc đáo tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế xã hội.
Tập đoàn Hacom Holdings được thành lập năm 2005 với lĩnh vực kinh doanh như: Xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, hạ tầng khu đô thị, đường, cầu, nhà máy, tư vấn dự án bất động sản, nhà ở và thương mại. Đến năm 2010, Hacom Holdings mở rộng phạm vi và nâng tầm quy mô kinh doanh – đầu tư xây dựng và thi công xây lắp khu đô thị, khu công nghiệp, khách sạn, khu nghỉ dưỡng trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
Hiện nay, với xu hướng phát triển của xã hội, Hacom Holdings mở rộng một số lĩnh vực như: khách sạn, dịch vụ du lịch lữ hành, thương mại điện tử, năng lượng tái tạo tại Hà Nội, Nha Trang, Ninh Thuận, Đà Lạt, Vũng Tàu… và như dự kiến, công ty này sẽ “đổ bộ” Quảng Trị với 3 dự án về khu biệt thự, đô thị sầm uất nghìn tỷ trong năm 2020.
Gia Lai: Bổ sung hai dự án vào quy hoạch thủy điện nhỏ toàn quốc
Bộ Công thương vừa có quyết định phê duyệt bổ sung quy hoạch thuỷ điện nhỏ toàn quốc trên địa bàn tỉnh Gia Lai với 2 dự án thuỷ điện Krông Ja Taun và Đăk Ayuonh.
Bộ Công thương yêu cầu các dự án thủy điện phải đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành về bảo vệ và phát triển rừng.
Dự án thuỷ điện Krông Ja Taun do Công ty CP Tư vấn LIGI (có trụ sở ở Hà Nội) đề xuất đầu tư và Dự án thuỷ điện Đăk Ayuonh do Công ty TNHH Tư vấn Khải Hoàng (có trụ sở tại Gia Lai) đề xuất đầu tư.
Theo UBND tỉnh Gia Lai cho biết, hiện nay UBND tỉnh đã giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan căn cứ quyết định của Bộ Công thương nêu trên để công bố nội dung quy hoạch, tổ chức thực hiện các bước tiếp theo đúng quy trình, quy định pháp luật hiện hành.
Theo quyết định của Bộ Công thương, việc đầu tư xây dựng các Dự án thuỷ điện Krông Ja Taun và Đăk Ayuonh phải đảm bảo phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, sử dụng đất, sử dụng tài nguyên và phát triển điện lực. Bên cạnh đó, dự án phải đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành về xây dựng, tài nguyên nước, bảo vệ và phát triển rừng và các quy định có liên quan khác.
Ngoài ra, trước khi quyết định chủ trương đầu tư, Bộ Công thương cũng đề nghị tỉnh Gia Lai rà soát kỹ diện tích chiếm đất trồng lúa của các dự án để trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo đúng quy định.
“Trong quá trình đầu tư xây dựng, vận hành khai thác, các nhà máy thủy điện phải đảm bảo không ảnh hưởng đến các bậc thang thuỷ điện liền kề phía thượng và hạ lưu, không ảnh hưởng đến các công trình công cộng, di tích lịch sử, văn hoá và các quy hoạch khác có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt”, Bộ Công thương nhấn mạnh.
Nhà đầu tư Mỹ tìm cơ hội thông qua M&A
Cùng với gia tăng mua bán - sáp nhập, các doanh nghiệp Mỹ đang tích cực tìm cơ hội đầu tư trực tiếp ở những lĩnh vực có thế mạnh như công nghệ, thiết bị điện tử, dược phẩm…
Nhiều công ty công nghệ tại Thung lũng Silicon có kế hoạch chuyển hướng đầu tư sản xuất thiết bị điện tử về Việt Nam.
Việc đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam trong nhiều năm qua thường thông qua các công ty con đăng ký tại một số nước và khu vực khác. Nhiều doanh nghiệp Mỹ đầu tư khá lớn tại Việt Nam, nhưng chưa được tính trong con số thống kê, bởi đầu tư thông qua M&A hay các hoạt động nhượng quyền thương mại…
Trong 4 tháng đầu năm, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Mỹ nằm trong tốp 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng thương vụ M&A nhiều nhất. Các doanh nghiệp Mỹ có đến 101 lượt góp vốn, mua cổ phần các doanh nghiệp nội, với tổng vốn góp 68,58 triệu USD, tăng 9 lượt giao dịch và gần gấp đôi về số vốn so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Mỹ chỉ có 37 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp phép vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký khoảng 25,5 triệu USD.
Chia sẻ về câu chuyện dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc, GS. Hà Tôn Vinh, chuyên gia kinh tế, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Stellar Management cho rằng, trong nền kinh tế toàn cầu hóa, các công ty đa quốc gia thường xuyên đi tìm những quốc gia có nền kinh tế và chính trị ổn định; nguồn nhân lực dồi dào, giá thấp và có tay nghề cao; các yếu tố sản xuất và cung cấp đầu vào đem lại lợi thế cạnh tranh… Việt Nam gần đây đã bắt đầu đáp ứng được nhiều đòi hỏi gắt gao của các tập đoàn đa quốc gia, nên việc họ tìm đến Việt Nam là một điều dễ hiểu.
“Sự phát triển của Trung Quốc hơn hai thập niên qua đã làm cho giá cả leo thang chóng mặt, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung làm cho việc sản xuất tại Trung Quốc trở nên bấp bênh hơn và lợi nhuận của các tập đoàn trên đà đi xuống…”, GS. Vinh nói và nhìn nhận, đại dịch Covid-19 có thể là giọt nước làm tràn ly, khiến các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Mỹ, đẩy nhanh hơn, quyết liệt hơn việc dịch chuyển đầu tư.
Minh chứng là, trong tháng 3 vừa qua, tức là thời điểm dịch Covid-19 đang diễn ra căng thẳng và phức tạp tại Mỹ, song phái đoàn 45 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực khoa học đời sống và y tế của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) đã đến Việt Nam tìm kiếm các cơ hội mở rộng hợp tác đầu tư, kinh doanh.
Nhiều công ty công nghệ tại Thung lũng Silicon có kế hoạch chuyển hướng đầu tư sản xuất thiết bị điện tử về Việt Nam, có thể bằng đầu tư trực tiếp hoặc qua bên thứ ba.
Ông Alexander Feldman, Chủ tịch USABC cho biết, lĩnh vực trang thiết bị y tế, chăm sóc sức khỏe và dược phẩm đang được doanh nghiệp Mỹ quan tâm thúc đẩy thủ tục để triển khai hợp tác. Nhiều công ty công nghệ tại Thung lũng Silicon đã có kế hoạch chuyển hướng đầu tư sản xuất thiết bị điện tử về Việt Nam, có thể bằng hình thức đầu tư trực tiếp hoặc qua bên thứ ba. Một số tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Mỹ đã có kế hoạch tăng cường nhập khẩu hàng Việt Nam vào chuỗi cung ứng…
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Mỹ đề xuất các dự án hợp tác, tìm hiểu cơ hội đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo… Chẳng hạn, Facebook muốn triển khai Chương trình “Facebook vì Việt Nam” nhằm hỗ trợ hàng ngàn học sinh Việt Nam học tập online, với kho dữ liệu được Việt hóa, phù hợp với học sinh nhiều vùng miền.
Tập đoàn AES có các dự án “Kỹ sư năng lượng tương lai”, “Trường học an toàn cho trẻ em”, “Khúc xạ học đường”, “Giáo dục STEM”, cùng nhiều hoạt động hỗ trợ học bổng khác trị giá trên 1 tỷ đồng, với mong muốn nội địa hóa nguồn nhân lực làm việc tại Việt Nam.
Để thu hút thêm các doanh nghiệp lớn của Mỹ, theo GS. Hà Tôn Vinh, Việt Nam cần ưu tiên đẩy mạnh các chương trình quảng bá hình ảnh và thương hiệu Việt, nhấn mạnh đặc biệt đến các yếu tố nhân sự có trình độ, kinh nghiệm, tay nghề cao; các chính sách ưu đãi...
Ngoài ra, lãnh đạo Trung ương hay địa phương nên tìm cơ hội gặp gỡ trực tiếp, mời gọi các nhà đầu tư, sản xuất đến Việt Nam. Điều này chắc chắn sẽ khiến lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia yên tâm và tin tưởng vào các cam kết lâu dài hỗ trợ các dự án đầu tư của họ.
“Đây có lẽ là cơ hội hiếm có khó tìm để Việt Nam vươn lên, đặc biệt sau đại dịch Covid-19, như câu người Mỹ thường nói: Nên rèn dao luyện kiếm khi thanh sắt còn nóng đỏ trong lò”, GS. Vinh nói.
Hà Nội: Thành lập thêm 2 cụm công nghiệp theo hướng công nghiệp xanh
Hà Nội vừa có chủ trương thành lập hai cụm công nghiệp thuộc huyện Hoài Đức theo hướng công nghiệp xanh, sạch, ứng dụng khoa học công nghệ cao.
Huyện Hoài Đức sắp có thêm 2 cụm công nghiệp (Ảnh minh họa)
Đây là chỉ đạo của Thường trực Thành ủy Hà Nội khi đồng ý về nguyên tắc chủ trương thành lập 2 cụm công nghiệp thuộc huyện Hoài Đức theo đề xuất của Ban Cán sự đảng UBND thành phố gồm: Cụm công nghiệp Dương Liễu (giai đoạn 2) và Cụm công nghiệp Đông La.
Theo đó, Thường trực Thành ủy yêu cầu việc đầu tư các dự án này cần nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về đánh giá tác động môi trường của dự án; xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, đặc biệt, hệ thống thu gom, xử lý nước thải, rác thải rắn công nghiệp.
Bên cạnh đó, Thành ủy Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư phải cam kết hoàn thành dự án theo đúng quy định và đúng tiến độ đã đề ra; nhất là phải đầu tư xây dựng cụm công nghiệp theo hướng công nghiệp xanh, sạch và ứng dụng khoa học công nghệ cao.
“Tuyệt đối không bố trí nhà ở, lưu trú, trung tâm dịch vụ thương mại trong phạm vi ranh giới cụm công nghiệp. Nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về đánh giá tác động môi trường của dự án; xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại… hạn chế tối đa những ảnh hưởng đến người dân sinh sống và hoạt động sản xuất nông nghiệp trong khu vực” – Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Để thực hiện, Thường trực Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành có liên quan rà soát, hoàn thiện hồ sơ, đảm bảo việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, công tác thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng, giao đất cho chủ đầu tư, cho thuê đất và xác định tiền thuê đất phải phù hợp với kế hoạch sử dụng đất, quy định của pháp luật.
Việc thành lập các cụm công nghiệp nêu trên phải bảo đảm phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và các quy hoạch liên quan khác. Việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng và dự án đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, đầu tư hiện hành của Nhà nước và thành phố...
Thường trực Thành ủy cũng giao Ban Cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo UBND huyện Hoài Đức làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của người dân, không để phát sinh các khiếu kiện phức tạp trong quá trình triển khai thực hiện các dự án.
Thông xe, đưa vào khai thác cầu Thịnh Long - Nam Định trị giá 1.158 tỷ đồng
Cầu Thịnh Long thuộc tuyến đường bộ ven biển Nam Định được đưa vào khai thác sẽ kết nối QL21 với TL 490C, rút ngắn thời gian, chi phí đi lại; kết nối các KCN trong vùng.
Cầu Thịnh Long bắc qua sông Ninh Cơ, kết nối hai huyện ven biển Nghĩa Hưng và Hải Hậu của tỉnh Nam Định được xây dựng trong vòng 24 tháng.
Tuần qua, tại huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Nam Định và Liên danh nhà thầu thi công Hanshin Engineering & Construction Co.,Ltd - Công ty Cổ phần cầu đường Long Biên đã tổ chức Lễ thông xe công trình cầu Thịnh Long thuộc tuyến đường bộ ven biển tỉnh Nam Định.
Cầu Thịnh Long bắc qua sông Ninh Cơ, kết nối hai huyện ven biển Nghĩa Hưng và Hải Hậu của tỉnh Nam Định do Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư công trình là 1.158,102 tỷ đồng (54,902 triệu USD), trong đó 970,176 tỷ đồng là vốn vay từ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc, 187, 926 tỷ đồng còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Riêng chi phí giải phóng mặt bằng (50 tỷ) từ nguồn ngân sách tỉnh Nam Định.
Cầu Thịnh Long được thiết kế có tổng chiều dài là 2.359.58 m, trong đó phần cầu dài 988.47m (19 nhịp), còn lại là đường dẫn hai bên, được thiết kế vĩnh cửu bằng bê-tông cốt thép dự ứng lực. Mặt cầu rộng 12m, gồm 2 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ...Trước khi cầu Thịnh Long được xây dựng, trong nhiều năm qua, việc qua lại giữa hai huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu (Nam Định) phụ thuộc vào phà Thịnh Long.
Dự án sau khi hoàn thành ngoài việc xóa cảnh đò phà còn tăng hiệu quả kết nối Quốc lộ 21 với Dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển nối khu kinh tế Ninh Cơ với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đoạn từ cầu Thịnh Long đến khu công nghiệp Rạng Đông do UBND tỉnh Nam Định làm chủ đầu tư. Dự án cũng góp phần giảm tải lưu lượng giao thông cho Quốc lộ 21, nâng cao hiệu quả khai thác cho các phương tiện, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp, dịch vụ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và du lịch, tăng sức hút đầu tư đối với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Việc hoàn thành và đưa vào khai thác cầu Thịnh Long còn mang ý nghĩa to lớn để chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cũng như minh chứng cho sự hợp tác hiệu quả, toàn diện trong lĩnh vực GTVT và hình hữu nghị sâu sắc giữa Chính phủ và Nhân dân hai nước Việt Nam và Hàn Quốc.
Nghiên cứu, đầu tư kéo dài đường cất hạ cánh sân bay Phú Bài
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về nghiên cứu, đầu tư kéo dài đường cất hạ cánh, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đường lăn tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài.
Sân bay Phú Bài
Cụ thể, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, đầu tư kéo dài đường cất hạ cánh, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đường lăn nhằm đảm bảo hiệu quả khai thác, an toàn tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài theo đúng quy định pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ đã báo cáo Chính phủ đề nghị cho chủ trương nghiên cứu, đầu tư kéo dài đường cất hạ cánh, xây dựng hoàn chỉnh đường lăn Cảng hàng không quốc tế Phú Bài.
Việc này, nhằm đảm bảo hiệu quả, an toàn khai thác tại sân bay Phú Bài. Tỉnh cũng cam kết thực hiện công tác đền bù, GPMB đảm bảo bàn giao đúng tiến độ theo nhu cầu sử dụng đất của dự án đầu tư được phê duyệt.
Được biết, Cục Hàng không Việt Nam đã lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án nhóm B, C dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tại các cảng hàng không, sân bay. Cơ quan này đã đề xuất đầu tư hơn 1.050 tỷ đồng nâng cấp, kéo dài đường cất hạ cánh và gần 620 tỷ đồng xây dựng đường lăn song song và đường lăn nối tại đây.
Tổng mức đầu tư nêu trên, được tính toán dự kiến trên cơ sở các công trình tương tự và không bao gồm chi phí GPMB. Phần GPMB nếu có sẽ được tách thành dự án riêng do địa phương thực hiện.
Cảng hàng không quốc tế Phú Bài có vị trí, vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng của tỉnh Thừa Thiên-Huế và khu vực Bắc miền Trung; là cầu nối giữa các miền trong nước và quốc tế.
Các tổ chức tài chính quốc tế đua nhau mời ACV vay lãi suất thấp xây sân bay Long Thành
Hiện lãi suất vay bằng USD mà nhiều tổ chức tài chính quốc tế chào Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) để đầu tư vào sân bay Long Thành chỉ khoảng 4%/năm.
Việc giao ACV là đơn vị khai thác cảng hàng không quốc tế Long Thành nhận được nhiều sự ủng hộ của các thành viên Hội đồng thẩm định Nhà nước.
Đây là thông tin được ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc ACV đưa ra tại cuộc họp thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 (sân bay Long Thành) được Hội đồng Thẩm định Nhà nước tổ chức vào sáng nay.
Theo Tổng giám đốc ACV, từ đầu năm đến nay, đơn vị này liên tục nhận được các bản chào vay vốn của nhiều tổ chức tài chính lớn trên thế giới để đầu tư vào Cảng hàng không Long Thành. Điều đáng lưu ý là mức lãi suất cho các khoản vay bằng USD hiện chỉ khoảng 4%/năm, thấp hơn từ 1 - 2% so với các bản chào được gửi tới đơn vị chủ đầu tư Dự án lập nghiên cứu khả thi sân bay Long Thành trước thời điểm dịch Covid – 19.
“Nếu Dự án được triển khai sớm để tận dụng dòng vốn quốc tế đang dư thừa này, tổng mức đầu tư công trình sẽ giảm đáng kể”, CEO ACV cho biết và thông tin thêm rằng, hiện các hoạt động động khai thác bay nội địa đã đạt 70% mức thường lệ và chắc chắn ACV sẽ không lỗ trong năm 2020, trước khi phục hồi hoàn toàn các khoản doanh thu, lợi nhuận vào năm 2022 qua đó đủ sức cân đối tài chính để đầu tư cho các dự án hạ tầng lớn như sân bay Long Thành, Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất và mở rộng T2 Nội Bài.
Được biết, hiện Bộ GTVT đang đề xuất giao ACV là đơn vị khai thác cảng và chủ đầu tư Dự án thành phần 3 – các công trình thiết yếu của cảng hàng không bao gồm công trình hạ tầng chung; đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ, hệ thống thiết bị hỗ trợ hạ cánh chính sách; nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa số 1, nhà để xe, nhà điều hành cảng… Tổng mức đầu tư Dự án thành phần 3 vào khoảng 4,149 tỷ USD, trong đó ACV dự kiến bố trí vốn tự có được 1,566 tỷ USD và dự kiến cần huy động tín dụng trong nước và quốc tế 2,628 tỷ USD.
Trong năm 2019, ACV đã làm việc với 12 tổ chức tín dụng trong và ngoài nước và đã ký các biên bản thỏa thuận hợp tác với tổng giá trị đề xuất hơn 5 tỷ USD, thời gian vay 15 năm, thời gian ân hạn 5 năm với lãi suất dự kiến khoảng từ 5,5 -6%/năm.
ACV cũng đang thực hiện công tác đánh giá xếp hạng tín nhiệm bởi các tổ chức xếp hạng uy tín nhất trên thế giới nhằm thực hiện công tác huy động vốn một cách tối ưu cho dự án, phù hợp với các thông lệ quốc tế. Với các nội dung nêu trên và năng lực tài chính lành mạnh, có nguồn thu sẵn sàng của 21 cảng hàng không để bù đắp nếu thiếu hụt dòng tiền, ACV có thể huy động được nguồn vốn vay thương mại quốc tế có điều kiện vay tốt hơn mức thông thường của thị trường nên việc ACV đầu tư, khai thác sẽ giảm chi phí lãi vay, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư và hiệu quả tài chính của Dự án.
Theo đánh giá của Bộ GTVT, hoạt động tại sân bay Long Thành đòi hỏi phải có sự phối hợp, hiệp đồng hết sức chặt chẽ giữa nhà đầu tư, khai thác Cảng với các lực lượng với quân đội, công an và các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động thường xuyên; kịp thời phản ứng và có hiệu quả trước các tình huống cấp bách, khẩn cấp mà không lường trước được góp phần ổn định an ninh, chính trị phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thực tế, phần lớn các quốc gia trên thế giới, Nhà nước đều nắm vai trò chủ đạo tại các cảng hàng không lớn lớn, quan trọng, cửa ngõ quốc gia (kinh nghiệm quốc tế được trình bày dưới đây). Việc giao ACV là nhà đầu tư, khai thác cảng sẽ giúp Nhà nước (thông qua người đại diện vốn nhà nước tại ACV đang năm hơn 90% vốn điều lệ) trong trường hợp cần thiết, có thể đưa ra các quyết định có thể bất lợi đối với ACV nhưng đảm bảo được lợi ích công cộng, lợi ích chung của Quốc gia; đảm bảo an ninh, an toàn tại Cảng hàng không cửa ngõ quốc gia.
Bên cạnh đó, việc giao cho ACV là nhà đầu tư sẽ giữ lại nguồn lợi kinh doanh từ sân bay Long Thành cho quốc gia (Dự án có hiệu quả tài chính cao) và tạo lượng việc làm lớn cho người dân Việt Nam. Trường hợp đầu tư theo hình thức PPP thì sẽ phải thực hiện đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư (theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Luật Đầu thầu), khi đó một phần nguồn lợi kinh tế và việc làm sẽ do doanh nghiệp và người nước ngoài hưởng, đặc biệt vấn đề an ninh – quốc phòng là khó kiểm soát.
Theo tính toán tại Báo cáo nghiên cứu khả thi, khi đi vào hoạt động ổn định, mỗi năm sân bay Long Thành giai đoạn 1 có khả năng đem lại lợi nhuận ở mức 100 - 200 triệu USD/năm (tương đương 2.390 – 4.780 tỷ đồng/năm). Nguồn lợi nhuận này một phần sẽ được nộp cho ngân sách nhà nước dưới dạng cổ tức ứng với 95,4% tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại ACV, phần còn lại sẽ được tích luỹ để tái đầu tư phát triển các cảng hàng không như: Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Điện Biên, Nà Sản, Lai Châu... phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng theo chủ trương của Đảng, Nhà nước; đồng thời chuẩn chuẩn bị đầu tư Dự án giai đoạn 2.
Chính phủ trình Quốc hội 3 phương án chuyển đổi hình thức đầu tư cao tốc Bắc - Nam
Trong số 3 phương án vừa được trình Quốc hội, Chính phủ vẫn ưu tiên phương án chuyển đổi toàn bộ 8 dự án PPP thành phần cao tốc Bắc – Nam sang hình thức đầu tư công.
Với phương án mới, Chính phủ cho biết là sẽ hoàn thành các dự án thành phần đầu tư công cao tốc Bắc Nam vào năm 2022; các dự án PPP và cầu Mỹ Thuận vào năm 2023.
Ngày 25/5, thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã ký tờ trình số 256/TTr – CP đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông.
Điểm đáng chú ý nhất trong Tờ trình số 256 là Chính phủ đã trình bổ sung một số phương án chuyển đổi hình thức đầu tư theo thứ tự ưu tiên như sau:
Phương án 1 – tiếp tục đầu tư 3 dự án thành phần đầu tư công theo Nghị quyết số 52/2017/NQ – QH và chuyển đổi hình thức đầu tư toàn bộ 8 dự án thành phần từ đầu tư theo hình thức PPP có sử dụng một phần vốn đầu tư công sang đầu tư công sử dụng 100% vốn đầu tư công. Theo phương án này, tổng mức đầu tư toàn Dự án cao tốc Bắc – Nam vào khoảng 99.493 tỷ đồng, trong đó: vốn ngân sách nhà nước đã bố trí tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 là 55.000 tỷ đồng, cần bổ sung khoảng 44.493 tỷ đồng, dự kiến bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025. Phương án 1 cũng chính là phương án được Chính phủ trình Quốc hội tại Tờ trình số 211/TTr-CP ngày 14/5/2020.
Phương án 2 - tiếp tục đầu tư 3 dự án thành phần đầu tư công theo Nghị quyết số 52/2017/NQ – QH và chuyển đổi hình thức đầu tư 5 dự án thành phần, gồm: 4 dự án cấp bách (đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 dài 63km, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn dài 43km, Nghi Sơn - Diễn Châu dài 50km và Phan Thiết - Dầu Giây dài 99km) và 1 dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết); 3 dự án thành phần còn lại có nhiều nhà đầu tư qua sơ tuyển (Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo) tiếp tục lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP. Với phương án này, tổng mức đầu tư toàn Dự án khoảng 100.250 tỷ đồng; trong đó: vốn ngân sách nhà nước khoảng 88.056 tỷ đồng (đã bố trí 55.000 tỷ đồng, cần bổ sung 33.056 tỷ đồng); vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 12.194 tỷ đồng.
Phương án 3 - tiếp tục đầu tư 3 dự án thành phần đầu tư công theo Nghị quyết số 52/2017/NQ – QH và chuyển đổi hình thức đầu tư 3 dự án thành phần, gồm: 2 dự án cấp bách (đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 dài 63km và Phan Thiết - Dầu Giây dài 99km) và 1 dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết); 5 dự án thành phần còn lại (Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo) tiếp tục lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP. Tổng mức đầu tư khoảng 100.816 tỷ đồng; trong đó: vốn vốn ngân sách nhà nước khoảng 78.461 tỷ đồng (đã bố trí 55.000 tỷ đồng, cần bổ sung 23.461 tỷ đồng); vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 22.355 tỷ đồng.
Trước đó, tại Thông báo số 3616/TB-TTKQH ngày 19/5/2020 của Tổng Thư ký Quốc hội về kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 45, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tán thành với phương án chuyển đổi đầu tư cả 8 dự án thành phần theo hình thức PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công như Tờ trình của Chính phủ. Trên tinh thần đó, đề nghị Chính phủ chuẩn bị lại Tờ trình để báo cáo lần 2 về Dự án này tại đợt 3 của phiên họp thứ 45 (dự kiến tổ chức trong thời gian diễn ra kỳ họp thứ 9 của Quốc hội).
Tờ trình mới, theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải theo nguyên tắc: đề xuất chuyển đổi sang hình thức đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công đối với dự án không có nhà đầu tư tham gia đấu thầu (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết) và số ít dự án thật sự cấp bách, quan trọng có nhà đầu tư tham gia nhưng khó có khả năng huy động vốn tín dụng và khả năng đấu thầu không thành công.
Vốn đầu tư công cho Dự án thực hiện đúng quy định của Luật Đầu tư công không để nợ lớn vốn đầu tư công sang kế hoạch đầu tư công giai đoạn sau.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu hoàn thiện hồ sơ, tài liệu báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định. Trường hợp đủ điều kiện sẽ báo cáo Quốc hội xem xét, thảo luận vào đợt họp thứ 2 của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV.
Tại Tờ trình số 211, Chính phủ đề xuất 2 thay đổi lớn tại Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông so với Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 của Quốc hội.Cụ thể, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép sử dụng 100% vốn ngân sách Trung ương để đầu tư 11 dự án thành phần Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoan 2017 - 2020, trong đó có 8 dự án thành phần triển khai theo hình thức PPP, gồm các đoạn: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây.
Thay đổi thứ hai là tổng mức đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 chỉ còn 99.493 tỷ đồng, giảm hơn 3.000 tỷ đồng so với con số 102.513 tỷ đồng được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 (Nghị quyết 52) do loại bỏ chi phí lãi vay trong giai đoạn xây dựng.
Bình Định: Những dự án đô thị nghìn tỷ đang tìm nhà đầu tư
UBND tỉnh Bình Định vừa phê duyệt danh mục dự án có sử dụng đất để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với một số dự án khu đô thị phía Tây của tỉnh này.
Dự án vành đai 3 Hà Nội, đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản đang được Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ thi công để có thể đưa vào khai thác trong tháng 9/2020.
Theo đó, những dự án mà tỉnh này đang tập trung tổ chức mời gọi theo phương thức đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất như Trung tâm trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ (Long Vân 1), các dự án khu đô thị Long Vân 2, Long Vân 3, Long Vân 4, NĐT 1, NĐT 2, Đê Đông (TP Quy Nhơn), NĐT 3 (huyện Tuy Phước), Cẩm Văn (TX An Nhơn), Tây QL 19 (huyện Tây Sơn)...
Ông Nguyễn Bay, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Bình Định cho biết, với mục tiêu xây dựng mới một khu đô thị hiện đại về tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội với tính chất chính là đô thị trí tuệ nhân tạo…
Đối với dự án Trung tâm trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ được Bình Định xác định rất quan trọng để phát triển đô thị thông minh cho tỉnh và khu vực. Dự án có tổng mức đầu tư tối thiểu 4.362 tỷ đồng, trên diện tích 94 ha với nhiều hạng mục (trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ, chuyên sâu trí tuệ nhân tạo (Al); cơ sở sản xuất sản phẩm phần mềm; khu nhà ở hiện đại, thông minh; các công trình dịch vụ xã hội đô thị chất lượng cao theo đặc thù đô thị trí tuệ nhân tạo).
02 dự án khu đô thị với tổng vốn đầu tư gần 6.000 tỷ đồng cũng được đánh giá là những dự án tầm cỡ đang tìm nhà đầu tư. Một là, dự án Khu đô thị NĐT 1 Tây đường Quốc lộ 19 (mới) có tổng vốn đầu tư là 2.932,1 tỷ đồng (tổng chi phí thực hiện Dự án là 2.300 tỷ đồng và chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng là 632,1 tỷ đồng), diện tích sử dụng đất là khoảng 41 ha tại phân khu NĐT-1, phường Nhơn Bình, TP. Quy Nhơn;
Hai là, Dự án Khu đô thị NĐT 2 Tây đường Quốc lộ 19 (mới) có tổng vốn đầu tư là 2.999,2 tỷ đồng (tổng chi phí thực hiện Dự án là 2.600 tỷ và chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng là 399,2 tỷ đồng), diện tích sử dụng đất là khoảng 32 ha tại phân khu NĐT-2, phường Nhơn Bình, TP. Quy Nhơn.
Mục tiêu của 2 dự án này là xây dựng khu đô thị đẳng cấp dọc tuyến Quốc lộ 19 mới hiện đại về không gian, kiến trúc, cảnh quan; đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội...
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã có Công văn số 3053/UBND-TH nhằm tổ chức lựa chọn nhà đầu tư có năng lực và kinh nghiệm thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh này.
Theo đó, ông Hồ Quốc Dũng yêu cầu việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư có năng lực và kinh nghiệm thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất (ngoài các khu, cụm công nghiệp) trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch được duyệt phải thực hiện bằng hình thức đấu giá (đối với đất đã được nhà nước thực hiện giải phóng mặt bằng) hoặc đấu thầu (đối với đất chưa được nhà nước thực hiện giải phóng mặt bằng) theo quy định của pháp luật (trừ các dự án đầu tư đủ điều kiện chấp thuận chủ trương đầu tư do pháp luật quy định); trường hợp cơ quan, đơn vị nào tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án không đúng quy định, phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Định Nguyễn Thành Hải cho biết, địa phương sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, mời gọi nhà đầu tư lớn có khả năng lôi kéo, thúc đẩy các dự án phụ trợ. Đồng thời, chú trọng nhóm các nhà đầu tư vừa và nhỏ nhưng có công nghệ cao và sạch của các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, NewZealand… Qua đó, vừa đẩy nhanh tiến độ lấp đầy khu kinh tế và các khu, cụm công nghiệp vừa đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp hạ nguồn và dịch vụ kèm theo.
Thứ trưởng Bộ GTVT được lệnh bám công trường, quyết gỡ khó, giải ngân hết 37.500 tỷ đồng vốn đầu tư công
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa đề nghị các thứ trưởng bộ này gồm các ông: Nguyễn Ngọc Đông, Nguyễn Văn Công, Lê Đình Thọ, Nguyễn Nhật và Lê Anh Tuấn tổ chức ngay các đoàn công tác để kiểm tra hiện trường các dự án sử dụng vốn đầu tư công được giao phụ trách; làm việc với lãnh đạo các địa phương để xử lý, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về công tác GPMB.
Ảnh minh họa
“Trong phạm vi các dự án được phân công theo dõi, từng thứ trưởng có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan tham mưu của Bộ, các chủ đầu tư/ Ban QLDA và các nhà thầu thi công khẩn trương xử lý, giải quyết các thủ tục đầu tư; tập trung thi công ở hiện trường để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, kế hoạch giải ngân đã đăng ký, đảm bảo hoàn thành dự án theo tiến độ đã đề ra”, Bộ trưởng Bộ BTVT chỉ đạo.
Tư lệnh ngành GTVT yêu cầu các cơ quan tham mưu của Bộ theo chức năng, nhiệm vụ khẩn trương rà soát các hồ sơ, văn bản hiện đang được các chủ đầu tư/Ban QLDA trình để tập trung chỉ đạo xử lý, giải quyết theo quy định, đáp ứng tiến độ triển khai dự án.
Tổng giám đốc, Giám đốc các chủ đầu tư/Ban QLDA có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu xây lắp..khẩn trương hoàn thành các thủ tục: phê duyệt thiết kế, dự toán, lựa chọn nhà thầu, giải quyết kịp thời các thủ tục nghiệm thu, thanh toán; phối hợp chặt chẽ với các địa phương để xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc về GPMB; tập trung chỉ đạo các nhà thầu thi công xây lắp đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng công trình, an toàn giao thông, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, hoàn thành dự án theo đúng hợp đồng đã ký kết, đảm bảo tiến độ giải ngân dự án theo kế hoạch giải ngân đã đăng ký năm 2020.
Được biết, năm 2020, Bộ GTVT được giao khoảng 37.438 tỷ đồng vốn đầu tư công, bao gồm 35.300,84 tỷ được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2020 và khoảng 3.789 tỷ được kéo dài kế hoạch vốn năm 2019 sang năm 2020.
ến hết tháng 4/2020, Bộ GTVT đã giải ngân được 9.208 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 24,6% kế hoạch giải ngân cả năm (9.208/37.438 tỷ đồng), gồm 7.584 tỷ đồng kế hoạch năm 2020, đạt 23,9% kế hoạch đã giao các chủ đầu tư (7.584/31.689 tỷ đồng), tương đương 22,5% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao (7.584/33.649 tỷ đồng) và 1.624 tỷ đồng kế hoạch năm 2019 kéo dài, đạt 43% (1.624/3.789 tỷ đồng). Riêng trong tháng 4 giải ngân thêm được 1.711 tỷ đồng (lũy kế thực hiện đến hết tháng 4/2020 là 9.208/lũy kế thực hiện đến hết tháng 4/2020 là 7.497 tỷ đồng.
Kết quả giải ngân của ngành GTVT trong quý I và tháng 4/2020 không chỉ cao nhất trong nhiều năm trở lại đây mà còn cao hơn mức bình quân chung của cả nước khoảng 6,5%.
Theo ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư, Bộ GTVT, trong bối cảnh cả hệ thống chính trị và toàn dân đang tập trung nỗ lực kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn đặc biệt là đợt giãn cách toàn xã hội trong tháng 4 cũng ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội, Bộ GTVT đang rất nỗ lực để thúc đẩy tiến độ giải ngân và thi công các dự án do Bộ quản lý, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia.
Để thực hiện thành công kế hoạch năm 2020 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ông Huy cho biết là Bộ trưởng Bộ GTVT đã chỉ đạo rất quyết liệt các Chủ đầu tư/ Ban Quản lý dự án phải kiện toàn, tăng cường năng lực cán bộ điều hành tại các dự án; phối hợp chặt chẽ với các địa phương đẩy nhanh công tác GPMB, chỉ đạo quyết liệt công tác nội nghiệp. Các cơ quan tham mưu của Bộ phải thường xuyên đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ những thủ tục đầu tư.
Trước đó, lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định kết quả giải ngân của từng dự án được phân công theo dõi là căn cứ chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020, trường hợp kết quả giải ngân năm 2020 đạt dưới 100% thì phải xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu, chủ đầu tư dự án và các cá nhân liên quan. Đặc biệt, phải kịp thời loại bỏ những cán bộ, công chức yếu kém về năng lực, trình độ hoặc suy thoái về đạo đức nghề nghiệp, gây nhũng nhiễu, tiêu cực hoặc thao túng, chi phối trong quản lý vốn đầu tư công, đấu thầu.
Hà Nội muốn huy động gần 1.000 tỷ đồng xây dựng nhà chờ xe buýt, biển quảng cáo tại 12 quận huyện
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa có tờ trình gửi UBND TP Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc xây dựng đồng bộ nhà chờ xe buýt, các biển quảng cáo trên dải phân cách tại 12 quận huyện theo hình thức đối tác công tư với tổng vốn gần 1.000 tỷ đồng.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, hiện nay, trong khu vực nội thành Hà Nội có 1.078 điểm dừng đón trả khách cho xe buýt, nhưng chỉ 365 nhà chờ có mái che. Bên cạnh đó, do nhiều nhà đầu tư tham dự xây dựng nên các nhà chờ thiếu sự đồng bộ về thiết kế. Việc quản lý, khai thác sau đầu tư chưa được thực hiện thường xuyên dẫn đến mất mỹ quan, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ hành khách.
Theo đó, tại tờ trình vừa gửi UBND Thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề xuất thực hiện dự án xây dựng đồng bộ nhà chờ xe buýt trên địa bàn thành phố và các biển quảng cáo trên giải phân cách tại 12 quận huyện nội thành theo hình thức đối tác công tư, phù hợp trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn chế.
Khi đó, nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án sẽ tự thu xếp 100% kinh phí để đầu tư tất cả các hạng mục công trình. Sau đó kinh doanh quảng cáo một phần diện tích để thu hồi vốn, thời gian dự kiến thu hồi vốn là 20 năm.
Dự án có tổng vốn đầu tư là 999,8 tỷ đồng, có quy mô đầu tư, xây dựng và lắp đặt mới 600 nhà chờ xe buýt. Trong đó, 270 nhà chờ được lắp đặt mới và thay thế 330 nhà chờ hiện có theo lộ trình; lắp đặt 1.200 biển thông tin quảng cáo tại cách dải phân cách có bề rộng lớn hơn 2m; lắp 25 màn hình cảm ứng đồng bộ Wifi tại một số nhà chờ có vị trí thích hợp. Dự kiến, thời gian xây dựng ban đầu của dự án là 7 năm và thời gian hoạt động là 20 năm.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội khẳng định, mục tiêu của dự án nhằm xây dựng đồng bộ nhà chờ xe buýt trên địa bàn thành phố theo hướng hiện đại, đạt tiêu chuẩn châu Âu, đáp ứng yêu cầu về mỹ quan đô thị; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong đầu tư, quản lý hệ thống nhà chờ xe buýt trên địa bàn Thành phố, nhằm tăng cường tiếp cận của người dân đối với dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Đặc biệt, dự án góp phần sắp xếp bố trí lại hệ thống biển thông tin quảng cáo ngoài trời trên các dải phân cách một cách đồng bộ, khoa học, hiện đại và văn minh.