Đầu tư 6.944 tỷ đồng xây 33,8 km cao tốc An Hữu – Cao Lãnh

0:00 / 0:00
0:00
Cao tốc An Hữu – Cao Lãnh là tuyến xương sống trục ngang ĐBSCL, kết nối các tuyến trục dọc như: Quốc lộ 1, cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Bắc - Nam phía Tây.
Việc đầu tư xây dựng mới tuyến đường cao tốc An Hữu – Cao Lãnh góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, đáp ứng nhu cầu vận tải trên tuyến hành lang theo trục ngang chạy theo bờ Bắc sông Tiền để kết nối cửa khẩu quốc tế Dinh Bà (ĐồngTháp) với các các cảng biển khu duyên hải, khu kinh tế Định An.

Việc đầu tư xây dựng mới tuyến đường cao tốc An Hữu – Cao Lãnh góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, đáp ứng nhu cầu vận tải trên tuyến hành lang theo trục ngang chạy theo bờ Bắc sông Tiền để kết nối cửa khẩu quốc tế Dinh Bà (ĐồngTháp) với các các cảng biển khu duyên hải, khu kinh tế Định An.

Ban quản lý dự án Mỹ Thuận vừa có tờ trình số 2341/PMUMT-KHTH đề nghị Bộ GTVT xem xét thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc An Hữu – Cao Lãnh.

Dự án cao tốc An Hữu – Cao Lãnh có điểm đầu tại nút giao An Thái Trung, kết nối với đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận thuộc địa phận huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang; điểm cuối kết nối với đường tỉnh 856 tại Tp. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Tổng chiều dài tuyến khoảng 33,8 km, trong đó đoạn đi qua địa phận tỉnh Tiền Giang là 8,4 km và tỉnh Đồng Tháp là 25,4 km.

Theo quy hoạch, tuyến cao tốc An Hữu – Cao Lãnh có quy mô 4 làn xe cao tốc, mặt cắt ngang 24,75m, vận tốc thiết kế 100 km/h.

Để đảm bảo hiệu quả đầu tư, Dự án được phân kỳ theo 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 Dự án sẽ xây dựng với quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế, chiều rộng mặt cắt ngang 17m, vận tốc 80 km/h.

Tổng mức đầu tư Dự án giai đoạn 1 với quy mô mặt cắt ngang 17m (bao gồm lãi vay) là 6.944 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư Dự án nếu đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch là 9.508 tỷ đồng.

Ban quản lý dự án Mỹ Thuận kiến nghị Bộ GTVT triển khai Dự án cao tốc An Hữu – Cao Lãnh theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT với phần kinh phí hỗ trợ ngân sách Nhà nước chiếm 50% tổng mức đầu tư.

"Với kịch bản này, Dự án có thời gian hoàn vốn khoảng 27 năm và tỷ lệ vốn góp của Nhà nước tham gia phù hợp với quy định nên ít rủi ro về tài chính và dễ huy động vốn vay cho dự án, có khả năng hấp dẫn nhà đầu tư", ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận thông tin.

Với phương án này, phần vốn nhà nước tham gia Dự án là 3.472 tỷ đồng và thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; vốn nhà đầu tư huy động là 3.472 tỷ đồng, gồm vốn chủ sở hữu là 520,80 tỷ đồng (tương ứng mức tối thiểu 15% theo quy định của Luật PPP), vốn vay khoảng 2.950,20 tỷ đồng.

Để hoàn vốn, nhà đầu tư được thu phí với mức thu khởi điểm là 1.700 đồng/km/xe tiêu chuẩn và sẽ tăng từ 200 – 300 đồng/sau mỗi 3 năm. Dự kiến đến giai đoạn 2054 – 2056 – thời điểm kết thúc Dự án, mức phí sẽ lên tới 5.400 đồng/km/xe tiêu chuẩn.

Theo quy định của Luật PPP, ngoài nguồn vốn nhà nước tham gia dự án và vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư (tối thiểu 15%), nhà đầu tư cần huy động phần vốn còn lại từ nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng, tăng tỷ lệ tham gia vốn chủ sở hữu hoặc phát hành trái phiếu doanh nghiệp để thực hiện dự án.

Tuy nhiên, từ thực tế triển khai các dự án PPP thời gian qua cho thấy một trong những khó khăn, vướng mắc lớn nhất là nguồn huy động vốn vay để triển khai.

Hiện nay, bên cạnh việc huy động vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại, Luật PPP đã cho phép doanh nghiệp dự án được phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn. Tuy nhiên, đối với các dự án giao thông có thời gian thu hồi vốn dài nên việc huy động nguồn vốn để triển khai Dự án sẽ còn khó khăn.

Để tháo gỡ vướng mắc, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu như quy định tại Điều 82 Luật PPP.

Ban quản lý dự án Mỹ Thuận tính toán, nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, Dự án sẽ bắt đầu tuyển chọn nhà đầu tư vào tháng 9/2022, khởi công xây dựng vào tháng 5/2023 và hoàn thành giai đoạn 1 vào cuối năm 2025.

Được biết, Đại hội XIII của Đảng đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, với mục tiêu “Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông...”.

Trong khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc bao gồm tuyến cao tốc An Hữu – Cao Lãnh và tuyến này là một trong 3 tuyến cao tốc trục ngang trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tuyến cao tốc An Hữu – Cao Lãnh với vai trò là hành lang xương sống của trục ngang, khi được đầu tư thông tuyến và hoàn thiện sẽ kết nối các tuyến trục dọc như Quốc lộ 1, cao tốc Bắc - Nam phía Đông (cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau), cao tốc Bắc - Nam phía Tây (đường N2 -Mỹ An - Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi) tạo sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.

Do vậy, cần thiết đầu tư hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc An Hữu – Cao Lãnh là rất cần thiết nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo động lực, sức lan tỏa để phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và đất nước.

Tin bài liên quan