Đầu tư 3.904 tỷ đồng xây 2 đoạn đường Hồ Chí Minh qua Tây Nam Bộ

0:00 / 0:00
0:00
Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao – Vĩnh Thuận dài 51,82 km, trong đó đoạn qua Kiên Giang dài 45,22 km; đoạn qua Bạc Liêu dài 6,6 km.
Một đoạn Quốc lộ 63 qua Kiên Giang.

Một đoạn Quốc lộ 63 qua Kiên Giang.

Bộ GTVT vừa có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận để xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận gồm 2 phân đoạn. Trong đó, đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất có điểm đầu tại Km0+00 (khoảng Km88+540 – Quốc lộ 61) thuộc địa phận huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang; điểm cuối tại Km11+200 (khoảng Km77+250 – Quốc lộ 61) thuộc địa phận huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Tổng chiều dài đoạn tuyến khoảng 11,2 km.

Đoạn Gò Quao – Vĩnh Thuận có điểm đầu tại Km20+600 (khoảng Km67 – Quốc lộ 61) thuộc địa phận huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang; điểm cuối tại Km61+673 (khoảng Km65+100 – Quốc lộ 63) thuộc địa phận thị trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang. Chiều dài đoạn tuyến khoảng 40,62 km. Tổng chiều dài Dự án nghiên cứu là 51,82 km gồm đoạn qua tỉnh Kiên Giang dài 45,22 km; đoạn qua tỉnh Bạc Liêu dài 6,6 km.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận có quy mô đường cấp III, 4 làn xe.

Căn cứ số liệu tính toán dự báo nhu cầu vận tải trên tuyến; căn cứ vào nguồn vốn được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, sau khi tính toán sơ bộ, Bộ GTVT kiến nghị đầu tư mặt cắt ngang quy mô đường cấp III đồng bằng, 2 làn xe, bề rộng nền đường 12m, mặt đường rộng 11m, vận tốc thiết kế 80 km/h.

Dự án dự kiến xây dựng 26 cầu, trong đó có 3 cầu lớn vượt sông lớn: cầu Cái Lớn, cầu Bần Ổi và cầu Bến Luông.

Sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án khoảng 3.904,66 tỷ đồng, bao gồm chi phí xây dựng và thiết bị là 2.703,35 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư là 522,59 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác là 229,79 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 448,93 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện Dự án là vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 đã được bố trí cho Bộ GTVT.

Theo Bộ GTVT, tổng mức đầu tư của dự án phù hợp với mức vốn dự kiến phân bổ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSNN giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ, Quốc hội, đảm bảo khả năng cân đối vốn trong tổng mức kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ thông báo. Sau khi chủ trương đầu tư dự án được phê duyệt, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thủ tục điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 của Bộ GTVT để bố trí cho dự án làm cơ sở triển khai thực hiện.

Do tính chất quan trọng của Dự án và thực hiện Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội, Bộ GTVT và các địa phương sẽ triển khai ngay các thủ tục theo quy định, để sớm khởi công dự án và dự kiến tiến độ triển khai như sau: chuẩn bị dự án vào năm 2022; GPMB, tái định cư từ năm 2022 - 2023 phấn đấu cơ bản đạt 90% - 95%; thi công xây dựng công trình từ năm 2023 và hoàn thành năm 2025.

Theo Bộ GTVT, việc sớm đầu tư tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận thuộc địa bàn hai tỉnh Kiên Giang và Bạc Liêu cùng với các tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau và Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu được đầu tư trong tương lai sẽ đa dạng hóa các phương thức vận tải, góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, hành khách, giảm thời gian vận chuyển, đảm bảo an toàn giao thông, khai thác tiềm năng lợi thế và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, góp phần từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông trong khu vực.

Bên cạnh đó, việc đầu tư tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận sẽ góp phần nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh theo yêu cầu tại các Nghị quyết của Quốc hội, hình thành tuyến đường đi qua các khu vực còn khó khăn, đa số là đồng bào dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của khu vực rộng lớn nuôi trồng nông sản, hải sản; thay thế các phà hiện hữu.

Đây cũng là tuyến đường ngắn nhất kết nối Quốc lộ 61 với các trung tâm Rạch Giá, Vị Thanh và Quốc lộ 63 đi Vĩnh Thuận, Bạc Liêu và Cà Mau; đồng bộ và nâng cao năng lực vận hành khai thác trên Quốc lộ 61 hiện hữu, chia sẻ lưu lượng xe cho các tuyến đường khác trong khu vực và góp phần giảm tai nạn giao thông; tăng năng lực cạnh tranh và tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp, đô thị, du lịch, dịch vụ của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tin bài liên quan