Ảnh minh họa
Theo thông tin của baodautu.vn, Bộ GTVT vừa có tờ trình số 2646/TTr – BGTVT Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1).
Tờ trình và Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đã được Bộ GTVT tiếp thu các ý kiến góp ý của Hội đồng thẩm định Nhà nước.
Điểm đầu Dự án tại nút giao giữa Quốc lộ 26B và Quốc lộ 1, khu vực cảng Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hòa; điểm cuối tại vị trí giao cắt tại khoảng Km12+450 đường Hồ Chí Minh tránh phía đông TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk với tổng chiều dài khoảng 117,5 km.
Căn cứ nhu cầu vận tải, khả năng cân đối nguồn lực, để đảm bảo hiệu quả đầu tư, Bộ GTVT kiến nghị phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe, trong đó đoạn Km0+000 - Km7+700 (nút giao cao tốc Bắc - Nam phía Đông) là 4 làn xe hoàn thiện, mặt cắt ngang 24,75m; đoạn Km7+700 - Km117+500 (cuối tuyến) là 4 làn xe phân kỳ, mặt cắt ngang 17m; các vị trí công trình hầm, một số cầu qua địa hình khó khăn, yếu tố kỹ thuật phức tạp và các đoạn nền đường đào sâu, đắp cao theo quy mô hoàn thiện.
Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 938,54 ha, giải phóng mặt bằng hoàn chỉnh theo quy mô quy hoạch 4 làn xe.
Theo tính toán, tổng mức đầu tư Dự án là 21.935 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021 – 2025 bố trí khoảng 13.250 tỷ đồng, gồm 6.539 tỷ đồng trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT; 2.320 tỷ đồng dự kiến từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; 4.391 tỷ đồng từ Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT sau khi rà soát, điều chỉnh từ các dự án giảm nhu cầu và nguồn thu được từ nhượng quyền khai thác các đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020; giai đoạn 2026 – 2030 là khoảng 8.685 tỷ đồng.
Dự án sẽ được chuẩn bị đầu tư trong năm 2022; giải phóng mặt bằng trong năm 2022 - 2024; khởi công năm 2023 và cơ bản hoàn thành năm 2026.
Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột có đoạn giữa đi qua vùng có địa hình hiểm trở, nhiều núi cao, độ dốc dọc lớn cần phải xây dựng 3 vị trí hầm và nhiều vị trí cầu có trụ rất cao.
Dựa trên nguyên tắc và đặc điểm dự án, Bộ GTVT dự kiến chia Dự án thành 3 dự án thành phần. Trong đó, Dự án thành phần 1 (Km0+000 - Km32+000) với chiều dài khoảng 32km thuộc tỉnh Khánh Hòa, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.632 tỷ đồng. Dự án thành phần 2 (Km32+000 - Km69+500) với chiều dài khoảng 37,5km thuộc 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 9.818 tỷ đồng. Dự án thành phần 3 (Km69+500 - Km117+866) với chiều dài khoảng 48,5km thuộc tỉnh Đắk Lắk, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6.485 tỷ đồng.
Tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT, trong Quý I năm 2022 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc phân cấp cho UBND cấp tỉnh của địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý và có văn bản đề xuất làm cơ quan chủ quản thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc theo hình thức đầu tư công đi qua địa bàn thuộc Chương trình (trừ Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản thống nhất quản lý) trên cơ sở đã sử dụng tối đa năng lực của Bộ GTVT.
Vì vậy, sau khi chủ trương đầu tư dự án được Quốc hội thông qua, căn cứ năng lực, kinh nghiệm quản lý của các địa phương và trên cơ sở sử dụng tối đa năng lực của Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định đơn vị chủ quản thực hiện các dự án thành phần theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bộ GTVT là cơ quan chuyên môn về xây dựng, chủ trì thẩm định thiết kế cơ sở và đóng vai trò là cơ quan rà soát, điều phối bảo đảm giữa các dự án thành phần thống nhất về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật, khớp nối và không vượt tổng mức đầu tư của Dự án. Đồng thời, là cơ quan chủ trì tổng hợp trình điều chỉnh chủ trương đầu tư (nếu có) và tổng hợp báo cáo Quốc hội hàng năm.
Về cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện Dự án, Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định việc áp dụng cơ chế đặc thù quy định tại Điều 5 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; về chuyển mục đích sử dụng rừng.
Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.
Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định, quyết định đầu tư căn cứ quy mô của từng dự án thành phần theo quy định của pháp luật về đầu tư công.