Giới đầu tư có phiên giao dịch cuối tuần đầy thất vọng do ảnh hưởng của giá dầu và đồng nhân dân tệ (Ảnh minh họa: AFP)

Giới đầu tư có phiên giao dịch cuối tuần đầy thất vọng do ảnh hưởng của giá dầu và đồng nhân dân tệ (Ảnh minh họa: AFP)

Dầu thô và nhân dân tệ “hạ gục” chứng khoán

(ĐTCK) Giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh xuống mức thấp 7 năm và đồng nhân dân tệ xuống mức thấp nhất 4 năm rưỡi đã khiến chứng khoán toàn cầu trượt dốc theo trong phiên cuối tuần.

Trong phiên giao dịch cuối tuần, dự báo về nhu cầu yếu trong năm 2016, trong khi OPEC không có dấu hiệu dừng lại trong sản xuất khiến giá dầu giảm 4% trong phiên cuối tuần, kéo theo nhóm cổ phiếu năng lượng đồng loạt lao dốc, ảnh hưởng tiêu cực tới phố Wall.

Ngoài ra, phố Wall còn đang bị ám ảnh bởi nỗi lo Fed tăng lãi suất trong cuộc họp tuần tới, nên hiệu ứng giá dầu thêm nặng nề.  Không những thế, việc đồng nhân dân tệ của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất 4 năm rưỡi càng khiến cho nỗi lo về việc Fed tăng lãi suất sẽ khiến nền kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng xấu hơn dự đoán cũng góp phần đẩy các chỉ số chính của phố Wall giảm mạnh trong phiên cuối tuần và khiến chỉ số S&P 500 có tuần giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 8.

Kết thúc phiên 11/12, chỉ số Dow Jones giảm 309,54 điểm (-1,76%), xuống 17.265,21 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 39,86 điểm (-1,94%), xuống 2.012,37 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 111,71 điểm (-2,21%), xuống 4.933,47 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 3,26%, chỉ số  S&P 500 giảm 3,79% và Nasdaq giảm tới 4,06%.

Cũng giống phố Wall, việc giá dầu thô và đồng nhân dân tệ giảm mạnh đã khiến chứng khoán châu Âu lao dốc trong phiên cuối tuần.

Trong khi giá dầu thô giảm ảnh hưởng nặng nề tới nhóm cổ phiếu năng lượng, thì việc đồng nhân dân tệ giảm xuống mức thấp nhất 4 năm rưỡi khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu của châu Âu lao đao. Không chỉ các doanh nghiệp, mà cả nền kinh tế đang yếu ớt của châu Âu cũng sẽ bị tổn thương nặng, bởi Trung Quốc là một trong những thị trường lớn nhất của các doanh nghiệp châu Âu.

Kết thúc phiên 11/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 135,27 điểm (-2,22%), xuống 5.952,78 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 258,87 điểm (-2,44%), xuống 10.340,06 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 85,5 điểm (-1,84%), xuống 4.549,56 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 5,14%, chỉ số DAX giảm 3,83% và chỉ số CAC 40 cũng giảm tới 3,50%.

Trái ngược với chứng khoán toàn cầu, chứng khoán Nhật Bản lại hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần sau 4 phiên giảm liên tiếp trước đó. Chỉ số Nikkei 225 hồi phục nhờ phiên giao dịch tích cực trên phố Wall trước đó và đồng yên giảm trở lại, tạo thuận lợi cho nền kinh tế có thể mạnh về xuất khẩu này.

Trong khi đó, lo ngại về các dữ liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc đại lục, chứng khoán Hồng Kông tiếp tục giảm trong phiên cuối tuần và xuống mức thấp nhất 2 tháng. Tương tự, chứng khoán Trung Quốc cũng tiếp tụccó phiên giảm điểm cuối tuần với những lo ngại về dữ liệu nền kinh tế và ảnh hưởng bởi thông tin lãnh đọa tập đoàn mất tích.

Cụ thể, vào cuối ngày thứ Năm, Tạp chí Financial magazine Caixin dẫn một nguồn tin dấu tên cho biết, tỷ phú Guo Guangchang, người sáng lập tập đoàn Fosun Group đã không thể liên lạc được. Điều này làm dấy lên lo ngại về khả năng Guo trở thành đối tượng mới trong cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc. Dù các công ty thuộc Fosun Group đã bị tạm ngừng giao dịch trong phiên thứ Sáu, nhưng thông tin trên vẫn ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường chung.

Kết thúc phiên 11/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 183,93 điểm (+0,97%), lên 19.230,48 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 240,56 điểm (-1,11%), xuống 21.464,05 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 20,91 điểm (-0,61%), xuống 3.434,58 điểm.

Phiên hồi phục cuối tuần không cứu được Nikkei 225 thoát khỏi tuần giảm tiếp theo, mà chỉ đủ sức giúp chỉ số này giảm bớt mất mát. Cụ thể, trong tuần chỉ số Nikkei 225 giảm 1,4%, trong khi đó, chỉ số Hang Seng giảm tới 3,47% và chỉ số Shanghai Composite cũng giảm 2,56%, trả lại gần hết những gì đã có trong tuần trước (tuần trước tăng 2,58%).

Trên thị trường vàng, việc giá dầu thô lao dốc đã kéo giá kim loại quý này giảm trong phiên châu Á và châu Âu. Tuy nhiên, bước vào phiên giao dịch Mỹ, nhờ đồng USD giảm đã giúp giá vàng hồi phục trở lại và đóng cửa với phiên tăng nhẹ. Dù vậy, những phiên tăng nhẹ đã không bù đắp được 2 phiên giảm đầu tuần và khiến giá kim loại quý này giảm trở lại trong tuần sau khi hồi phục tích cực tuần trước.

Kết thúc phiên 11/12, giá vàng giao ngay tăng 2,7 USD (+0,25%), lên 1.074,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2016 tăng 1,7 USD (+0,16%), lên 1.073,7 USD/ounce. Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 1,11%, giá vàng giao tháng 2/2016 giảm 1,11%.

Tuần này, trong số 450 người tham gia cuộc khảo sát trực tuyến của Kitco, chỉ có 116 người, tương đương 26% lạc quan về giá vàng tuần tới, trong khi có 299 người, tương đương 66% dự đoán giá vàng sẽ giảm và 35 người, chiếm 8% giữ quan điểm trung tính.

Còn theo cuộc khảo sát của các chuyên gia. Trong số 18/36 người được hỏi trả lời, có 9 người, tương đương 50% kỳ vọng giá vàng sẽ tăng trở lại trong tuần tới, 5 chuyên gia, chiếm 33% dự đoán giá vàng sẽ giảm và 3 người, chiếm 17% giữ quan điểm trung lập.

Tuần tới, mọi sự tập trung sẽ dồn vào cuộc họp của Fed với khả năng cơ quan này tăng lãi suất đã tăng lên tới 80%. Mức tăng dự đoán là 25 điểm cơ sở. Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn chờ đợi tuyên bố của Chủ tịch Fed, Jannet Yellen trong cuộc họp báo sau cuộc họp.

Trong bài phát biểu trước đây, Yellen có đề cập đến khả năng tăng lãi suất, nhưng Fed sẽ tăng một cách từ từ.

“Có thể giá vàng sẽ có sự phục hồi nhẹ trong tuần ngay sau khi Fed có quyết định tăng lãi suất, đặc biệt là nếu mức tăng chỉ là 25 điểm cơ sở và kèm theo những lời nhẹ nhàng về việc thận trọng tăng lãi suất trong thời gian tiếp theo”, Adrian Day, Chủ tịch Adrian Day Asset Management cho biết.

Tương tự, Ole Hansen, Chiến lược gia trưởng Bộ phận hàng hóa của Saxo Bank cho biết, ông hy vọng sẽ nhìn thấy giá vàng tăng trong tuần tới khi cuộc họp của Fed sẽ tạo ra một số lực chốt lời đồng USD và nó sẽ là yếu tố lớn nhất hỗ trợ cho giá vàng. Hannsen dự đoán giá vàng sẽ được đẩy lên mức 1.100 USD/ounce.

Đồng quan điểm, Ken Morrison, biên tập viên của bản tin Morrison trên The Markets cũng hy vọng sẽ thấy giá vàng hồi phục trở lại nhờ đồng USD giảm, nhưng mức giá mục tiêu mà Morrison đưa ra thấp hơn Hannsen một chút, ở mức 1.095 USD/ounce.

Trong khi đó, Chris Beauchamp, chiến lược gia thị trường tại IG cho rằng, ông lạc quan về việc giá vàng có thể đi lên trong ngắn hạn, nhưng cũng cảnh báo rằng, các nhà đầu tư cần phải chú ý đến giá dầu, bởi giá dầu thô lao dốc có thể kéo giá các loại hàng hóa khác giảm theo. Về phương diện kỹ thuật, ông cho biết, giá vàng sẽ có mức hỗ trợ mạnh tại 1.050 USD/ounce và nếu phá vỡ mốc này, giá kim loại quý sẽ thử thách mức 1.030 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ năm 2008.

Trên thị trường dầu thô, Cơ quan năng lượng Mỹ (EIA) vừa cho biết, nhu cầu dầu mỏ thế giới trong năm 2016 vẫn sẽ yếu, trong khi nguồn cung vẫn rất lớn, nhất là OPEC không có dấu hiệu giảm sản lượng sản xuất, càng khiến cho tình trạng dư cung càng trở nên trầm trọng. Sau báo cáo này, giá dầu thô đã đồng loạt lao dốc với giá dầu thô Mỹ giảm hơn 3%, trong khi giá dầu thô Brent cũng mất gần 5%, xuống mức thấp nhất 7 năm và chứng kiến tuần lao dốc mạnh khi mất hơn 10%.

Kết thúc phiên 11/12, giá dầu thô Mỹ giảm 1,14 USD/thùng (-3,2%), xuống 35,62 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,80 USD (-4,75%), xuống 37,93 USD/thùng.

Trong tuần, giá dầu thô Mỹ giảm tới 10,88% sau khi đã mất 4,17% tuần trước, giá dầu thô Brent thậm chí giảm mạnh hớn với 11,79% sau khi mất 4,15% tuần trước.

Tin bài liên quan