Sau phiên nghỉ ngày lễ Tạ ơn hôm thứ Năm (22/11), phố Wall chỉ giao dịch trong phiên sáng của ngày thứ Sáu - ngày Black Friday. Đây là ngày kích thích mua sắm với hàng loạt loại hàng hóa được siêu giảm giá, nhưng nhiều nhà đầu tư không kỳ vọng nó xảy ra với thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, trong phiên cuối tuần, cả 3 chỉ số chứng khoán chính của phố Wall đều đồng loạt giảm điểm do cổ phiếu năng lượng lao dốc theo giá dầu thô. Phiên giảm điểm này khiến S&P lại trở lại đà mất điểm trong năm 2018 và cũng khiến phố Wall có tuần giảm thứ 2 liên tiếp với mức giảm rất mạnh.
Ngoài bị ảnh hưởng bởi giá dầu thô, phố Wall còn chịu ảnh hưởng tiêu cực trước dấu hiệu đà tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu và tương lai mịt mờ của cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung.
Kết thúc phiên 23/11, chỉ số Dow Jones giảm 178,74 điểm (-0,73%), xuống 24.285,95 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 17,37 điểm (-0,66%), xuống 2.632,56 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 33,27 điểm (-0,48%), xuống 6.938,98 điểm.
Trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 4,44%, chỉ số S&P 500 giảm 3,79% và Nasdaq giảm 4,26%.
Sau khi giảm khá mạnh trong phiên thứ Năm, chứng khoán châu Âu đã hồi phục nhẹ trở lại trong phiên cuối tuần nhờ sự phục hồi của nhóm cổ phiếu công nghệ và ngân hàng. Tuy nhiên, đà tăng chỉ khiêm tốn khi nhà đầu tư vẫn lo ngại về tăng trưởng kinh tế chậm lại và triển vọng kém sáng sủa của cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung.
Dữ liệu mới công bố cũng cho thấy động kinh doanh của khu vực đồng tiền chung yếu, làm dấy lên những lo ngại về triển vọng tăng trưởng của khu vực. Cụ thể, kinh tế Đức, nền kinh tế lớn nhất trong khối giảm quý đầu tư từ năm 2015 trong quý III do xuất khẩu yếu.
Kết thúc phiên 23/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 7,46 điểm (-0,11%), xuống 6.952,86 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 54,20 điểm (+0,49%), lên 11.192,69 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 8,82 điểm (+0,18%), lên 4.946,95 điểm.
Lo ngại về kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không có đường ra, chứng khoán châu Âu có tuần giảm thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 0,87%, chỉ số DAX giảm 1,31% và CAC40 giảm 1,56%.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản nghỉ ngày lễ lao động, thì chứng khoán Trung Quốc lao dốc với phiên giảm mạnh nhất 5 tuần do lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế, cũng như triển vọng không mấy khả quan về cuộc đàm phán thương mại Trung - Mỹ. Chứng khoán Trung Quốc giảm đã kéo theo chứng khoán Hồng Kông cũng đóng cửa phiên cuối tuần trong sắc đỏ.
Kết thúc phiên 23/11, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 65,95 điểm (-2,49%), xuống 2.579,48 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 91,73 điểm (-0,35%), xuống 25.927,68 điểm.
Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,80%, tuần giảm thứ 2 liên tiếp. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông quay đầu điều chỉnh sau tuần tăng mạnh trước đó, trong đó chỉ số Hang Seng giảm 0,98%, trong khi Shanghai Composite giảm tới 3,72%, trả hết cả vốn lẫn lãi có được trong tuần trước đó.
Giá vàng đảo chiều giảm trở lại trong phiên cuối tuần, dù mức giảm không quá mạnh, chủ yếu giá kim loại quý này đi ngang khi nhà đầu tư chủ yếu đang tận hưởng những ngày nghỉ lễ.
Kết thúc phiên 23/11, giá vàng giao ngay giảm 3,3 USD (-0,27%), xuống 1.222,3 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 4,6 USD/ounce (-0,37%), xuống 1.223,4 USD/ounce.
Giá vàng có tuần tăng thứ 2 liên tiếp, nhưng mức tăng không đáng kể. Cụ thể, trong tuần giá vàng giao ngay tăng 0,10% và giá vàng tương lai tăng 0,11%.
Dù không bằng tuần trước đó, nhưng cả giới đầu tư và phân tích tiếp tục đặt kỳ vọng vào đà tăng của giá vàng trong tuần mới.
Cụ thể, theo khảo sát, trong 16 chuyên gia trả lời cuộc khảo sát tuần này, có 8 người, chiếm 50% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần mới, thấp hơn con số 60% trong tuần trước, trong khi đó có 3 người, chiếm 19% dự báo giá vàng giảm, thấp hơn chút ít so với con số 20% của tuần trước và 5 người dự báo giá vàng sẽ đi ngang, chiếm 31%.
Trong khi đó, trong 524 người tham gia cuộc khỏa sát trực tuyến, có 310 người, chiếm 59% dự báo giá vàng sẽ tăng, thấp hơn chút ít so với con số 60% của tuần trước; 122 lượt, chiếm 23% dự báo giá vàng sẽ giảm, thấp hơn con số 26% của tuần trước và 92 lượt người, chiếm 18% dự báo giá vàng đi ngang.
Trong khi đó, dù không thuộc nhóm hàng siêu khuyến mãi để kích cầu trong này Black Friday, nhưng giá dầu thô cũng lao dốc mạnh trong phiên cuối tuần, xuống mức thấp nhất 1 năm do giới đầu tư lo ngại về dư cung, bất chấp OPEC và các đối tác lên tiếng về việc giảm sản lượng.
Sản lượng khai thác dầu thô của Mỹ liên tục tăng với mức tăng mạnh hơn so với nhu cầu. Trong khi đó, cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ không có kỳ vọng có lối ra có khả năng khiến nhu cầu dầu thô giảm xuống.
Kết thúc phiên 23/11, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ giảm 4,21 USD (-8,35%), xuống 50,42 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 4,68 USD (-7,96%), xuống 58,80 USD/thùng.
Chuỗi tuần giảm của giá dầu thô tiếp tục kéo dài lên con số 7, thậm chí đà giảm trong tuần qua còn mạnh hơn nhiều các tuần trước đó. Cụ thể, trong tuần, giá dầu thô Mỹ tiếp tục giảm 10,70% và giá dầu thô Brent giảm 11,92%.