Trong phiên giao dịch đầu tuần mới, việc Iraq tăng xuất khẩu và kho dự trữ của Mỹ tăng làm giảm tác động thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC và một số nước sản xuất lớn khác, khiến giá dầu thô lao dốc.
Việc giá dầu thô giảm mạnh đã kéo theo nhóm cổ phiếu năng lượng giảm theo với chỉ số S&P năng lượng giảm 1,5%.
Ngoài nhóm cổ phiếu năng lượng, nhóm cổ phiếu tài chính, ngân hàng cũng bị chốt lời khi để chờ đợi mùa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2016 và lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump vào ngày 20/1 tới.
Sự sụt giảm của 2 nhóm cổ phiếu chủ chốt này đã khiến Dow Jones và S&P 500 quay đầu giảm điểm sau phiên tăng trước đó và một lần nữa Dow Jones lỡ hẹn với mốc 20.000 điểm. Trong khi đó, nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu y tế, chỉ số Nasdaq vẫn duy trì đà tăng và thiết lập mức cao kỷ lục mới.
Kết thúc phiên 9/1, chỉ số Dow Jones giảm 76,42 điểm (-0,38%), xuống 19.887,38 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 8,08 điểm (-0,35%), xuống 2.268,90 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 10,76 điểm (+0,19%), lên 5.531,82 điểm.
Cũng giống phố Wall, nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh đã kéo các chỉ số chính của khu vực châu Âu giảm điểm trong phiên đầu tuần mới, ngoại trừ chứng khoán Anh duy trì phiên tăng thứ 10 liên tiếp nhờ đồng bảng Anh xuống thấp nhất 2 tháng.
Kết thúc phiên 9/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 27,72 điểm (+0,38%), lên 7.237,77 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 35,02 điểm (-0,30%), xuống 11.563,99 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 22,27 điểm (-0,45%), xuống 4.887,57 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch phiên đầu tuần mới, thì chứng khoán Hồng Kông lại tiếp tục duy trì đà tăng, chứng khoán Trung Quốc địa lục cũng hồi phục mạnh trở lại sau phiên điều chỉnh cuối tuần trước. Chứng khoán Hồng Kông lúc đầu có đà tăng rất tốt nhờ nhóm cổ phiếu tiện ích và dịch vụ, nhưng đà tăng về cuối phiên bị hãm lại do áp lực chốt lời sau chuỗi tăng 2 tuần. Chứng khoán Trung Quốc cũng đảo chiều tăng sau thông tin về kế hoạch thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Kết thúc phiên 9/1, Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 55,68 điểm (+0,25%), lên 22.558,69 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 16,95 điểm (+0,54%), lên 3.171,24 điểm. Chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch.
Trong khi chứng khoán và dầu thô giảm, thì giá vàng lại phục hồi và có phiên tăng tốt trong ngày thứ Hai nhờ đồng USD quay đầu giảm trở lại sau phiên phục hồi tốt cuối tuần qua.
Kết thúc phiên 9/1, giá vàng giao ngay tăng 8,6 USD (+0,73%), lên 1.180,80 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2017 tăng 12 USD (+1,02%), lên 1.184,9 USD/ounce.
Bất chấp nhận được thông tin hỗ trợ về việc Ả Rập Xê út và Nga thực hiện thảo thuận cắt giảm sản lượng, nhưng giá dầu thô vẫn lao dốc mạnh gần 4% trong phiên đầu tuần mới. Giá dầu thô giảm mạnh do giới đầu tư phản ứng với thông tin xuất khẩu dầu thô của Iraq đặt mức kỷ lục 3,51 triệu thùng/ngày trong tháng 12/2016. Ngoài ra, lo lắng về sản lượng dầu của Mỹ tăng lên, cũng khiến làm giảm những nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC và các nước sản xuất lớn khác như Nga.
Kết thúc phiên 9/1, giá dầu thô Mỹ giảm 2,03 USD/thùng (-3,91%), xuống 51,96 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,16 USD (-3,93%), xuống 54,94 USD/thùng.