Sau phiên hồi phục tốt trong phiên thứ Ba nhờ cổ phiếu công nghệ (với sự dẫn dắt của Amazon và Apple) và nhóm cổ phiếu năng lượng khi giá dầu tăng, phố Wall đã trả lại gần hết những gì đã có trong phiên thứ Tư.
Phố Wall giảm do tác động của nhóm cổ phiếu năng lượng khi giá dầu thô quay đầu giảm mạnh hơn 3%, xuống mức thấp nhất 11 năm.
Kết thúc phiên 30/12, chỉ số Dow Jones giảm 117,11 điểm (-0,66%), xuống 17.603,87 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 15 điểm (-0,72%), xuống 2.063,36 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 42,09 điểm (-0,82%), xuống 5.065,85 điểm.
Cũng như phố Wall, chứng khoán châu Âu cũng đảo chiều giảm trở lại trong phiên thứ Tư do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu hàng hóa, kim loại và năng lượng khi các loại hàng hóa này đồng loạt giảm mạnh trong phiên thứ Tư do ảnh hưởng chung từ việc giá dầu thô lao dốc.
Kết thúc phiên 30/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 40,52 điểm (-0,64%), xuống 6.274,05 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 117,13 điểm (-1,08%), xuống 10.743,01 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 24,22 điểm (-0,52%), xuống 4.677,14 điểm.
Trong khi đó, trên thị trường châu Á, phiên tăng mạnh trước đó của chứng khoán Âu, Mỹ giúp chứng khoán Nhật Bản có được mức tăng nhẹ trong phiên thứ Tư trước khi bước vào kỳ nghỉ Tết kéo dài.
Chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng tăng nhẹ trong phiên thứ Tư, trong khi chứng khoán Hồng Kông lại đảo chiều giảm do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu năng lượng và lo lắng về sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc,
Kết thúc phiên 30/12, chỉ số Nikke 225 tại Nhật Bản tăng 51,48 điểm (+0,27%), lên 19.033,71 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 117,47 điểm (-0,53%), xuống 21.882,15 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 9,14 điểm (+0,26%), lên 3.572,88 điểm.
Cũng giống chứng khoán, việc giá dầu thô giảm mạnh trong phiên thứ Tư đã khiến giá vàng giảm theo, xuống mức thấp nhất 2 tuần. Ngoài ra, đồng USD tăng trở lại cũng trở thành yếu tố đảy giá vàng thoái lui.
Kết thúc phiên 30/12, giá vàng giao ngay giảm 8,1 USD (-0,76%), xuống 1.060,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2016 giảm 8,2 USD (-0,77%), xuống 1.059,8 USD/ounce.
Sau phiên hồi phục ngày thứ Ba do thời tiết trở lạnh đột ngột, làm tăng nhu cầu sưởi ấm, giá dầu thô đã nhận ngay “gáo nước lạnh” trong phiên thứ Tư khi kho dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 2,6 triệu thùng trong tuần trước, sau khi bất ngờ giảm 3,6 triệu thùng trong tuần trước đó nữa. Trong khi kho dự trữ dầu thô của Mỹ gia tăng, thì Ả Rập Xê út, nước sản xuất dầu lớn nhất OPEC có dấu hiệu gia tăng sản lượng, khiến giá dầu quay đầu giảm mạnh trở lại. Trong đó, giá dầu thô Brent giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2004.
Kết thúc phiên 30/12, giá dầu thô Mỹ giảm 1,27 USD/thùng (-3,47%), xuống 36,60 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,33 USD (-3,65%), xuống 36,46 USD/thùng.