Sau 2 phiên giảm điểm liên tiếp, phố Wall đã đảo chiều tăng mạnh trở lại trong phiên thứ Tư nhờ nhóm cổ phiếu chăm sóc sức khỏe và cổ phiếu năng lượng khi giá dầu thô hồi phục gần 5%.
Kết thúc phiên 6/4, chỉ số Dow Jones tăng 112,73 điểm (+0,64%), lên 17.716,05 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 21,49 điểm (+1,05%), lên 2.066,66 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 76,78 điểm (+1,59%), lên 4.920,71 điểm.
Tương tự phố Wall, chứng khoán châu Âu cũng hồi phục mạnh trong phiên thứ Tư nhờ nhóm cổ phiếu chăm sóc sức khỏe và nhóm ngành bán lẻ với 2 đại diện chính là H&M và Shire.
Cổ phiếu của hãng bán lẻ quần áo lớn thứ hai thế giới (H&M) tăng 5,4% sau khi cho biết tác động của sức mạnh đồng USD đối với hoạt động của hãng đã giảm dần và có thể sẽ tích cực trong quý IV. Trong khi cổ phiếu Shire cũng tăng 5,2% với kế hoạch mua lại hãng dược Baxalta.
Kết thúc phiên 6/4, chỉ FTSE 100 tại Anh tăng 70,4 điểm (+1,16%), lên 6.161,63 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 61,15 điểm (+0,64%), lên 9.624,51 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Phát tăng 34,36 điểm (+0,81%), lên 4.284,64 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc đồng yên tăng mạnh lên mức cao nhất 17 tháng so với đồng USD khiến chứng khoán Nhật Bản có phiên giảm điểm thứ 7 liên tiếp, chuỗi giảm dài nhất kể từ khi bắt đầu chính sách “Abenomic”. Tuy nhiên, mức giảm trong phiên thứ Tư đã khiêm tốn hơn rất nhiều so với các phiên trước đó. Phiên giao dịch thứ Tư có thể báo hiệu đã giảm của chỉ số Nikkei 225 đã hết và thị trường chứng khoán Nhật Bản có thể đảo chiều tăng điểm trong 2 phiên cuối tuần.
Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông sau phiên giảm mạnh trước đó cũng đã đảo chiều thành công trong phiên thứ Tư nhờ nhóm cổ phiếu năng lượng khi giá dầu hồi phục mạnh. Tuy nhiên, đà tăng bị hạn chế do nhóm cổ phiếu tài chính giảm giá. Chứng khoán Trung Quốc đại lục đảo chiều giảm nhẹ sau khi có chuỗi phiên tăng ấn tượng trước đó bất chấp thông tin kinh tế lạc quan vừa công bố.
Cụ thể, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong tháng 3 của Trung Quốc tăng lên mức 52,2 từ mức 51,2 của tháng 2.
Kết thúc phiên 6/4, chỉ số Nikkei 225 giảm 17,46 điểm (-0,11%), xuống 15.715,36 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 44,29 điểm (+0,22%), lên 20.221,29 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 2,47 điểm (-0,08%), xuống 3.050,59 điểm.
Sự khởi sắc của chứng khoán và thông tin kinh tế tích cực từ Trung Quốc khiến cho sự hấp dẫn của vàng giảm đi và giá kim loại quý này nhanh chóng đảo chiều sau phiên tăng mạnh trước đó.
Kết thúc phiên 6/4, giá vàng giao ngay giảm 8,9 USD (-0,72%), xuống 1.222,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 5,8 USD (-0,47%), xuống 1.223,8 USD/ounce.
Giá dầu đã có phiên tăng ấn tượng gần 5% trong phiên thứ Tư, mức tăng mạnh nhất trong 3 tuần sau khi đón nhận tin vui bất ngờ. Cụ thể, theo thông tin từ Cơ quan năng lượng Mỹ (EIA), kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước bất ngờ giảm 4,9 triệu thùng do nhập khẩu giảm và tiêu thụ lớn của các nhà máy lọc dầu.
Thông tin vừa dưa ra trái ngược hoàn toàn với dự đoán trước đó của giới phân tích. Cụ thể, trong cuộc thăm dò của Reuters, các nhà phân tích dự đoán, kho dự trữ dầu thô của Mỹ sẽ tăng 3,2 triệu thùng để tuần thứ 8 liên tiếp thiết lập mức cao lịch sử.
Kết thúc phiên 6/4, giá dầu thô Mỹ tăng 1,86 USD (+4,93%), lên 37,75 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,97 USD (+4,94%), lên 39,84 USD/thùng.