Sau phiên phục hồi tốt đầu tuần sau khi nỗi lo Fed tăng lãi suất được xoa dịu, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng tiếp tục sẽ duy trì đà tăng để lấy lại hết phần còn lại của phiên bán tháo cuối tuần trước. Tuy nhiên, việc giá dầu thô lao dốc khi Cơ quan Năng lượng quốc tế và cả OPEC đưa ra báo cáo cho thấy khả năng dư thừa nguồn cung lớn đã kéo phố Wall lao dốc trở lại, trả lại hết những gì đã cố gắng lấy lại trong phiên đầu tuần.
Ngoài ra, triển vọng tăng lãi suất của Fed thấp đi ảnh hưởng tiêu cực tới nhóm cổ phiếu tài chính, ngân hàng, cũng góp phần khiến phố Wall giảm mạnh.
Kết thúc phiên 13/9, chỉ số Dow Jones giảm 258,22 điểm (-1,41%), xuống 18.066,75 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 32,02 điểm (-1,48%), xuống 2.127,02 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 56,63 điểm (-1,09%), xuống 5.155,25 điểm.
Chứng khoán châu Âu hồi phục nhẹ trở lại khi mở đầu phiên giao dịch thứ Ba sau khi lo lắng về khả năng Fed tăng lãi suất được xoa dịu bởi phát biểu của bà Lael Brainard, Giám đốc điều hành Fed rằng, Fed không nên loại bỏ chương trình hỗ trợ kinh tế quá nhanh.
Tuy nhiên, chứng khoán khu vực này đã đảo chiều giảm mạnh trở lại sau khi thị trường Mỹ mở cửa trong sắc đỏ bao trùm và ảnh hưởng của giá dầu thô lao dốc.
Ngoài ra, việc Ý giảm dự báo tăng trưởng kinh tế cũng ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán “lục địa già”, khiến chứng khoán khu vực có phiên giảm thứ 4 liên tiếp.
Kết thúc phiên 13/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 35,27 điểm (-0,53%), xuống 6.665,63 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 45,17 điểm (-0,43%), xuống 10.386,6 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 52,62 điểm (-1,19%), xuống 4.387,18 điểm.
Trên thị chứng khoán châu Á, sau phiên bán tháo mạnh trước đó, giới đầu tư đã lấy lại trấn tĩnh sau khi phố Wall phục hồi mạnh trong phiên đầu tuần. Tuy nhiên, đà tăng của Nikkei 225 sau đó bị hãm lại khi đồng yên vững chắc so với đồng USD. Tương tự, chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng chỉ còn giữ lại được sắc xanh nhạt khi chốt phiên. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông lại không thể giữ được sắc xanh khi chốt phiên.
Kết thúc phiên 13/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 56,12 điểm (+0,34%), lên 16.729,04 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 74,84 điểm (-0,32%), xuống 23.215,76 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 1,53 điểm (+0,05%), lên 3.023,51 điểm.
Chưa kịp vui sau phiên hồi phục hôm thứ Hai do đồng USD giảm, giá dầu thô đã nhận thông tin tiêu cực và quay đầu lao dốc trong phiên thứ Ba.
Theo đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo, nguồn cung dầu mỏ toàn cầu sẽ vượt nhu cầu trong năm tới. Cụ thể, IEA giữ nguyên mức dự báo nhu cầu trong năm 2017 là 1,2 triệu thùng/ngày như trong dự báo đưa ra hồi tháng 6, trong khi giảm dự báo nhu cầu năm 2016 xuống 1,3 triệu thùng/ngày, từ mức 1,4 triệu thùng/ngày đưa ra trước đó.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo vào thứ ba cung cấp toàn cầu sẽ vượt nhu cầu trong năm tới, đánh dấu một về mặt từ đánh giá của mình chỉ với một tháng trước đó trên thị trường về cơ bản sẽ cho thấy không có thặng dư cho phần còn lại của năm nay.
Tương tự, báo cáo hàng tháng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho thấy, các nhà sản xuất lớn ngoài OPEC đang tăng sản lượng khai thác, làm gia tăng khả năng dư cung trong năm 2017.
Kết thúc phiên 13/9, giá dầu thô Mỹ giảm 1,39 USD/thùng (-3,10%), xuống 44,90 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,22 USD (-2,59%), xuống 47,10 USD/thùng.
Không chỉ chứng khoán và dầu thô, giá vàng cũng giảm khá mạnh trong phiên thứ Ba, dù lúc đầu cũng nỗ lực phục hồi do lực cầu bắt đáy. Giá vàng quay đầu giảm mạnh trong phiên Mỹ do chịu tác động từ “các yếu tố bên ngoài” như giá dầu thô và chứng khoán giảm mạnh, cũng như đồng USD hồi phục trở lại, lên mức cao nhất 1 tuần sau phiên giảm trước đó.
Kết thúc phiên 13/9, giá vàng giao ngay giảm 9,0 USD (-0,68%), xuống 1.318,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 1,9 USD (-0,13%), xuống 1.323,7 USD/ounce.