Sau khi giảm xuống mức thấp nhất nhiều năm, giá dầu thô đã phục hồi trở lại trong 2 phiên liên tiếp vừa qua. Sự phục hồi của “vàng đen” giúp nhóm cổ phiếu năng lượng tăng trở lại và qua đó giúp phố Wall có phiên tăng điểm khá mạnh trong ngày thứ Ba.
Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn thận trọng để chờ đợi cuộc họp của Fed sẽ kết thúc vào thứ Tư (theo giờ Mỹ).
Theo dữ liệu vừa được công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 của Mỹ tăng 0,5% so với cùng kỳ, nhưng CPI lõi (không bao gồm thực phẩm và năng lượng) đã tăng 2%. Cả 2 con số vừa công bố cao hơn chút ít so với dự đoán, cho thấy kinh tế Mỹ bắt đầu đối mặt với lạm phát.
Với chỉ số CPI vừa công bố, kết hợp với các dữ liệu kinh tế Mỹ đầy lạc quan vừa được công bố trong thời gian gần đây, giới phân tích đánh giá, 80% Fed sẽ đưa ra quyết định tăng lãi suất trong cuộc họp lần này với mức tăng 25 điểm cơ sở, từ 0-0,25%/năm hiện nay lên 0,25-0,5%/năm.
Kết thúc phiên 15/12, chỉ số Dow Jones tăng 156,41 điểm (+0,9%), lên 17.524,91 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 21,47 điểm (+1,06%), lên 2.043,41 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 43,13 điểm (+0,87%), lên 4.995,36 điểm.
Tương tự phố Wall, việc giá dầu thô phục hồi mạnh từ mức thấp nhất từ cuối 2008 đã giúp nhóm cổ phiếu năng lượng trên thị trường chứng khoán châu Âu hồi phục mạnh. Chỉ số STOXX Europe 600 Oil and Gas tăng tới 3,9%, mạnh nhất trong các chỉ số thành phần.
Ngoài nhóm cổ phiếu năng lượng, chứng khoán châu Âu cũng nhận được sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu khai mỏ với thông tin Ủy ban châu Âu đề nghị đưa thép dẹt cán nguộn nhập khẩu của Trung Quốc và Nga vào theo dõi từ ngày 13/12/2015 để điều tra xem các sản phẩm này có bán phá giá hay không.
Bên cạnh đó, việc Fed dự định tăng lãi suất trong cuộc họp sẽ kết thúc vào ngày thứ Tư cũng khiến đồng euro giảm so với đồng USD và qua đó hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu của châu Âu nói riêng và cả nền kinh tế eurozone nói chung cũng góp phần giúp chứng khoán châu Âu bay cao trong phiên đầu tuần.
Kết thúc phiên 15/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 143,73 điểm (+2,45%), lên 6.017,79 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 311,04 điểm (+3,07%), lên 10.450,38 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 141,33 điểm (+3,16%), lên 4.614,40 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, lo ngại về giá dầu sụt giảm sâu và Fed tăng lãi suất, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục giảm và lùi về mức thấp nhất 7 tuần rưỡi. Chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc cũng đóng cửa trong sắc đỏ trong phiên đầu tuần, nhưng mức giảm thấp hơn rất nhiều.
Kết thúc phiên 15/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 317,52 điểm (-1,68%), xuống 18.565,9 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 35,48 điểm (-0,17%), xuống 21.274,37 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 10,31 điểm (-0,29%), xuống 3.510,35 điểm.
Trong khi chứng khoán khởi sắc, thì giá vàng lại lình xình trong biên độ hẹp khi giới đầu tư thận trọng chờ thông tin chính thức được đưa ra tại cuộc họp báo của Chủ tịch Fed, bà Jannet Yellen sau cuộc họp vào ngày thứ Tư.
Kết thúc phiên 15/12, giá vàng giao ngay tăng 0,8 USD (+0,08%), lên 1.060,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2016 giảm 1,8 USD (-0,17%), xuống 1.061,6 USD/ounce.
Sau khi giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2008, giá dầu thô đã hồi phục trở lại trong 2 phiên liên tiếp. Trong phiên thứ Ba, cả giá dầu thô Brent và dầu thô Mỹ đều tăng.
Kết thúc phiên 15/12, giá dầu thô Mỹ tăng 1,04 USD/thùng (+2,86%), lên 37,35 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,53 USD (+1,40%), lên 38,45 USD/thùng.