Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Dầu thô giúp chứng khoán tiếp tục khởi sắc, giá vàng xuống đáy 7 tuần

(ĐTCK) Thông tin hỗ trợ giúp giá dầu thô lên sát mốc 50 USD/thùng, trong khi tâm lý nhà đầu tư thoải mái hơn với khả năng Fed tăng lãi suất giúp chứng khoán khởi sắc, đẩy giá vàng xuống mức thấp nhất 7 tuần.

Giá dầu tiếp tục phục hồi lên sát mốc 50 USD/thùng giúp nhóm cổ phiếu năng lượng tăng mạnh, giúp phố Wall có phiên tăng mạnh thứ 2 liên tiếp. Trong 2 phiên tăng này, chỉ số S&P 500 tăng hơn 2%, mức tăng trong 2 ngày mạnh nhất kể từ tháng 3.

Theo cuộc thăm dò của FedWatch CME Group, 38% số nhà đầu tư dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất trong tháng 6 và 45% dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất trong tháng 7. Tuy nhiên, hiện tâm lý nhà đầu tư đã thoải mái hơn với việc Fed tăng lãi suất, nên không ảnh hưởng tiêu cực tới phố Wall.

Kết thúc phiên 25/5, chỉ số Dow Jones tăng 145,46 điểm (+0,82%), lên 17.851,51 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 14,48 điểm (+0,7%), lên 2.090,54 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 33,84 điểm (+0,7%), lên 4.894,89 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục khởi sắc, sau thông tin về những tiến triển tích cực trong vấn đề nợ của Hy Lạp, giúp chứng khoán châu Âu tiếp tục tăng mạnh và lên mức cao nhất 4 tuần trong phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 25/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 43,59 điểm (+0,7%), lên 6.262,85 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 147,90 (+1,47%), lên 10.205,21 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 50,12 điểm (+1,13%), lên 4.481,64 điểm.

Sau khi đi ngược chiều với xu hướng chung của chứng khoán toàn cầu, chứng khoán Nhật Bản đã bật mạnh trở lại trong phiên thứ Tư lên mức cao nhất 1 tháng. Chứng khoán Nhật Bản tăng nhờ dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ, giúp đồng USD tăng mạnh so với đồng yên, trong khi cổ phiếu của Sony cũng tăng vọt sau khi công bố báo cáo lợi nhuận khả quan.

Tích cực hơn, chứng khoán Hồng Kông còn tăng mạnh hơn 2,7%, mức tăng mạnh nhất trong 6 tuần nhờ sự khởi sắc trên thị trường chứng khoán Âu, Mỹ trước đó. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đại lục tiếp tục điều chỉnh do ảnh hưởng từ những lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này.

Kết thúc phiên 25/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 258,59 điểm (+1,57%), lên 16.757,35 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 537,62 (+2,71%), lên 20.368,05 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 6,58 điểm (-0,23%), xuống 2.815,09 điểm.

Với việc chứng khoán khởi sắc, sự hấp dẫn của vàng bị giảm bớt và giá kim loại quý này không thể phục hồi sau phiên lao dốc trước đó, chấp nhận phiên giảm giá tiếp theo, xuống mức thấp nhất 7 tuần.

Kết thúc phiên 25/5, giá vàng giao ngay giảm 2,9 USD (-0,24%), xuống 1.224,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 5,4 USD (-0,44%), xuống 1.223,8 USD/ounce.

Sau khi Viện Dầu khí (API) công bố kho dư trữ dầu thô tuần trước của Mỹ giảm 5,1 triệu thùng, giới đầu tư chờ đại số liệu từ Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA) trong ngày thứ Tư. Và dữ liệu vừa công bố đã hỗ trợ lớn cho giá dầu. Cụ thể, theo EIA, kho dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 20/5 giảm 4,2 triệu thùng, dù không nhiều như con số ước đoán của API, nhưng mạnh hơn so với mức dự đoán 2,5 triệu thùng của giới phân tích.

Thông tin này đã giúp giá dầu thô tăng mạnh trong phiên thứ Tư, tuy nhiên, sau khi vượt ngưỡng 50 USD/thùng, giá nhiên liệu này đã bị chốt lời và đóng cửa ở dưới sát mốc này.

Kết thúc phiên 25/5, giá dầu thô Mỹ tăng 0,94 USD (+1,90%), lên 49,59 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,13 USD (+2,27%), lên 49,74 USD/thùng.

Tin bài liên quan