Sau 3 phiên tăng điểm ấn tượng, phố Wall đã đảo chiều giảm nhẹ trở lại trong phiên thứ Năm do tác động của cổ phiếu Wal-Mart sau báo cáo lợi nhuận thất vọng.
Ngoài ra, phố Wall cũng chịu tác động tiêu cực khi giá dầu điều chỉnh giảm trở lại trong phiên thứ Năm, khiến nhóm cổ phiếu năng lượng giảm theo.
Tuy nhiên, thông tin kinh tế Mỹ vừa công bố tiếp tục đem lại hy vọng cho nhà đầu tư. Sau dữ liệu sản xuất công nghiệp tháng 1/2016 tăng mạnh nhất 14 tháng, dữ liệu mới công bố cho thấy, kinh tế Mỹ đang có những bước tiến khác vững vàng, bất chấp kinh tế toàn cầu đang đối mặt với rủi ro tăng trưởng chậm, thậm chí là suy thoái. Cụ thể, theo dữ liệu vừa công bố trong ngày thứ Năm, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ tuần trước bất ngờ giảm.
Kết thúc phiên 18/2, chỉ số Dow Jones giảm 40,4 điểm (-0,25%), xuống 16.413,43 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 8,99 điểm (-0,47%), xuống 1.917,83 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 46,53 điểm (-1,03%), xuống 4.487,54 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu công nghệ giúp các chỉ số chính của thị trường này tiếp tục có phiên tăng điểm lên mức cao nhất 2 tuần trong ngày thứ Năm. Tuy nhiên, đà tăng sau đó bị chặn lại do ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu hàng hóa và năng lượng khi giá dầu quay đầu giảm. Trong đó, chứng khoán Anh đảo chiều giảm điểm, trong khi chứng khoán Pháp chỉ may mắn có được sắc xanh. Tích cực nhất là chứng khoán Đức vẫn duy trì đà tăng khá tốt.
Kết thúc phiên 18/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 58,37 điểm (-0,97%), xuống 5.971,95 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 86,43 điểm (+0,92%), lên 9.463,64 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 6,29 điểm (+0,15%), lên 4.239,76 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, dữ liệu kinh tế Mỹ tốt hơn dự kiến được công bố tối hôm trước, cùng với giá dầu thô tăng mạnh đã giúp chứng khoán Nhật Bản và Hồng Kông hồi phục mạnh trong phiên thứ Năm. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc lại để mất điểm vào phút cuối, dù phần lớn thời gian dao động trong sắc xanh.
Kết thúc phiên 18/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 360,44 điểm (+2,28%), lên 16.196,80 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 438,51 điểm (+2,32%), lên 19.363,08 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 4,45 điểm (-0,16%), xuống 2.862,89 điểm.
Trên thị trường vàng, hoạt động chốt lời vẫn diễn ra khiến giá kim loại quý này gặp khó khăn trong phiên châu Á và châu Âu, tuy nhiên trong phiên giao dịch Mỹ, lực mua đón đầu đã chiến thắng, giúp giá vàng tăng mạnh trong phiên thứ Năm.
Ngoài ra, việc các thị trường chứng khoán hạ nhiệt trong phiên thứ Năm cũng giúp vàng trở thành kênh đầu tư hấp dẫn đối với giới đầu tư và qua đó giúp giá kim loại quý này tăng tới gần 2% trong phiên này.
Kết thúc phiên 18/2, giá vàng giao ngay tăng 22,3 USD (+1,85%), lên 1.230,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2016 tăng 14,9 USD (+1,23%), lên 1.226,3 USD/ounce.
Sau phiên tăng mạnh hôm thứ Tư khi Iran ủng hộ thỏa thuận đóng băng sản lượng đạt được giữa Nga và Ả Rập Xê út, giá dầu thô đã quay đầu giảm nhẹ trở lại trong phiên thứ Năm do thông tin kho dự trữ dầu thô của Mỹ tăng thêm 2,1 triệu thùng, lên mức cao kỷ lục 504,1 triệu thùng, theo số liệu của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA). Đây là tuần thứ 3 liên tiếp kho dự trữ dầu thô của Mỹ đạt mức kỷ lục.
Ngoài ra, dù phát thông điệp ủng hộ thỏa thuận giữa Nga và Ả Rập Xê út, nhưng trong cuộc khặp với các đối tác Venezuela, Iraq và Qatar tại Tehran hôm thứ Tư, Iran không đưa ra cam kết cụ thể về sản lượng sản xuất của mình, mà chỉ nghe ngóng hành động của các đối tác khác.
Kết thúc phiên 18/2, giá dầu thô Mỹ tăng 0,11 USD (+0,36%), lên 30,77 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,22 USD (-0,64%), xuống 34,28 USD/thùng.