Nỗ lực bất thành
Trong đợt đấu thầu cuối tuần trước, 1.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm và 1.000 tỷ đồng kỳ hạn ba năm đã không thành công. Điểm đáng chú ý nhất của đợt đấu thầu này là mức lãi suất 8,4%/năm cho loại 5 năm và 8,3%/năm cho loại 3 năm cao hơn khá nhiều so với các đợt trước đó, với 7,9%/năm và 7,7%/năm tương ứng.
Mức tăng lãi suất này có thể coi là đột biến và nó thể hiện nỗ lực vãn hồi tình hình phát hành không lấy gì làm sáng sủa mấy tháng vừa qua của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, dường như mức tăng này vẫn chưa đủ để hấp dẫn các tổ chức tài chính tham gia. Bởi lẽ, mức bỏ thầu cho kỳ hạn 3 năm là 9 - 9,5%/năm và 5 năm là 9,2 - 10%/năm.
Như vậy, đây đã là đợt thứ 10 liên tiếp, Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng Phát triển không thể phát hành một lô trái phiếu nào. Đợt phát hành được gần nhất vào ngày 18/2/2009 cũng chỉ có 100 tỷ đồng trái phiếu loại 2 năm là bán được trong tổng số 1.500 tỷ đồng đấu thầu.
Vấn đề này sẽ còn tồn tại tới chừng nào các tổ chức phát hành chấp nhận trả mức lãi suất tương đương với thị trường thứ cấp. Nghĩa là khi các tổ chức tài chính có thể mua lại trái phiếu đang lưu hành với mức lợi suất cao hơn (đồng nghĩa với giá rẻ hơn) thì họ không có lý do để mua trái phiếu phát hành mới trên thị trường sơ cấp.
Tiến thoái lưỡng nan
Động thái tăng lãi suất cho trái phiếu chính phủ trong tuần trước cho thấy, các tổ chức phát hành đã và đang nhận thấy sức ép phát hành đang lớn dần. Gần nửa năm đã trôi qua, kế hoạch phát hành tổng cộng 55.000 tỷ trái phiếu chính phủ trong năm 2009 có vẻ khá xa tầm với.
Tính gộp cả 3 đợt phát hành trái phiếu chính phủ bằng ngoại tệ quy đổi ra VND (1 USD = 17.600 VND) thì tới nay mới chỉ có gần 6.000 tỷ đồng trái phiếu được phát hành.
Không thể trách các tổ chức phát hành khi đã đưa ra mức lãi suất trái phiếu không đủ hấp dẫn, bởi Bộ Tài chính đã và đang ở vào thể tiến thoái lưỡng nan.
Nếu tăng lãi suất trái phiếu chính phủ, sự hấp dẫn của trái phiếu chính phủ có thể sẽ khiến các ngân hàng (đối tượng mua chính) bớt mặn mà với việc cho doanh nghiệp vay tiền. Bởi lẽ, rủi ro với trái phiếu chính phủ được coi là bằng không, trong khi đó, cho doanh nghiệp vay sẽ chịu rủi ro nợ xấu. Điều này đi ngược với chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2009.
Có thể nói, Bộ Tài chính đang đứng trước ngã ba đường và một sự lựa chọn khó khăn. Nếu không tăng lãi suất thì khó phát hành trái phiếu. Còn tăng lãi suất, nghĩa là chấp nhận để mặt bằng lãi suất thị trường tăng theo, điều này sẽ không được doanh nghiệp đón nhận.
Bên lề cuộc đối thoại giữa Ngân hàng Nhà nước và doanh nghiệp tuần trước, ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT CTCP Chăn nuôi Chế biến Xuất nhập khẩu chia sẻ với ĐTCK rằng, mức lãi suất vay vốn khoảng 6%/năm hiện nay vẫn là cao so với các nước trong khu vực, nhất là Trung Quốc, đối thủ chính trên thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Rất ít khả năng cơ quan quản lý chấp nhận tăng lãi suất.