Sáng ngày 15/12, Tòa án nhân dân TP.HCM tiếp tục đưa ra xét xử bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải từ tháng 8/2011 - 2/2016), cùng 19 đồng phạm trong vụ đấu thầu thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Sau khi hoàn tất phần thủ tục, đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM (VKS) công bố bản cáo trạng dài hơn 80 trang do VKS tối cao truy tố, phiên xét xử bước vào phần xét hỏi. Theo đó, bị cáo Vũ Thị Hoan (cháu của Út “trọc”), nguyên Giám đốc Công ty Yên Khánh bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thẩm vấn đầu tiên.
Bị cáo Hoan khai nhận mình là Giám đốc công ty Yên Khánh trên danh nghĩa nhưng thực tế không góp vốn, không tham gia điều hành hoạt động của công ty, không liên hệ, không thỏa thuận quyền mua bán quyền thu phí cao tốc TPHCM – Trung Lương, không tham gia đấu giá.
Những hành vi gian dối, làm giả báo cáo tài chính, giấy tờ để tham gia đấu giá mua quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Sau khi trúng đấu giá thì ký hợp đồng mua bán quyền thu phí, xin gia hạn thanh toán; ký duyệt thanh toán hơn 2.004 tỷ đồng, là tiền trúng đấu giá... đều do Đinh Ngọc Hệ (hay còn gọi là Út “trọc”) và Phạm Văn Diệt (lúc đó là Tổng giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Bình) chỉ đạo.
Đối với việc chỉnh sửa chứng từ kế toán và tiêu hủy hồ sơ liên quan để hợp thức hóa nguồn thu phí thấp hơn thực tế, tạo điều kiện cho Đinh Ngọc Hệ chiếm đoạt hơn 725 tỷ đồng tiền thu phí, bị cáo Hoan khai, trong quá trình làm việc có biết Đinh Ngọc Hệ chỉ đạo nhưng bị cáo không tham gia.
“Do Hệ là cậu ruột nên bị cáo đứng tên cổ phần góp vốn. Trên thực tế, bị cáo chỉ là nhân viên kế toán, làm công ăn lương và không được hưởng lợi gì từ việc đứng tên công ty giúp bị cáo Hệ”, bị cáo Hoan khai nhận.
Tương tự, khi được HĐXX xét hỏi, bị cáo Phạm Văn Diệt cũng khai nhận rằng mọi việc đều làm theo chỉ đạo từ bị cáo Hệ. Cụ thể, bị cáo thừa nhận bản thân trực tiếp tham gia đấu giá và tham gia ký hợp đồng bán quyền thu phí, nhưng mọi việc đó do bị cáo Hệ sắp đặt từ trước, bị cáo chỉ ký tên. Bị cáo Diệt khẳng định bản thân không hưởng lợi từ số tiền bị cáo Đinh Ngọc Hệ "bòn rút" ở các trạm thu phí.
Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Thị Kim Huệ (nguyên kế toán Công ty Yên Khánh) khai không biết Đinh Ngọc Hệ mới là chủ thực sự tại Công ty Yên Khánh. Từ khi làm việc, bị cáo không nhận nhiệm vụ trực tiếp từ Hệ mà chỉ làm theo phân công từ lãnh đạo trực tiếp ở công ty.
"Ban đầu, bị cáo này không biết gì về số liệu thu phí cao tốc TP HCM – Trung Lương cũng như phần mềm cài đặt trong máy tính nhằm che giấu sai phạm trong quá trình thu phí. Sau một thời gian, bị cáo mới biết về phần mềm công nghệ nói trên", bị cáo Huệ nói và cho biết thêm, bị cáo biết Công ty Yên Khánh có hai hệ thống sổ sách – sổ sách lưu giữ số liệu thực tế và sổ sách lưu giữ số liệu trên máy tính. Đồng thời, nữ bị cáo cũng khẳng định bản thân không hưởng lợi từ số tiền thất thoát, mà chỉ làm công ăn lương.
Theo cáo trạng, VKS cho biết, năm 2005, Đinh Ngọc Hệ thành lập Công ty Yên Khánh và nhờ cháu ruột là Vũ Thị Hoan đứng tên làm Giám đốc, người đại diện theo pháp luật, Tô Phước Hùng làm Kế toán trưởng.
Đến năm 2010, Đinh Ngọc Hệ thành lập Công ty Khánh An và nhờ Lê Thị Thảo, Kế toán Công ty xăng dầu Thái Sơn đứng tên làm Giám đốc, người đại diện theo pháp luật.
Bên cạnh đó, bị cáo còn thành lập hàng loạt công ty khác như: Công ty CP tập đoàn Đức Bình; Công ty CP Cái Mép; Công ty CP xăng dầu Thái Sơn, Công ty CP An Hiền. Các công ty này đều do bị cáo Hệ chỉ đạo hoạt động và giao Phạm Văn Diệt làm Tổng Giám đốc điều hành các Công ty này.
“Ngoài việc Hệ trực tiếp chỉ đạo công việc đối với các nhân viên lãnh đạo của các công ty, Hệ còn chỉ đạo thông qua Phạm Văn Diệt để triển khai thực hiện tới nhân viên khác; đối với Công ty Yên Khánh, Hệ nói với Vũ Thị Hoan cứ tin tưởng vào Phạm Văn Diệt và Tô Phước Hùng, các văn bản trình Hoan ký mà đã có chữ ký nháy của Phạm Văn Diệt thì Hoan cứ yên tâm ký”, đại diện VKS cho hay.