Theo đó, ngoài chỉ rõ 2 điểm bất hợp lý trong hồ sơ mời thầu như Báo Đầu tư Chứng khoán đã phản ánh tại các số báo trước, Bảo Minh Thăng Long còn cho biết, các chỉ tiêu này không có trong hệ thống đánh giá năng lực DNBH của Bộ Tài chính, cũng như không phù hợp với thực tế thị trường bảo hiểm.
“Chúng tôi đề nghị bên mời thầu cho biết, căn cứ nào để yêu cầu chúng tôi đưa ra các chỉ tiêu ROA tại thời điểm 31/12//2015 phải đạt tối thiểu 4% và doanh thu bảo hiểm năm 2015 phải tăng trưởng tối thiểu 50%, bởi đây đều là các chỉ tiêu không đánh giá hết năng lực nhà thầu, cũng như không phù hợp với thực tế thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện tại”, ông Nguyễn Quốc Dũng, Phó giám đốc Bảo Minh Thăng Long nói và cho biết, trên thực tế, từng có bên mời thầu đưa ra các chỉ tiêu tương tự như các chỉ tiêu này, nhưng rồi đã phải sửa đổi lại cho phù hợp, sau khi nhận được sự phản ứng của các nhà thầu và thị trường.
Nếu áp đồng thời cả 2 tiêu chí trên, cả 5 DNBH đứng đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ về doanh thu phí hiện nay là PVI, Bảo Việt, Bảo Minh, PTI và PJICO đều không thỏa mãn. Do đó, ngoài đề nghị loại bỏ 2 chỉ tiêu trên khỏi hồ sơ mời thầu, một số DN còn đề xuất các chỉ tiêu thay thế để đánh giá năng lực tài chính của nhà thầu bảo hiểm theo quy định của Bộ Tài chính, chẳng hạn chỉ tiêu lợi nhuận thuần kinh doanh bảo hiểm (không tính đến lợi nhuận của hoạt động đầu tư) có lãi hàng năm trong vòng từ 3-5 năm, cùng một số chỉ tiêu khác về doanh thu hoạt động kinh doanh bảo hiểm, vốn chủ sở hữu, dự phòng nghiệp vụ…
Chính thức trả lời các nhà thầu tại công văn số 542/CV-BVBM do Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, ông Nguyễn Ngọc Hiền ký, Bệnh viện vẫn tái khẳng định, hồ sơ mời thầu được Bệnh viện và đơn vị tư vấn lập trên cơ sở tuân thủ các quy định của Nhà nước về đấu thầu và kinh doanh bảo hiểm.
“Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện đa khoa hàng đầu trong nước, với số lượng nhân viên y tế và người bệnh rất lớn. Chỉ số ROA và yêu cầu về tốc độ phát triển (tăng trưởng doanh thu từ bảo hiểm-PV) có trong hồ sơ mời thầu thể hiện mong muốn của Bệnh viện là lựa chọn được nhà thầu có năng lực và kinh nghiệm tốt nhất để thực hiện gói thầu này”, công văn trên nêu rõ.
“Cứ để mở thầu đi, rồi xem xét sửa sau”, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai nói với đại diện PTI Âu Lạc trong buổi trao đổi vào ngày sáng 21/6.
Có hay không việc “ưu ái” VBI?
Bên cạnh việc đề nghị Bộ Y tế và Bệnh viện Bạch Mai xem xét, điều chỉnh các nội dung bất hợp lý và đề xuất một số chỉ tiêu được cho là phù hợp hơn, các DNBH vẫn còn e ngại một vấn đề khác, đó là tình trạng “ưu ái” dành cho một DNBH, mà cụ thể ở đây là Công ty bảo hiểm Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VBI).
Hiện tại, căn cứ vào chỉ tiêu về doanh thu bảo hiểm năm 2015 phải tăng trưởng tối thiểu 50% tại hồ sơ mời thầu, trên cơ sở số liệu của Bộ Tài chính, có một số DNBH đạt “chuẩn”, chẳng hạn như SGI (tăng trưởng 700,52%), VASS (177,98%), ACE (104,99%), Phú Hưng (80,02%) và VBI (76,83%).
Tuy nhiên, nếu căn cứ thêm chỉ tiêu chỉ tiêu ROA, thì ông Nguyễn Quốc Dũng cùng đại diện PTI, PVI đều cho rằng, chỉ có VBI đạt chuẩn. Cụ thể, theo báo cáo tài chính sau kiểm toán, năm 2015, VBI đạt lợi nhuận sau thuế trên 53,2 tỷ đồng; tổng tài sản hơn 1.222 tỷ đồng; tỷ lệ ROA đạt hơn 4,3%. Tính theo thị phần doanh thu phí bảo hiểm gốc, VBI là một công ty bảo hiểm tầm trung, nằm ở khoảng giữa trong Top 30 DNBH trên thị trường.
“Việc áp dụng cả 2 chỉ tiêu về ROA và tốc độ tăng trưởng dường như đang tạo điều kiện tham gia cho VBI”, ông Dũng nói và cho rằng, điều này sẽ gây hạn chế sự tham gia của các nhà thầu bảo hiểm khác, làm giảm hiệu quả công tác đấu thầu, giảm hiệu quả đầu tư của dự án.
VBI cho biết, vẫn đang trong quá trình nghiên cứu hồ sơ thầu nên chưa có ý kiến về 2 chỉ tiêu nêu trên. Song trả lời Đầu tư Chứng khoán, VBI cho rằng, không có việc “gài” thêm chỉ tiêu ROA chỉ để giúp VBI đạt chuẩn “vòng hồ sơ”, bởi vẫn còn nhiều DN thỏa mãn tiêu chí này, chứ không riêng VBI. Đầu tư Chứng khoán sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vụ việc này khi có diễn biến mới.