“Đầu tàu” VN30 vững tiến

(ĐTCK) Đến thời điểm hiện tại, mới có chưa đến 1/3 doanh nghiệp trong rổ VN30 công bố báo cáo tài chính quý II/2014, nhưng theo các báo cáo này cùng với con số ước tính do chính doanh nghiệp cũng như các CTCK đưa ra, thì kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này trong nửa đầu năm nay nhìn chung khá khả quan.
“Đầu tàu” VN30 vững tiến

Tăng mạnh

VN30 có 2 CTCK là CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) và CTCP Chứng khoán TP. HCM (HSC - mã HCM), thì cả 2 công ty đều có sự tăng trưởng vượt bậc về lợi nhuận. Trong đó, SSI (công ty mẹ) có lợi nhuận trước thuế gấp 2,4 lần so với 6 tháng đầu năm 2013, đạt 597 tỷ đồng. Riêng quý II, con số này là 294 tỷ đồng, gấp gần 5 lần cùng kỳ năm trước. Doanh thu tự doanh của SSI tăng rất mạnh, nguyên nhân một phần được cho là Công ty đã mua được khối lượng lớn cổ phiếu ở mức giá thấp vào ngày 8/5/2014.

Đồi với HCM, 6 tháng đầu năm, Công ty lãi trước thuế 275,2 tỷ đồng, tăng 67,23% so với cùng kỳ.

Cùng với HCM, cổ phiếu FLC của Tập đoàn FLC vừa được đưa vào rổ tính VN30, thay thế 2 cổ phiếu “họ dầu khí” là PET và PGD, cũng có kết quả khả quan. FLC cho biết, lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn sau kiểm toán đạt trên 177 tỷ đồng, bằng 51% so với kế hoạch 350 tỷ đồng của cả năm 2014.

CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (CII) cũng có lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, công ty mẹ lãi trước thuế hơn 152 tỷ đồng trong 6 tháng, tăng 3,3 lần so với cùng kỳ. Đáng chú ý, doanh thu tài chính trong kỳ đạt 159 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 110 tỷ đồng cùng kỳ. Riêng cổ tức là lợi nhuận từ các công ty con chuyển về lên đến hơn 128,7 tỷ đồng.

Tương tự, FPT cũng vừa công bố lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ đạt 1.522,4 tỷ đồng trong 6 tháng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ. Riêng quý II/2014, FPT lãi hơn 1.000 tỷ đồng, gấp gần 3,5 lần so với cùng kỳ. Sự đột biến này đến từ doanh thu hoạt động tài chính. 6 tháng đầu năm, FPT có đến 1.500 tỷ đồng là lợi nhuận đầu tư và cổ tức do các công ty con chuyển về.

Doanh thu hợp nhất của Tập đoàn FPT trong 6 tháng đầu năm đạt 14.143 tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng, nên lợi nhuận trước thuế của FPT chỉ xấp xỉ cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 1.253 tỷ đồng.

Tập đoàn Hoà Phát (HPG) chưa công bố báo cáo tài chính quý II/2014, nhưng thông tin từ tập đoàn này cho biết, doanh thu và lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm đạt lần lượt 13.339 tỷ đồng và 1.874 tỷ đồng, hoàn thành 58% và 85% kế hoạch cả năm. Đặc biệt, sản lượng thép tiêu thụ trong 6 tháng đầu năm đạt 445.000 tấn, tăng 38% so với cùng kỳ.

Trong VN30, nhóm tài chính - ngân hàng, ngoài SSI và HCM còn có Tập đoàn Bảo Việt (BVH) và 5 ngân hàng, gồm Ngân hàng Công thương (VietinBank - CTG), Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank - EIB), Ngân hàng Quân đội (MBBank - MBB), Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - STB) và Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank -VCB). Tất cả đều chưa công bố báo cáo tài chính quý II/2014.

Theo số liệu đưa ra tại Hội nghị triển khai kế hoạch kinh doanh 6 tháng cuối năm của Vietcombank, lãi trước thuế 6 tháng đầu năm của ngân hàng này ước đạt 2.778 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ. Trong khi đó, Sacombank ước lãi trước thuế 1.531 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ, trong đó riêng lãi quý II đạt 737 tỷ đồng. Còn Eximbank ước đạt lợi nhuận trước thuế 657 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ.

Với Tập đoàn Vingroup (VIC) và CTCP Cơ điện lạnh (REE), kết quả kinh doanh vẫn là một ẩn số. Các CTCK khi đề cập đến kết quả kinh doanh của 2 doanh nghiệp này cũng khá thận trọng.

CTCK Rồng Việt (VDSC) đã có buổi trao đổi với REE, nhưng VDSC không đưa ra số ước tính về kết quả kinh doanh của REE trong 6 tháng đầu năm. Thay vào đó, VDSC cho biết, trong quý II, REE dự kiến ghi nhận một khoản cổ tức khá lớn từ các công ty liên doanh liên kết, trong đó có khoảng 50 tỷ đồng từ CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC), 52 tỷ đồng từ CTCP Thuỷ điện Thác Bà (TBC) và 50 tỷ đồng từ CTCP Thuỷ điện Thác Mơ (TMP).

Đối với VIC, CTCK VPBS đưa ra con số ước 24.900 tỷ đồng doanh thu trong năm 2014, xấp xỉ kế hoạch 25.000 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng năm nay ước đạt 4.762 tỷ đồng, vượt kế hoạch ĐHCĐ giao là 4.500 tỷ đồng, nhưng giảm so với con số thực hiện năm 2013 do không còn những khoản thu nhập bất thường như trong năm 2013.

Giảm nhẹ

Bên cạnh những doanh nghiệp có mức tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận, cũng có doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thụt lùi.

Tính đến cuối tháng 6/2014, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đã đi được 3/4 chặng đường trong niên độ tài chính 2013 - 2014 (1/10/2013 - 30/9/2014). Lãi trước thuế 9 tháng đầu năm của HSG (công ty mẹ) giảm hơn 49% so với cùng kỳ, đạt 274,6 tỷ đồng. Mặc dù doanh thu tăng 28%, nhưng giá vốn hàng bán cũng tăng tương ứng, đến 30%, chi phí bán hàng tăng mạnh 49,5% và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn 20%, là những yếu tố khiến lợi nhuận của HSG giảm.

Cũng xuất phát từ nguyên nhân tăng giá vốn hàng bán (tăng hơn 8%) và chi phí quản lý doanh nghiệp (tăng gần 2,6 lần), lợi nhuận trước thuế công ty mẹ của Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT) giảm 32%, đạt xấp xỉ 102 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận hợp nhất vẫn đảm bảo tương đương cùng kỳ là 190 tỷ đồng, một phần do lợi nhuận từ hoạt động tài chính tăng 80%, đạt hơn 33,6 tỷ đồng.

Vinamilk (VNM) ghi nhận lợi nhuận trước thuế 6 tháng của công ty mẹ gần 3.634 tỷ đồng, giảm hơn 11% so với cùng kỳ. Doanh thu của Vinamilk chỉ tăng 5%, trong khi giá vốn tăng 9,6% và chi phí bán hàng tăng 25%. Lợi nhuận hợp nhất cũng giảm hơn 9,7% và chỉ đạt hơn 3.713 tỷ đồng. Chi phí bán hàng hợp nhất tăng đến 36,8%, chủ yếu do chi phí quảng cáo, khuyến mại và vận chuyển tăng mạnh. 3 khoản chi phí này cộng lại chiếm 54% tổng chi phí bán hàng của Vinamilk và đã tăng 36% so với cùng kỳ.

Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ - mã DPM) cho biết, tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế 6 tháng đạt lần lượt 5.133 tỷ đồng và 672 tỷ đồng, tương đương 59% và 55% kế hoạch cả năm. Tuy nhiên, nếu so với kết quả thực hiện của cùng kỳ năm trước, thì lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm của DPM giảm trên 56%.

VN30 còn có 2 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp cao su là Cao su Miền Nam (CSM) và Cao su Đà Nẵng (DRC). Lợi nhuận của cả 2 doanh nghiệp này trong kỳ giảm nhẹ. CSM lãi trước thuế giảm gần 2,7% so với cùng kỳ và đạt hơn 217,4 tỷ đồng. Doanh thu của CSM giảm 4%, đạt hơn 1.468,4 tỷ đồng, do giảm giá bán, trong khi chi phí bán hàng tăng đến 47%, từ 43,5 tỷ đồng lên 64 tỷ đồng.

DRC có lợi nhuận cao hơn CSM, đạt 237 tỷ đồng, giảm gần 6% so với cùng kỳ. Mặc dù doanh thu của DRC vẫn tăng hơn 12% và đạt gần 1.546 tỷ đồng, nhưng chi phí bán hàng tăng gần 44%, khiến lợi nhuận giảm nhẹ. Nhà máy mới sản xuất lốp radial mới đi vào hoạt động từ đầu quý III/2013 làm chi phí khấu hao trong 6 tháng đầu năm nay tăng gấp đôi cùng kỳ, tuy nhiên, DRC đã giảm được gần 30% chi phí nhân công (hơn 39 tỷ đồng), nên giá vốn chỉ tăng 13%.

Tin bài liên quan