Lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2014 của DPM giảm tới hơn 1.165 tỷ đồng so với cùng kỳ 2013

Lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2014 của DPM giảm tới hơn 1.165 tỷ đồng so với cùng kỳ 2013

“Đầu tàu” VN30 giảm tốc

(ĐTCK) Đến thời điểm này, toàn bộ các doanh nghiệp thuộc rổ VN30 đã công bố báo cáo tài chính quý III/2014 với kết quả kinh doanh của nhóm đầu tầu trên TTCK trong quý này có phần kém khả quan.

Cụ thể, tổng lợi nhuận trước thuế đạt 15.021 tỷ đồng, giảm 5,82% so với cùng kỳ năm trước; luỹ kế 9 tháng, đạt 44.271 tỷ đồng, giảm 8,28% so với cùng kỳ 2013.

9 tháng, nhóm DN tài chính sụt giảm 4,31% lợi nhuận

VN30 có 8 doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, gồm 2 CTCK là CTCK Sài Gòn (SSI) và CTCK TP. HCM (HCM); 5 ngân hàng là VietinBank (CTG), Vietcombank (VCB), Ngân hàng Quân đội (MBB), Sacombank (STB) và Eximbank (EIB) và một doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo hiểm là Tập đoàn Bảo Việt (BVH).

8 doanh nghiệp này luôn có đóng góp đáng kể cho tổng lợi nhuận của nhóm. 9 tháng đầu năm nay, nhóm này tạo ra gần 17.878 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, chiếm đến 40,38% con số lợi nhuận của 30 doanh nghiệp trong rổ cộng lại.

“Đầu tàu” VN30 giảm tốc ảnh 1

Hai CTCK có kết quả kinh doanh nổi bật trong nhóm tài chính. HCM công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2014 khá sớm, với lợi nhuận trước thuế quý này đạt 134,6 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, Công ty đạt 409,8 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 71% so với cùng kỳ. SSI vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III, với lợi nhuận lũy kế 9 tháng đạt 813 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi cùng kỳ 2013 và vượt kế hoạch cả năm đến 183 tỷ đồng. HĐQT SSI đang phấn đấu đạt 1.050 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm nay.

“Đầu tàu” VN30 giảm tốc ảnh 2

BVH đạt hơn 395 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý III, giảm 6,13% so với cùng kỳ. Mặc dù vậy, tính chung 9 tháng, lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn vẫn tăng 5,64%, khi đạt hơn 1.221 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi cộng chung với kết quả kinh doanh của các ngân hàng thì lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm nay của nhóm tài chính giảm 4,31% so với cùng kỳ 2013. CTG gây chú ý với 3 cái “nhất” trong nhóm ngân hàng: lợi nhuận lớn nhất (5.480 tỷ đồng), tốc độ giảm lợi nhuận mạnh nhất (giảm 22,23%) và tốc độ tăng nợ xấu nhanh nhất (tăng 85,08%).

“Đầu tàu” VN30 giảm tốc ảnh 3

EIB cũng có vài cái “nhất”: quy mô vốn huy động và cho vay nhỏ nhất, là ngân hàng duy nhất có dư nợ cho vay giảm. Bên cạnh đó, nợ xấu của EIB tăng nhanh, chỉ kém CTG và lợi nhuận giảm mạnh cũng chỉ kém CTG.

STB cũng có nhiều cái “nhất”, nhưng theo nghĩa tích cực: tốc độ tăng trưởng huy động vốn, cho vay và lợi nhuận trước thuế cao nhất. STB còn là ngân hàng duy nhất có nợ xấu giảm.

Bất ngờ nhiều tên tuổi lớn

Không chỉ có nhóm tài chính mà 22 doanh nghiệp còn lại cũng bị sụt giảm lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm nay. Một số doanh nghiệp có số giảm tuyệt đối lớn nhất như Nhiệt điện Phả Lại (PPC) giảm gần 1.255 tỷ đồng, Đạm Phú Mỹ (DPM) giảm hơn 1.165 tỷ đồng và Vinamilk (VNM) giảm hơn 734 tỷ đồng. PPC có doanh thu tăng gần 797 tỷ đồng, nhưng giá vốn tăng đến hơn 1.516 tỷ đồng và lợi nhuận từ hoạt động tài chính (chủ yếu là lãi chênh lệch tỷ giá) giảm hơn 593 tỷ đồng đã kéo lợi nhuận giảm mạnh.

VNM cũng có doanh thu tăng, nhưng giá vốn và các loại chi phí (bán hàng và quản lý doanh nghiệp) đều tăng nhanh hơn khiến lợi nhuận giảm so với cùng kỳ. Riêng DPM có doanh thu sụt giảm mạnh trong khi giá vốn lại tăng, nên lợi nhuận giảm là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, vẫn có không ít doanh nghiệp trong nhóm này có lợi nhuận tăng đột biến. Tập đoàn Tân Tạo (ITA) từ chỗ chỉ lãi hơn 10 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm ngoái đã vọt lên có lãi 118 tỷ đồng cùng kỳ năm nay. Doanh thu đã tăng rất mạnh, từ gần hơn 21,5 tỷ đồng năm ngoái lên 267,6 tỷ đồng năm nay và dĩ nhiên giá vốn cũng tăng tương ứng, từ hơn 3 tỷ đồng lên hơn 113 tỷ đồng.

CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (CII) có lợi nhuận 9 tháng đầu năm nay tăng gấp hơn 5 lần cùng kỳ năm trước. Doanh thu năm nay tăng mạnh, gấp 3 lần cùng kỳ, trong khi đó chi phí bán hàng giảm 51 tỷ đồng (24%) và lợi nhuận từ hoạt động tài chính tăng 92 tỷ đồng (gấp 5,5 lần).

Tập đoàn FLC (FLC) cũng có mức tăng trưởng ấn tượng, một phần từ bán bất động sản, một phần từ chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính dài hạn. Trong khi đó, lợi nhuận của Tập đoàn Gemadept (GMD) tăng là do thu lãi từ việc chuyển nhượng công ty con sở hữu toà nhà Gemadept Tower cộng với một phần đóng góp từ việc đưa Cảng Nam Hải Đình Vũ đi vào hoạt động.

Đối với Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG), lợi nhuận 9 tháng tăng hơn gấp đôi cùng kỳ là do doanh thu (bán sản phẩm mía đường, bắp, mủ cao su…) tăng và lợi nhuận tài chính tăng (chuyển nhượng cổ phần, lãi cho vay…).

Nhìn chung, nhóm các DN phi tài chính có doanh thu 9 tháng tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ, đến 28,7%, nhưng không theo kịp tốc độ tăng của giá vốn (tăng 31,87%) và các loại chi phí như chi phí bán hàng (tăng 34%) và chi phí quản lý (tăng 29%). Cùng với lợi nhuận tài chính giảm mạnh, từ mức 6.515 tỷ đồng 9 tháng đầu năm trước xuống chỉ còn 272 tỷ đồng cùng kỳ năm nay. Các yếu tố này đã kéo lợi nhuận trước thuế của nhóm các DN phi tài chính giảm 10,8%.  

Tin bài liên quan