Đầu tàu ngân hàng quốc doanh khát vốn, lo kẹt room tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
Ước tính, 4 ngân hàng thương mại nhà nước đã bơm gần 4,8 triệu tỷ đồng cho vay nền kinh tế năm 2021, chiếm 45% thị phần tín dụng toàn hệ thống.
Tính đến cuối năm 2021, dư nợ cho vay nền kinh tế của BIDV đạt 1,33 triệu tỷ đồng. Ảnh: Đức Thanh

Tính đến cuối năm 2021, dư nợ cho vay nền kinh tế của BIDV đạt 1,33 triệu tỷ đồng. Ảnh: Đức Thanh

Đây cũng là lực lượng chủ đạo giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp. Dù vậy, việc tăng vốn nhỏ giọt đang khiến các ngân hàng này đang ngày càng đối mặt với nỗi lo kẹt room tín dụng.

Tín dụng phình to, Big 4 hụt hơi về vốn

Không phải ngẫu nhiên mà vừa được phép tăng vốn, hàng loạt ngân hàng thương mại có vốn nhà nước lại tiếp tục đồng thanh kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tạo điều kiện cho tiếp tục tăng vốn. Gánh nhiệm vụ bơm vốn chính cho nền kinh tế, trong khi vốn điều lệ không tăng tương ứng, khiến các ngân hàng này đang phải “ăn đong” tăng trưởng.

Báo cáo của cả 4 ngân hàng cho biết, tính đến cuối năm 2021, dư nợ cho vay nền kinh tế của BIDV đạt 1,33 triệu tỷ đồng, Agribank 1,32 triệu tỷ đồng, VietinBank 1,14 triệu tỷ đồng, Vietcombank khoảng 964 triệu tỷ đồng. Như vậy, cả 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Big 4) đã cho vay nền kinh tế khoảng 4,75 triệu tỷ đồng, chiếm 45% tổng dư nợ cho vay toàn hệ thống.

Ngân hàng thương mại nhà nước cũng là lực lượng chủ lực giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Tổng số lợi nhuận hy sinh do giảm lãi suất của riêng 4 ngân hàng này là gần 30.000 tỷ đồng, chiếm 80-90% tổng mức giảm lãi của các ngân hàng thương mại.

Mặc dù đóng góp lớn với nền kinh tế - cả cung ứng tín dụng lẫn hỗ trợ doanh nghiệp - song các ngân hàng quốc doanh này lại hết sức chật vật mới được cho phép tăng vốn thời gian qua.

Cụ thể, mới đây, lần đầu tiên sau một thập kỷ, Vietcombank được chấp nhận chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn. Cũng lần đầu tiên sau 9 năm, năm ngoái, VietinBank mới được chia cổ tức bằng cổ phiếu. BIDV cũng mới được chấp thuận chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn sau 6 năm liên tục đề nghị. Trong khi đó, sau nhiều năm đề nghị và hệ số an toàn vốn thấp đáng báo động, Agribank mới được Quốc hội gật đầu cấp 3.500 tỷ đồng ngân sách tăng vốn năm 2020.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc, phụ trách Ban Điều hành Vietcombank cho rằng, để đảm bảo vai trò dẫn dắt hệ thống, Chính phủ cần tạo điều kiện để Vietcombank nói riêng và các ngân hàng thương mại nhà nước nói chung được tiếp tục tăng vốn bằng cách cho phép giữ lại lợi nhuận sau thuế để trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank Phạm Đức Ấn chỉ ra thực tế là có ngân hàng quy mô vốn điều lệ chỉ bằng 1/4 Agribank, nhưng vốn điều lệ đã vượt Agribank. Vốn điều lệ quá thấp, trong khi sức ép cung ứng vốn cho nền kinh tế hàng năm khiến hệ số CAR của Agribank ngày càng có nguy cơ giảm.

“Việc bổ sung vốn điều lệ là cần thiết để ngân hàng có thể duy trì được tăng trưởng tín dụng 8 - 10%/năm. Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng sớm xem xét việc để lại lợi nhuận năm 2021 và dành ngân sách nhà nước để tăng vốn cho Agribank trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa. Điều này sẽ tăng giá trị vốn nhà nước khi cổ phần hóa”, ông Phạm Đức Ấn kiến nghị.

Cần chiến lược dài hơi cho đầu tàu của hệ thống ngân hàng

Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, ngân hàng lại có lãi khả quan, nhiều ý kiến cho rằng, ngân hàng nên chia cổ tức tiền mặt để đóng góp cho ngân sách. Tuy vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là “nghĩ ngắn”.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, nên có chiến lược tăng vốn dài hơi cho ngân hàng thương mại có vốn nhà nước. Bởi nếu được tăng vốn, các ngân hàng này có thể bơm mạnh vốn cho nền kinh tế, giúp nhiều doanh nghiệp phục hồi nhanh hơn, khi đó sức lan tỏa sẽ lớn hơn, đóng góp vào nền kinh tế nhiều hơn.

Về vấn đề này, ông Phạm Thanh Hà, Phó thống đốc NHNN cũng khẳng định, việc tăng vốn giúp các ngân hàng có thêm nguồn lực để hỗ trợ nền kinh tế hồi phục.

“Nếu tăng 1 đồng vốn cho tổ chức tín dụng thì có thể tăng 8 lần dư nợ cho nền kinh tế”, ông Hà cho biết.

Được biết, NHNN đã đề xuất Chính phủ, Quốc hội có giải pháp tăng vốn cho ngân hàng thương mại nhà nước, nhưng đến nay, việc tăng vốn của các ngân hàng quốc doanh này vẫn đang trong cảnh “ăn đong”, xin duyệt từng năm một.

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV lo lắng, các ngân hàng nhà nước đang đứng trước áp lực tăng vốn rất lớn, không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn Basel II nâng cao, Basel III tới đây, mà khi Chính phủ thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, ngân hàng quốc doanh cũng là đầu tàu tín dụng. Nếu được tăng vốn một cách căn cơ, BIDV và các ngân hàng thương mại nhà nước mới có thể cung ứng vốn tốt cho nền kinh tế.

Hiện tại, ngoài mong muốn tiếp tục được Chính phủ, Quốc hội cho phép tiếp tục chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, thời gian tới, nhiều ngân hàng thương mại nhà nước còn mong NHNN nới room tín dụng, nới room vốn ngoại.

Ông Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, về lâu dài, Chính phủ cần có lộ trình nới room vốn ngoại để các ngân hàng có nhiều cơ hội tăng vốn, trước mắt là nới room vốn ngoại lên 35%. Được biết, Vietcombank và VietinBank đều đã gần hết room vốn ngoại, khiến dư địa tăng vốn đã khó càng khó thêm.

Thời gian qua, khối ngân hàng thương mại nhà nước phải gánh nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp và kinh tế phục hồi trong khi việc tăng vốn khó khăn. Điều này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng bền vững của khối ngân hàng này. Do đó, việc tăng vốn điều lệ cho nhóm ngân hàng quốc doanh là rất cấp bách.

Không chỉ khối ngân hàng thương mại nhà nước, mà áp lực tăng vốn để đáp ứng chuẩn Basel II của khối ngân hàng TMCP tư nhân cũng rất lớn, bởi theo quy định của NHNN, chậm nhất đến ngày 1/1/2023, các ngân hàng phải đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) ở mức 8% theo chuẩn Basel II.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu

Tin bài liên quan