Nghị quyết 98 tạo đà hồi phục
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương ngày 4/7, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, trong quý II, kinh tế - xã hội của TP.HCM đã có sự chuyển biến tích cực hơn. Các chỉ số về sản xuất công nghiệp hay doanh thu bán lẻ hàng hóa, kim ngạch xuất nhập khẩu đều tăng. Điều này không chỉ là nỗ lực trong quý II, mà còn là sự tích lũy từ trước đó.
Thành phố đã tập trung quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Đến thời điểm này, TP.HCM tiếp nhận và giải quyết trên 50% kiến nghị của doanh nghiệp (113/232 kiến nghị); 169/189 kiến nghị của 148 dự án bất động sản đã tiếp nhận và có định hướng giải quyết; 20/44 dự án về chủ trương đầu tư và gia hạn chủ trương đầu tư đã được tiếp nhận giải quyết.
Đồng thời, tập trung cao để thúc đẩy các dự án đầu tư công cũng như mua sắm công. Đến ngày 30/6, thành phố đã giải ngân đầu tư công hơn 15.430 tỷ đồng, đạt 23%, số tiền giải ngân này cao gấp 9 lần so với quý I và 2,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
"Tổng doanh thu ngành dịch vụ tăng 7,1%, du lịch tăng 62,7%, trong đó khách nội địa tăng 48%, khách quốc tế tăng 306%, những động lực tăng trưởng này rất tích cực. Đặc biệt, trong quý II, thành phố khởi công được vành đai 3, đảm bảo tiến độ thi công. Đây là tín hiệu rất mừng, đó là sự chuyển động, kết quả của sự vận động cả hệ thống chính trị", Chủ tịch UBND thành phố chia sẻ.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, TP.HCM cùng với các cơ quan Trung ương tham mưu Chính phủ trình Quốc hội và được thông qua Nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá cho TP.HCM, đây là cơ sở rất quan trọng để thành phố triển khai trong thời gian sắp tới.
Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi thông tin thêm, sắp tới thành phố sẽ tập trung vận hành tổ tháo gỡ khó khăn, đôn đốc tháo gỡ khó khăn từ các sở ngành, vừa trực tiếp giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền thành phố; thúc đẩy các động lực tăng trưởng như đầu tư công, với đầu tư tư nhân sẽ vận dụng, triển khai từ Nghị quyết 98 để tìm nguồn vốn.
GS.TS Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. Ảnh: Chí Cường |
Trong chương trình Đối thoại đầu tuần với chủ đề "Kích hoạt động lực tăng trưởng" do Báo Đầu tư thực hiện mới đây, GS.TS Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội chia sẻ, khi Quốc hội thảo luận về cơ chế đặc thù TP.HCM, rất nhiều đại biểu đến từ các tỉnh thành khác đã bày tỏ sự quan tâm, mong muốn có cơ chế chính sách, tháo gỡ vướng mắc và giúp TP.HCM lấy lại vị thế của mình. Theo đó, Nghị quyết 98 được 97,37% đại biểu thông qua - có lẽ đây là tỷ lệ cao nhất trong tất cả các nghị quyết được bỏ phiếu.
“Với kỳ vọng lớn như vậy, tôi nghĩ đây là động lực để thúc đẩy TP.HCM phải tự mình thấy không còn lý do gì để đánh mất lợi thế, phải lấy lại vị thế của mình khi được trao quyền để hành động. Khi TP.HCM vực lại được sẽ có tính lan toả rất cao cho cả khu vực kinh tế của Đông Nam Bộ, đồng thời rất nhiều lĩnh vực có thể thúc đẩy cả nước”, ông Cường nói.
Về phía TP.HCM, sau khi tham dự một toạ đàm của TP.HCM về Nghị quyết 98, ông Cường nhận thấy lãnh đạo thành phố đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng. Cơ chế, cách thức vận hành đã được thành phố phân công cho các cấp, cán bộ các sở, ban ngành và chỉ chờ đến tháng 8 có hiệu lực là các bộ máy sẽ vào cuộc chạy.
“Rõ ràng, tinh thần TP.HCM là đón nhận, chủ động tích cực và tôi kỳ vọng thành phố sẽ phân vai rất rõ đơn vị nào làm gì, trách nhiệm đến đâu, như vậy thì kỳ vọng Nghị quyết 98 không chậm như Nghị quyết 54. Nếu như một khâu nào đó trong bộ máy không hoạt động sẽ dẫn tới chuyện ách tắc cho khâu khác”, ông Cường nhấn mạnh.
Rút ngắn khoảng cách từ chính sách tới thực thi
Là người có nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn làm việc với doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, nhiều chính sách tốt, ban hành kịp thời, nhưng vấn đề truyền thống vẫn là chất lượng thực thi, rút ngắn khoảng cách từ chất lượng của chính sách tới chất lượng thực thi.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký VCCI. Ảnh: Chí Cường |
Theo đại diện VCCI, trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 mặc dù tốc độ giải ngân đầu tư công của thành phố có tiến triển, nhưng vẫn có tốc độ thấp hơn kỳ vọng hay TP.HCM có nhiều dự án bất động sản bị ách tắc, đình trệ nhiều năm.
“Chúng tôi biết lãnh đạo TP.HCM cũng liên tục gặp mặt, trao đổi với các bộ, ban ngành, doanh nghiệp để tìm cơ chế, lối ra. Có nhiều vấn đề rất phức tạp nhưng nếu chúng ta tháo gỡ được những vướng mắc hiện tại thì chắc chắn TP.HCM sẽ tăng trưởng nhanh hơn, đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng cả nước”, ông Tuấn nói.
GS.TS Hoàng Văn Cường bình luận, mặc dù có nhiều chính sách chưa có sự tác động ngay và cần thêm thời gian để thẩm thấu, nhưng vẫn có những chính sách tác động tức thời như chính sách tạo dựng nguồn lực.
Ví dụ, TP. HCM có quỹ cải cách tiền lương nhưng chưa dùng hết thì được phép dùng đầu tư vốn cho các khoản cần thiết; hay không bị khống chế mức vay, có thể vay đến 120% phần thu ngân sách, tức được quyền vay tạo nguồn lực. Hoặc những chính sách tạo cơ chế để thành phố tự mình khai thác nguồn lực, tự tạo ra nguồn lực mới....
Bên cạnh đó, TP.HCM còn được trao quyền cho con người, GS.TS Hoàng Văn Cường kỳ vọng thành phố sẽ sử dụng tối đa cơ chế về cán bộ, tổ chức bộ máy thực sự hiệu quả. Đặc biệt, phân quyền giữa thành phố với các cấp biên giới sẽ giúp các cơ quan ban ngành thành phố không còn là thực thi mà sẽ trở thành cơ quan hoạch định về chính sách chiến lược, đồng thời kiểm tra cấp dưới. Thành phố sẽ làm nhiệm vụ đánh giá kết quả đầu ra và đánh giá cán bộ các cấp.
Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi cũng kiến nghị Chính phủ tập trung giải quyết các khó khăn tồn đọng về thị trường bất động sản, về tín dụng trái phiếu, các thủ tục về phòng cháy chữa cháy…, sớm phê duyệt kế hoạch sắp xếp doanh nghiệp nhà nước TP.HCM và hoàn thiện đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế.