Năm cao tốc
Việc Dự án Xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn I được đích thân Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công vào ngày 4/1 đã giúp Bộ GTVT hoàn tất mục tiêu khởi công toàn bộ các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông sử dụng vốn đầu tư công ngay trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
“Chúng tôi chỉ có khoảng 6 tháng để hoàn tất một khối lượng công việc phức tạp gồm phê duyệt lại báo cáo nghiên cứu khả thi; điều chỉnh dự toán, lựa chọn nhà thầu”, ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long cho biết.
Trước đó, giữa tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 839/QĐ - TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giai đoạn I cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư từ BOT sang sử dụng vốn đầu tư công.
Việc chuyển đổi hình thức đầu tư là yếu tố quyết định giúp Dự án dài 23 km, tổng mức đầu tư lên tới 4.827 tỷ đồng này có cơ hội kịp hoàn thành đồng bộ với các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam vào năm 2023.
Thực tế, đây là mục tiêu có tính khả thi cao khi chủ đầu tư đã xác định xong các nhà thầu trúng thầu 3/3 gói thầu xây lắp. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án Xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đã đạt hơn 80%, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thi công tăng tốc ngay trong năm 2021.
Cho đến thời điểm này, ngoài Dự án Xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Bộ GTVT đã khởi công toàn bộ 6 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông sử dụng vốn đầu tư công, với tổng mức đầu tư lên tới hơn 50.000 tỷ đồng, trong đó có 4 dự án được khởi công trong nửa cuối năm 2020 gồm: Mai Sơn - Quốc lộ 45; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Phan Thiết - Dầu Giây và cầu Mỹ Thuận 2.
Nếu tính cả Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành dự kiến khởi động lại trong năm 2021, tính tổng cộng trên phạm vi tuyến cao tốc Bắc - Nam từ Nam Định tới Cần Thơ, sẽ có tới 7 công trình đường cao tốc sử dụng vốn đầu tư công triển khai thi công đồng loạt. “Đây là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử ngành GTVT”, một lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng các công trình giao thông (Bộ GTVT) nhận định.
Khởi động sớm
Theo ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT), do các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đều đã hoàn tất công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp và đã triển khai thi công trên thực địa nên đây sẽ là đầu tàu giải ngân vốn đầu tư công của Bộ GTVT trong năm 2021.
Được biết, tại Quyết định số 2185/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giao Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021, Bộ GTVT được giao 42.995,964 tỷ đồng kế hoạch năm 2021, cao hơn khoảng 10% so với năm 2020.
Chỉ đúng 1 tuần, Bộ GTVT đã có quyết định phân giao chi tiết vốn ngân sách và vốn ODA cho từng dự án để các chủ đầu tư chủ động triển khai sớm, trong đó các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông được giao khoảng 16.000 tỷ đồng.
“Các chủ đầu tư phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng tháng, quý của kế hoạch năm 2021 cho từng dự án và phải chủ động đề xuất các giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, triển khai thi công, thanh, quyết toán…, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân của các dự án”, lãnh đạo Bộ GTVT chỉ đạo.
Lãnh đạo Vụ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, khối lượng vốn ngân sách cấp cho các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ không bị giới hạn nếu các chủ đầu tư đẩy nhanh được tiến độ thi công thực tế trên các công trường.
Một dự án tuy không sử dụng vốn đầu tư công, nhưng cũng sẽ là một cú hích rất lớn cho thị trường xây dựng phía Nam là Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư giai đoạn I lên tới 109.111,742 tỷ đồng vừa được khởi công vào đầu tuần này.
“Dù mới khởi công một số hạng mục trong dự án thành phần 3, gồm rà phá bom mìn, san lấp mặt bằng, xây dựng hàng rào và hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, song chúng tôi quyết tâm giải ngân ít nhất 6.000 tỷ đồng ngay năm 2021”, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - chủ đầu tư Dự án khẳng định.