Tác động chỉ là ngắn hạn
“Covid chỉ gây cản trở di chuyển, chứ không làm giảm nhu cầu đầu tư”, ông Vũ Kim Giang, Tổng giám đốc Hải Phát Land chia sẻ qua Zalo khi đang trên đường đi khảo sát một số dự án mới mà doanh nghiệp này dự kiến hợp tác đầu tư.
Theo ông Giang, dù mất 4 tháng phải giãn cách để phòng chống Covid-19, thị trường bất động sản gần như “đứng hình”, nhưng tác động chỉ là ngắn hạn, bởi thực tế, nhu cầu của nhà đầu tư vẫn rất lớn trong bối cảnh mặt bằng lãi suất ở mức thấp, các kênh đầu tư như vàng, ngoại tệ không hấp dẫn như trước. Cùng với chứng khoán, bất động sản hiện đang là kênh đầu tư được quan tâm hàng đầu khi nhiều người kỳ vọng vào một sóng bất động sản trên diện rộng vào năm 2022.
Cùng với chứng khoán, bất động sản hiện là kênh đầu tư được quan tâm hàng đầu khi nhiều người kỳ vọng vào một sóng bất động sản trên diện rộng vào năm 2022.
Đây cũng là cơ sở để các doanh nghiệp như Hải Phát Land, sau nhiều đợt Covid-19, đã dần quen với bối cảnh “bình thường mới”, với tâm thế bình tĩnh hơn, không phập phồng hay hồi hộp, mà có sự chuẩn bị để ứng phó với bất kỳ diễn biến nào. Thực tế, thị trường bất động sản đã có giai đoạn 3 - 4 tháng cực kỳ sôi động ngay trước thời thời điểm đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát.
“Hải Phát Land vừa phát hành thành công lô trái phiếu trị giá 400 tỷ đồng để huy động vốn cho dự án khu nhà ở tại lô đất ký hiệu 3, phía Đông đường Hùng Vương, TP. Tuy Hòa (Dự án La Emera Phú Yên) - một trong những dự án có nhiều triển vọng khi thị trường địa ốc Phú Yên là một thị trường nóng”, ông Giang chia sẻ.
Ông Nguyễn Gia Long, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn TNT cũng thừa nhận, khác với thời điểm trước đây, sự chững lại của thị trường bất động sản không xuất phát từ yếu tố nội tại, mà chịu ảnh hưởng ngoại lực bởi các yêu cầu về giãn cách xã hội. Thời điểm này, hầu hết ý kiến vẫn cho rằng, triển vọng phát triển của thị trường vẫn rất tốt với lực đẩy từ tăng trưởng kinh tế và tốc độ đô thị hóa cao.
Theo ông Long, TNT cùng các thành viên trong hệ sinh thái vẫn tất bật triển khai các dự án ngay cả trong thời điểm giãn cách, kết quả kinh doanh năm 2021 vẫn ở mức khá lạc quan. Ở thời điểm hiện tại, khi các lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng, di chuyển thuận lợi trở lại, doanh nghiệp đang đẩy mạnh kế hoạch bán hàng.
Novaland cũng nằm trong nhóm doanh nghiệp tích cực từ thời điểm thị trường vẫn giãn cách, với việc chào bán và M&A hàng loạt dự án tại Biên Hòa, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu, với tổng số sản phẩm được ông Nguyễn Thái Phiên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Novaland tiết lộ lên tới 5.000 sản phẩm.
Đầu tháng 10/2021, các công ty liên quan của Novaland đã liên tục huy động vốn để nhận chuyển nhượng hai doanh nghiệp từ các lãnh đạo của Địa ốc Khang An, doanh nghiệp đang sở hữu nhiều dự án lớn, trong đó có dự án quy mô 38 ha nằm tiếp giáp đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây, cách Khu đô thị mới Thủ Thiêm khoảng 17 km.
Đại diện Tập đoàn Hưng Thịnh, ông Nguyễn Nam Hiền, Phó tổng giám đốc cũng thông báo về kế hoạch đánh dấu sự trở lại với thị trường TP.HCM sau 3 năm không phát triển dự án mới tại đây, với dự án ở Khu y tế kỹ thật cao quận Tân Bình.
Ngoài ra, doanh nghiệp này đang mở bán giai đoạn tiếp của 2 dự án tại Bình Dương và Đồng Nai, với số lượng căn hộ lên tới hơn 2.000 sản phẩm.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn (website chuyên nghiên cứu, đánh giá về thị trường bất động sản) cho biết, thị trường bất động sản nhìn chung đã thích nghi tốt hơn với dịch bệnh trong năm 2021.
Mức độ quan tâm của nhà đầu tư vẫn luôn ở mức cao tại một số địa phương kiểm soát dịch tốt như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa hay Lâm Đồng. TP.HCM vẫn được đánh giá là thị trường có sức hấp dẫn nhất, các dự án tốt nhận được sự chú ý, dù lượt quan tâm có giảm sút trong các đợt dịch.
Sức bật 2022
Ngay sau thời điểm nới lỏng giãn cách, nhiều khu vực bắt đầu đón các dòng nhà đầu tư về khảo sát và đánh giá cơ hội đầu tư mới. Đơn cử, Thanh Hóa được nhà đầu tư đưa vào tầm ngắm khi có những thông tin đồn đoán về sự xuất hiện của Vinhomes Star City - dự án khu đô thị đẳng cấp đầu tiên của Vingroup tại địa phương này. Một dự án khác là TNR Bỉm Sơn cũng ghi nhận việc nhà đầu tư dồn dập về tham khảo và xem xét đầu tư.
Tập trung phát triển công nghiệp chính là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao mức sống của người dân địa phương, cũng là tiền đề cho bất động sản Thanh Hóa “thăng hạng” khi thị trường đòi hỏi có thêm nhiều dự án nhà ở, khu đô thị mới để phục vụ nhu cầu an cư của nguồn lao động dồi dào.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, tâm lý nhà đầu tư đã vững vàng hơn trong làn sóng Covid-19 lần thứ 4. Khảo sát nhanh của VARS trước thời điểm nhiều địa phương bắt đầu mở cửa cho thấy, có khoảng 80% số nhà đầu tư được hỏi cho biết, họ chờ ngày mở cửa trở lại để tìm sản phẩm mua vào.
Theo ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D DKRA Việt Nam, quan sát các quốc gia đã kiểm soát được dịch bệnh, có thể thấy, khi xã hội ổn định trở lại, thị trường bất động sản sẽ bùng nổ. Vì vậy, đây là thời điểm lý tưởng để chuẩn bị cho cuộc đua sắp tới, nhất là giai đoạn những quý cuối năm 2022.
“Hiện tại, nhiều chủ đầu tư bắt đầu tung ra các chính sách bán hàng hấp dẫn để thu hút khách hàng. Cùng với đó, các ngân hàng thông báo giảm lãi suất cho vay khách hàng ảnh hưởng dịch, đưa mặt bằng lãi suất về mức từ 4%/năm - thấp nhất trong gần 2 năm qua, cũng là động lực thúc đẩy dòng tiền chảy vào thị trường bất động sản”, ông Hoàng phân tích.
Đánh giá các phân khúc sản phẩm sẽ bứt phá trong thời gian tới, ông Phan Công Chánh, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho biết, về dài hạn, từ 3-5 năm tới, nhu cầu của khách hàng đối với các sản phẩm bất động sản là rất lớn, bao gồm cả bất động sản nhà ở và bất động sản du lịch.
Đồng quan điểm, ông Bùi Quang Huy, Phó tổng giám đốc Khang Điền cho rằng, thị trường bất động sản chưa có sự đột biến, nhưng những dấu hiệu về hoạt động kinh tế ổn định cùng nhu cầu bị “nén” quá lâu vì dịch là điều kiện để thị trường có sức bật tốt hơn trong thời gian tới. Đã có hàng trăm ngàn tỷ đồng được đưa ra thị trường thông qua hệ thống ngân hàng và lĩnh vực thẩm thấu nhiều nhất là chứng khoán và bất động sản.
“Cùng với thói quen tích lũy tài sản bất động sản của người dân, tôi tin rằng, bắt đầu từ quý II/2022 trở đi sẽ là khoảng thời gian thị trường có thể bật mạnh. Trong đó, đất nền vùng ven hay chung cư ở các đô thị lớn vẫn là phân khúc hấp dẫn các nhà đầu tư cá nhân”, ông Huy cho biết.