Đầu năm, vốn ngoại ồ ạt giải ngân

Đầu năm, vốn ngoại ồ ạt giải ngân

(ĐTCK) Sau Tết Nguyên đán 2015, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục sôi động với hoạt động mua ròng là chủ yếu.

Mua ròng gần 1.160 tỷ đồng

Tỷ trọng giao dịch của khối ngoại trong 2 tuần trước và sau Tết chiếm lần lượt 21% và 19% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua, cũng là phiên cuối cùng của tháng 2, VN-Index đóng cửa tại 592,57 điểm. Như vậy, trong tháng 2, VN-Index tăng 2,9%, mức tăng này có hỗ trợ khá lớn từ lực cầu của nhà đầu tư nước ngoài. Trong tháng 2, khối ngoại đã mua ròng gần 1.160 tỷ đồng trên hai sàn HOSE và HNX, so với mức bán ròng 179,4 tỷ đồng trong tháng 1.

Trên sàn HOSE, các mã CTG, BID, VCB, MWG được NĐT ngoại mua ròng mạnh. Cụ thể, CTG được mua ròng gần 10 triệu cổ phiếu, trị giá 183,8 tỷ đồng; VCB được mua ròng 3,3 triệu cổ phiếu, trị giá 119 tỷ đồng; MWG được mua ròng 1,2 triệu cổ phiếu, trị giá 161,6 tỷ đồng… Ngược lại, mã bị bán ròng nhiều nhất là CII, gần 7,9 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 145 tỷ đồng.

Đầu năm, vốn ngoại ồ ạt giải ngân ảnh 1

 Trong khi quỹ ETF ngoại huy động được thêm vốn, thì quỹ ETF nội đang rất khó tìm vốn mới để đầu tư

Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng 89,8 tỷ đồng trong tháng 2, tương ứng với 10,3 triệu cổ phiếu. Trong đó, cổ phiếu Ngân hàng SHB được nhắm đến nhiều nhất, với mức mua ròng gần 3,9 triệu cổ phiếu, trị giá 34,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, họ mua ròng 2 triệu cổ phiếu HUT và hơn 1 triệu cổ phiếu SD6. Những mã bị khối ngoại bán ròng trên HNX tập trung vào PVS với hơn 2,5 triệu cổ phiếu, LAS với 827.400 cổ phiếu.

Lực cầu của khối nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu đến từ các quỹ ETF. Từ đầu năm đến nay, 2 quỹ ETF là VNM ETF và FTSE ETF hoạt động rất tích cực, giá chứng chỉ quỹ đều ở trạng thái premium, tức thị giá cao hơn giá trị tài sản ròng (NAV). Trạng thái premium dương cho thấy, các NĐT nước ngoài đang kỳ vọng vào hoạt động của các quỹ ETF tại Việt Nam, đồng nghĩa với kỳ vọng vào triển vọng của TTCK Việt Nam. Hiện Quỹ VNM ETF có tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục đầu tư là 70,28%, với 18 mã chứng khoán.

Sắp tới, Quỹ VNM ETF sẽ tiến hành tái cơ cấu danh mục đầu tư định kỳ 3 tháng/lần. Dự đoán, nhiều khả năng mã DRC sẽ bị loại ra khỏi danh mục do không còn đáp ứng tiêu chí thanh khoản. Mã OGC nhiều khả năng được giữ nguyên trong danh mục do thanh khoản và vốn hóa tăng nhanh sau 3 phiên tăng giá cuối tháng 2. Mã KDC có thể sẽ được thêm vào danh mục.

Vốn ngoại đổ vào quỹ ETF để mua cổ phiếu Việt

Từ đầu năm đến nay, Quỹ VNM ETF có thêm hơn 600 tỷ đồng để “đổ” vào thị trường thông qua 3 lần phát hành 2,2 triệu chứng chỉ quỹ. Có thể nói, quy luật đầu tư trong 3 năm trước đã được lặp lại trong năm nay, với việc Quỹ được rót vốn mạnh vào đầu năm. Từ ngày 12/2 đến 27/2, dòng vốn ngoại nạp ròng vào VNM ETF giúp tổng tài sản của Quỹ tăng 20,4 triệu USD, từ 498,6 triệu USD lên 519 triệu USD. Kỳ vọng Quỹ sẽ tiếp tục giải ngân trong tuần này. Hiện chênh lệch giữa thị giá chứng chỉ quỹ VNM ETF và giá trị tài sản ròng là 2,31%.

Quỹ FTSE ETF cũng thu hút được nhiều vốn mới, chỉ trong ngày 25/2, tổng tài sản đã tăng thêm 4,26 triệu USD. Gần nửa tháng trước đó, từ ngày 12/2 đến 25/2, tổng tài sản của Quỹ tăng thêm 850.000 USD. Tổng tài sản của Quỹ FTSE ETF hiện đạt 378,12 triệu USD, tăng 5,11 triệu USD so với ngày 12/2. Trong danh mục đầu tư của Quỹ đang có 21 mã chứng khoán Việt Nam. Chứng chỉ quỹ này đang được giao dịch ở mức giá cao hơn giá trị tài sản ròng 1,12%.

Dự đoán, FTSE ETF sẽ loại mã CSM và HSG ra khỏi danh mục đầu tư trong thời gian tới do không còn đáp ứng được tiêu chí thanh khoản. Hiện quỹ này đang nắm giữ xấp xỉ 3,5 triệu cổ phiếu HSG và 2,6 triệu cổ phiếu CSM. Nhiều khả năng FTSE ETF sẽ thêm cổ phiếu CII vào danh mục đầu tư.

Ngày 26/2 vừa qua, Quỹ DB FTSE đã phát hành thêm 40.000 chứng chỉ quỹ sau một thời gian dài ngừng phát hành. Đến ngày 2/3, Quỹ duy trì được trạng thái premium 0,68%. Nhìn chung, TTCK Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của các NĐT nước ngoài.

Trong phiên giao dịch đầu tháng 3, khối ngoại tiếp tục mua ròng trên 2 sàn với các mã CTG (13 tỷ đồng), MWG (31 tỷ đồng), BID (8,6 tỷ đồng), HAG (8,4 tỷ đồng), STB (5,6 tỷ đồng), PVS (5,7 tỷ đồng), SHB (3,5 tỷ đồng), SDS (1,6 tỷ đồng), VCG (1,5 tỷ đồng)… Trên cả 2 sàn, trong phiên giao dịch này không có mã cổ phiếu ngân hàng nào bị khối ngoại bán ròng.

Nếu các NĐT ngoại duy trì xu thế này và tập trung vào nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường như nhóm ngân hàng, thì TTCK Việt Nam sẽ có thêm động lực để đạt được những kết quả khả quan về điểm số và thanh khoản.       

Tin bài liên quan