Giá dầu thô giảm xuống mức thấp nhất gần 7 năm sau quyết định của OPEC (Ảnh: AFP)
Sau cuộc họp cuối tuần qua của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không đưa ra được kế hoạch cắt giảm sản lượng, giá dầu thô đã giảm hơn 2% trong phiên cuối tuần và tiếp tục mất khoảng 6% trong phiên đầu tuần mới.
Giá dầu thô giảm mạnh đã kéo nhóm cổ phiếu năng lượng lao đốc. Chỉ số S&P năng lượng là chỉ số giảm mạnh nhất trong 10 chỉ số S&P với mức giảm 3,7%, thậm chí có lúc giảm hơn 5%, kéo phố Wall giảm trở lại trong phiên đầu tuần, sau khi có phiên thăng hoa cuối tuần trước nhờ dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan.
Kết thúc phiên 7/12, chỉ số Dow Jones giảm 117,12 điểm (-0,66%), xuống 17.730,51 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 14,62 điểm (-0,70%), xuống 2.077,07 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 40,46 điểm (-0,79%), xuống 5.101,81 điểm.
Trong khi đó, trái ngược với phố Wall, chứng khoán châu Âu lại hồi phục trở lại trong phiên đầu tuần khi đồng euro giảm trở lại. Trong 2 phiên giảm cuối tuần trước, chứng khoán châu Âu giảm mạnh do thất vọng với chính sách của ECB. Tuy nhiên, đà tăng của chứng khoán châu Âu bị hãm lại vào cuối phiên, thậm chí chứng khoán Anh đóng cửa trong sắc đỏ do ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu năng lượng khi giá dầu xuống thấp nhất gần 7 năm.
Kết thúc phiên 7/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 14,77 điểm (-0,24%), xuống 6.223,52 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 133,99 điểm (+1,25%), lên 10.886,09 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 41,62 điểm (+0,88%), lên 4.756,41 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, dữ liệu kinh tế khả quan của Mỹ được công bố cuối tuần trước đã ảnh hưởng tích cực tới chứng khoán Nhật Bản và Hồng Kông trong phiên đầu tuần mới. Chứng khoán Nhật Bản hồi phục 1% sau khi giảm mạnh hơn 2% cuối tuần trước.
Trong khi đó, dù duy trì đà tăng tốt trong gần như suốt phiên, nhưng về cuối phiên do ảnh hưởng từ sự sụt giảm của giá dầu, chứng khoán Hồng Kông đã đảo chiều và đóng cửa trong sắc đỏ. Chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng hồi phục nhẹ trở lại sau phiên điều chỉnh sâu cuối tuần trước.
Kết thúc phiên 7/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 193,67 điểm (+0,99%), lên 19.698,15 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 32,67 điểm (-0,15%), xuống 22.203,22 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 11,94 điểm (+0,34%), lên 3.536,93 điểm.
Cũng giống như phố Wall, sau phiên thăng hoa cuối tuần trước, giá vàng đã nhanh chóng giảm mạnh trở lại trong phiên đầu tuần mới. Trong khi phố Wall giảm do ảnh hưởng của giá dầu, thì giá vàng ngoài chịu tâm lý từ giá dầu giảm, còn bị ảnh hưởng mạnh từ việc đồng USD hồi phục trở lại sau khi lao dốc mạnh sau quyết định của ECB vào thứ Năm tuần trước.
Chỉ số USD sau khi sụt giảm từ mức sát 100 xuống dưới 98, hiện đã phục hồi và lên lại sát mốc 99.
Kết thúc phiên 7/12, giá vàng giao ngay giảm 15,1 USD (-1,39%), xuống 1.071,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 10,4 USD (-0,96%), xuống 1.076,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 giảm 10,6 USD (-0,98%), xuống 1.075,2 USD/ounce.
Như đã đề cập, trong cuộc họp cuối tuần trước, OPEC đã không đưa ra kế hoạch cắt giảm sản lượng như kỳ vọng trước đó của giới đầu tư khi Arap Saudi, nước xuất khẩu lớn nhất OPEC được cho là sẽ xem xét đề nghị một kế hoạch cắt giảm sản lượng lên OPEC.
Tuy nhiên, dường như các thành viên OPEC đã có mâu thuẫn khi Iran không muốn đẩy mạnh xuất khẩu để bù đắp cho những năm tháng bị phương Tây cấm vận. Và do đó, OPEC không những cắt giảm sản lượng, mà còn bơm mạnh dầu vào thị trường một cách kỷ lục để giữ thị phần, khiến giá dầu liên tục lao dốc.
Sau khi giảm 2% trong phiên cuối tuần trước, giá dầu thô tiếp tục mất 6% trong phiên đầu tuần này, xuống mức thấp nhất kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Nếu phá vỡ ngưỡng mức đáy này, giới phân tích cho biết, giá dầu thô sẽ lùi về mức giá của năm 2000.
Kết thúc phiên 7/12, giá dầu thô Mỹ giảm 2,32 USD/thùng (-5,8%), xuống 37,65 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,4 USD (-5,58%), xuống 40,6 USD/thùng.