Dầu lao dốc hơn 8%, chứng khoán trụ vững sau quyết định lịch sử của OPEC

Dầu lao dốc hơn 8%, chứng khoán trụ vững sau quyết định lịch sử của OPEC

(ĐTCK)OPEC đã có một quyết định lịch sử khi giữ nguyên sản lượng 30 triệu thùng/ngày bất chấp giá dầu đang giảm mạnh, bởi nguồn cung đang dư thừa và nhu cầu yếu. Sau quyết định này, giá dầu đã lao dốc không phanh, trong khi chứng khoán châu Âu được hỗ trợ bởi kỳ vọng ECB sớm nới rộng gói kích thích.

Trong khi thị trường chứng khoán Mỹ nghỉ giao dịch trong ngày lễ Tạ Ơn, thì sự tập trung bắt đầu dồn về châu Âu. Không chỉ là thị trường chứng khoán, mà cả thị trường vàng và đặc biệt là cuộc họp của Bộ trưởng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Trái ngược với dự đoán, với sự quyết liệt của Ả Rập Saudi, cuối cùng OPEC đã dưa ra quyết định không cắt giảm sản lượng, mà giữ ở mức 30 triệu thùng/ngày bất chấp nguồn cung đang dư thừa trong khi nhu cầu được dự báo yếu do kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại.

"Đó là một quyết định tuyệt vời", Bộ trưởng Đầu mỏ Ả Rập Saudi Ali al-Naimi mỉn cười cho biết sau khoảng 5 giờ đàm phán.

Quyết định này đánh dấu bược ngoặt lịch sử của OPEC và đánh dấu 1 cuộc chiến tranh giành thị phần giữa OPEC với các nước ngoài OPEC và cả với dầu đá phiến được sản xuất ở Mỹ.

Như vậy, quyết định trên có thể hiểu, OPEC đã không còn muốn can thiệp vào giá dầu, mà để nó vận động theo giá thị trường, có lên, có xuống theo nhu cầu.

Trong khi Ả Rập Saudi mỉn cười thì một số thành viên khác của OPEC là Venezuela và Iran lại không được như vậy. Với việc giá dầu giảm, sức ép về ngân sách với các quốc gia này sẽ rất lớn và ảnh hưởng đến cả vấn đề an sinh xã hội của các nước này, nhưng họ không đủ khả năng để tự cắt giảm sản lượng. Venezuela và Algeria là 2 quốc gia kêu gọi cắt giảm sản lượng hơn 2 triệu thùng/ngày.

Ngoại trưởng Venezuela Rafael Ramirez cho biết, ông chấp nhận quyết định của Tổ chức và hy vọng rằng, mức giá thấp hơn sẽ giúp đánh bật dầu đá phiến ra khỏi thị trường.

Sau quyết định này của OPEC, giá dầu đã lao dốc không phanh, qua đó ảnh hưởng đến cổ phiếu năng lượng trên thị trường chứng khoán châu Âu. Tuy nhiên, chứng khoán châu Âu vẫn có phiên tăng điểm khi các yếu tố khác bù đắp cho nhóm cổ phiếu năng lượng. Đơn cử, nhóm cổ phiếu vận tải, nhất là cổ phiếu của các hãng hàng không.

Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp của Đức tháng 11 vừa công bố chạm mức thấp kỷ lục, trong khi cùng lúc dữ liệu lạm phát yếu. Điều này giúp gia tăng kỳ vọng rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ sớm nới rộng gói kích thích kinh tế.

Hôm thứ Tư (27/11), Phó chủ tịch ECB Vitor Constancio cho biết, Ngân hàng có thể quyết định sớm, vào quý I/2015 sẽ bắt đầu chương trình mua trái phiếu chính phủ.

Nhờ những thông tin tích cực bù đắp lại sự sụt giảm cổ phiếu năng lượng, chứng khoán châu Âu vẫn duy trì đà tăng, ngoại trừ chứng khoán Anh. Trong đó, chỉ số DAX tại Đức có phiên tăng thứ 11 liên tiếp.

Kết thúc phiên 27/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 5,75 điểm (-0,09%), xuống 6.723,42 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 59,31 điểm (+0,60%), lên 9.974,87 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 8,92 điểm (+0,20%), lên 4.382,34 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, những dữ liệu không mấy tích cực của kinh tế Mỹ được công bố trước đó khiến đồng USD giảm trở lại so với đồng yên, khiến chứng khoán Nhật Bản giảm trong phiên thứ Năm. Tương tự, chứng khoán Hồng Kông cũng giảm trở lại trong phiên thứ Năm do giới đầu tư vẫn thận trọng về dữ liệu kinh tế của Trung Quốc, trong khi giới đầu tư trên thị trường chứng khoán đại lục lại vẫn chưa hết hứng khởi với quyết định giảm lãi suất của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đưa ra cuối tuần trước.

Kết thúc phiên 27/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 135,08 điểm (-0,78%), xuống 17.248,50 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 107,70 điểm (-0,45%), xuống 24.004,28 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục tăng 26,14 điểm (+1,00%), lên 2.630,49 điểm.

Giá vàng cũng có phiên giảm khá trong phiên thứ Năm, dù thị trường Mỹ nghỉ giao dịch. Sau giá dầu, vàng cũng đang chờ đợi quyết định quan trọng của mình từ cuộc trưng cầu dân ý ở Thụy Sĩ xem liệu Ngân hàng Trung ương nước này có được nắm giữ 20% tài sản là vàng hay không. Chính chờ đợi thông tin từ Thụy Sĩ, nên các nhà đầu tư, các quỹ giao dịch vàng hàng đầu đều tỏ ra thận trọng, khiến giá kim loại quý này giảm giá phiên thứ 2 liên tiếp, bất chấp đồng USD giảm giá.

Kết thúc phiên 27/11, giá vàng giao ngay giảm 8,2 USD (-0,68%), xuống 1.189,8 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 2/2015 vẫn đứng ở mức 1.197,5 USD/ounce.

Như đã đề cập ở trên, giá dầu đã lao dốc không phanh trong phiên thứ Năm sau quyết định của OPEC, giá dầu Brent lao thẳng từ gần 78 USD xuống gần 71 USD/thùng. Giá dầu thô Mỹ dù nghỉ lễ Tạ Ơn, nhưng ngay khi mở cửa phiên Á sáng nay cũng giảm gần 7%.

Trong phiên sáng nay (28/11), theo giờ Việt Nam, ngay khi bước vào phiên châu Á, giá dầu thô Brent giảm 6,5 USD (-8,36%), xuống 71,25 USD/thùng. Giá dầu thô Mỹ sáng nay giảm 5,12 USD (-6,95%), xuống 68,57 USD/thùng.

Tin bài liên quan